Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:28

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng, trong số 39 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2016, đến hết tháng 10-2018, các địa phương xử lý triệt để 24 trường hợp, 15 trường hợp chưa còn nhiều vướng mắc.

 

Công trình của Công ty CP Nguyễn Vũ Gia tại phường Đằng Lâm, quận Hải An vi phạm trật tự xây dựng.  

 

Buộc tháo dỡ 6 công trình

Đội trưởng Đội Thanh tra hành chính (Thanh tra Sở Xây dựng) Vũ Thế Thủy cho biết, trong số 15 trường hợp chưa thực hiện xử lý triệt để, có 6 trường hợp phải kiên quyết tháo dỡ, 9 trường hợp các địa phương đề xuất cho tồn tại. Trong các trường hợp kiên quyết tháo dỡ, quận Hải An có 2 trường hợp là các công trình thuộc khu đất 14,2 ha vừa được bàn giao ở phường Thành Tô, quận Hải An; công trình của Công ty CP Nguyễn Vũ Gia tại dự án 833, phường Đằng Lâm, có giấy phép xây dựng 6 tầng, 1 tum. Vi phạm ở công trình này là xây dựng nhà sai giấy phép vượt 3 tầng, 1 tum, vượt mật độ xây dựng, xây buồng lồi tầng 3,4,5, vượt chỉ giới đường đỏ (xây dựng lấn ra vỉa hè 12 m2). Đến nay, công trình này tháo dỡ xong phần xây buồng lồi tầng 3,4,5, tháo dỡ tầng 8, 9; còn 1 tầng và phần 12 m2 xây dựng ra vỉa hè chưa tháo dỡ.

Quận Kiến An còn 3 công trình vi phạm, UBND quận đang thiết lập hồ sơ xử lý tháo dỡ. Trong đó, có công trình của bà Đỗ Thị Chinh tại tổ dân phố (TDP) Thi Đua và công trình của ông Trần Hữu Chinh tại TDP Hạnh Phúc 2, phường Tràng Minh. Phó chủ tịch UBND phường Tràng Minh Trần Minh Nghiệp cho biết, đây là 2 công trình vi phạm tồn đọng nhiều năm, phường đang vận động chủ hộ tháo dỡ nhưng đến nay chưa có kết quả. Do vậy, phường triển khai các thủ tục cưỡng chế theo chỉ đạo của quận và thành phố. Một công trình khác của ông Nguyễn Đức Huyền, TDP Phương Khê, phường Đồng Hòa, cũng trong diện bắt buộc tháo dỡ.

Huyện An Dương còn 1 trường hợp là công trình xây dựng của ông Phạm Văn Phất và ông Vũ Quyết Thắng tại thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương. Đây là công trình có một phần vi phạm trật tự xây dựng, một phần diện tích trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường World bank. Theo Đội Thanh tra xây dựng số 9, chủ công trình lấy lý do khi nhận đủ tiền đền bù GPMB sẽ tự nguyện tháo dỡ mặt bằng, trong đó có phần vi phạm xây dựng.

Theo Thanh tra Sở Xây dựng, ngoài 6 trường hợp buộc tháo dỡ trên, các địa phương đề xuất cho tồn tại 9 trường hợp vi phạm. Trong đó công trình số 402 phố Hoàng Minh Thảo, phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) xin điều chỉnh giấy phép xây dựng khi có quy hoạch điều chỉnh. Hai trường hợp xin được tồn tại ở TDP Đống Khê, phường Đồng Hòa, UBND quận Kiến An yêu cầu gia đình làm thủ tục chuyển đổi phần đất xen canh, xen cư sang đất ở theo quy định. Đối với công trình Trường Cao đẳng nghề Bách Nghệ ở phường Anh Dũng, UBND quận Dương Kinh đề xuất công trình được tồn tại và yêu cầu trường làm thủ tục ký hợp đồng thuê đất theo quy định. Về 2 trường hợp ở xã Quảng Thanh và xã Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên) xây dựng sai giấy phép, các chủ công trình đang thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 3 trường hợp ở xã Đồng Thái và An Đồng, UBND huyện An Dương đề nghị công trình được tồn tại, yêu cầu các hộ làm thủ tục chuyển đổi sang đất ở theo quy định.


Dứt điểm trong xử lý

Về 39 công trình vi phạm xây dựng tồn đọng từ năm 2016, UBND thành phố yêu cầu xử lý dứt điểm trong năm 2017. Sở Xây dựng ban hành 14 văn bản đôn đốc các quận, huyện về việc xử lý 39 công trình vi phạm tồn đọng từ năm 2016. Tuy nhiên, đến nay quá thời hạn gần một năm, còn 15 công trình chưa được xử lý dứt điểm. Trong 6 công trình yêu cầu tháo dỡ, do tồn đọng lâu ngày, vi phạm phức tạp nên các xã, phường gặp nhiều khó khăn trong xử lý. Các chủ hộ nêu nhiều lý do, trì hoãn chấp hành. Có trường hợp cán bộ phường vận động tháo dỡ, chủ hộ không có mặt tại công trình, hoặc thiếu hợp tác, thách thức chính quyền cơ sở.

 

Trước thực tế trên, các địa phương cần kiên quyết vào cuộc, gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong xử lý. Trước hết, tiếp tục vận động, tuyên truyền, thuyết phục các chủ hộ vi phạm tự nguyện tháo dỡ công trình. Việc này cần được kiên trì thực hiện với sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể từ cấp huyện đến cấp xã, thôn. UBND các quận, huyện, xã, phường nơi có công trình vi phạm tồn đọng củng cố hồ sơ, rà soát, kiểm tra thực trạng công trình vi phạm để triển khai các thủ tục tháo dỡ, bảo đảm chặt chẽ quy trình, có lý, có tình, nhận được sự hợp tác, chấp hành của chủ hộ vi phạm và người dân địa phương.

Các vi phạm và tồn đọng kéo dài, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND các phường, xã trong quản lý trật tự xây dựng hiệu quả thấp, có sự buông lỏng, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm của cán bộ và cấp chính quyền từ xã, phường đến quận, huyện. Do vậy, việc xử lý dứt điểm các công trình vi phạm tồn đọng là trách nhiệm của UBND các quận, huyện, xã, phường, nhằm bảo đảm nghiêm minh của pháp luật, góp phần giảm thiểu vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

 

Theo Thanh tra Sở Xây dựng, việc đề xuất cho tồn tại 9 công trình phải căn cứ vào các điều kiện cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, “có lý, có tình” nhằm giải quyết dứt điểm các vi phạm tồn đọng, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân. Việc cho phép các công trình vi phạm tồn tại thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các quận, huyện. Các quận, huyện chịu trách nhiệm xử lý đúng pháp luật.

 VĂN LƯỢNG – Báo Hải Phòng 10/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xử lý 39 công trình vi phạm tồn đọng từ năm 2016: Chưa dứt điểm, nhiều vướng mắc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác