Lên từng thuyền, rà từng người
Bác Đinh Văn Huệ, Bí thư chi bộ tổ dân phố Cù Chính Lan 2, phường Minh Khai kể về gần 3 tuần sát cánh cùng bà con xóm chài sông Tam Bạc trong thời gian cao điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 từ đầu tháng 4-2020: “Những ngày đó, thời gian tôi ở thuyền còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Mỗi ngày 3 ca, tôi và những thành viên tổ kiểm soát phòng, chống dịch chia nhau kiểm tra thân nhiệt của người dân cư trú nơi đây. Cũng tương đối vất vả, mệt, nhưng trách nhiệm với cộng đồng nên mọi người cùng động viên nhau, cùng là đồng bào ta cả, dưới thuyền đau thì trên bờ cũng chẳng vui được”. Với những chốt phòng, chống dịch trên đất liền, chỉ cần căng rào, dựng biển thông báo là có thể kiểm tra thân nhiệt những người đi qua. Nhưng ở đây có hàng chục tàu, thuyền lớn, nhỏ, mỗi cái lại có một lối lên-xuống. Ngoài ra, người dân còn có thể lên thuyền bằng phương tiện thủy khác. Bởi vậy, để giám sát di biến động ở xóm chài cũng như kiểm tra thân nhiệt người dân, chỉ có biện pháp duy nhất là lên từng thuyền, rà từng người. Thực tế, có những ngày cao điểm, thành viên trong tổ kiểm tra thân nhiệt tới hơn 450 lượt người.
Khu xóm chài trên sông Tam Bạc tồn tại hàng chục năm nay. Đây là nơi cư ngụ của 44 hộ với gần 170 nhân khẩu. Các gia đình chủ yếu xuôi theo con nước từ Hải Dương, Nam Định và một số địa phương của Hải Phòng như Thủy Nguyên, An Lão về đây kiếm kế sinh nhai bằng nhiều nghề tự do như bán hàng, chạy xe ôm… Nhiều gia đình sống ở đây đến thế hệ thứ 3. Tuy nhiên, tất cả những người sinh sống nơi đây có điểm chung là không có hộ khẩu trên địa bàn phường Minh Khai.
Bà Vũ Thị Kéo, người dân sinh sống hơn 20 năm ở xóm chài Tam Bạc, bán nước ở Bến xe Lạc Long cho biết: “Mặc dù chúng tôi không đăng ký thường trú, tạm trú tại phường Minh Khai, nhưng trong đợt tăng cường giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, tất cả người dân trên xóm chài đều được địa phương hỗ trợ theo tinh thần nhất quán là không có sự phân biệt giữa “trên bến dưới thuyền”. Trên bờ chống dịch như thế nào, dưới thuyền chống như thế đó. Trên bờ được hỗ trợ gì, người dân dưới thuyền càng phải quan tâm hỗ trợ hơn nữa”.
Trên đất liền, các tổ phòng, chống dịch vận động các gia đình tự phun tiêu độc, khử trùng. Nhưng ở dưới thuyền, định kỳ hằng tuần, các hộ đều được phát miễn phí CloraminB cùng hướng dẫn tỷ lệ pha, cách phun khử trùng cả thuyền. Ngoài ra, 100% số người dân ở đây đều được hỗ trợ phát miễn phí các loại dung dịch sát khuẩn, rửa tay, khẩu trang. Khi UBND quận Hồng Bàng cùng các nhà tài trợ phát gạo hỗ trợ, các hộ gia đình sinh sống trên thuyền ở sông Tam Bạc cũng được cấp phát không bỏ sót hộ nào.
Tăng cường hỗ trợ sau dịch COVID-19
Kết thúc thời gian giãn cách xã hội, xóm chài sông Tam Bạc hoàn toàn bình yên trước dịch COVID-19. Người dân xóm chài lại quay về với nếp sống thường nhật. Được biết, mặc dù hầu hết người dân sinh sống trên 60 tàu, thuyền ở đây đều không đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú tại phường, do đó sẽ khó có căn cứ để xác định mức độ ảnh hưởng tới thu nhập bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngay khi Nghị quyết 42 của Chính phủ và Thông báo số 181 của UBND thành phố về việc chuẩn bị triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, tất cả người lao động tự do mất việc, giảm thu nhập đang sinh sống tại khu xóm chài đều được lập danh sách, thống kê ban đầu theo 2 tổ dân phố Cù Chính Lan 1 và Cù Chính Lan 2, bảo đảm đầy đủ, không sót lọt. UBND phường Minh Khai hoàn tất công tác thống kê này từ giữa tháng 4 và đang nỗ lực để khoản tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân.
Được biết, theo chủ trương cải tạo sông Tam Bạc giai đoạn 2, dự kiến trong tháng 5-2020, chính quyền địa phương hoàn tất việc di dời các hộ dân sinh sống ở đây. Qua đó, giải phóng khu vực cửa sông Tam Bạc đi ra sông Cấm, bảo đảm tiến độ chỉnh trang, cải tạo khu vực trung tâm thành phố. Bí thư Đảng ủy phường Minh Khai Lê Tâm cho biết: Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nên tiến độ thực hiện cũng phần nào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngay trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân di dời khỏi khu vực ven sông Tam Bạc, để có thể hoàn trả mặt bằng đúng kế hoạch. Trước mắt, chia các hộ thành 3 nhóm dựa theo quê quán gồm những người quê ở Hải Dương, những người quê ở Hải Phòng và những người ở các địa phương khác. Trong đó vận động các gia đình trở về quê, những gia đình đang có con học trên địa bàn phường thì hỗ trợ họ tìm thuê nhà giá rẻ. Cùng với đó, địa phương cũng đề xuất với cấp trên các biện pháp hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Như An
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More