Không thể tồn tại “điểm đen” trên các tuyến quốc lộ
Theo thống kê trong năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện các giải pháp kỹ thuật loại bỏ được 322 điểm đen có tính chất nguy hiểm, cấp bách trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc do Bộ GTVT quản lý.
Tuy nhiên, tại nhiều tuyến QL vẫn tồn tại rất nhiều “điểm đen” cũ và mới khác tiềm ẩn nguy cơ cao. Nhiều điểm nằm ở các đoạn đường cong bán kính nhỏ, khuất tầm nhìn hoặc đường đèo dốc. Cụ thể, liên quan đến yếu tố hạ tầng là 44 điểm đen, 160 điểm tiềm ẩn về TNGT (chưa ở mức điểm đen). Đơn cử, trên QL4B qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có đến 8 “điểm đen”; trên tuyến QL1B có 9 “điểm đen” và 20 vị trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT… Tại các vị trí này, nếu phương tiện không chủ động giảm tốc độ, chú ý quan sát, khi vào cua lấn sang phần đường bên cạnh, gặp xe đi ngược chiều thì tai nạn rất dễ xảy ra. Rồi nữa, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ TNGT xe khách nghiêm trọng tại các điểm đường đèo dốc như đèo Lò Xo và QL3 tỉnh Cao Bằng. Để ngăn chặn tai nạn, cơ quan quản lý đường bộ thực hiện các giải pháp khắc phục nâng cao an toàn như: lắp dựng biển báo hiệu trên các giá long môn để lái xe nhìn trực diện, dễ hiểu như các biển cảnh báo như: “Dốc dài nguy hiểm – Đi số thấp” cho chiều xuống dốc, “Đi đúng làn đường”; cắm biển báo hạn chế tốc độ, sơn kẻ đường, sơn gờ giảm tốc dạng vạch đơn liên tục, lắp đặt đinh tiêu phản quang và dùng màng phản quang cấp cao – cấp sương mù; xây dựng đường cứu nạn, hốc lánh nạn, điểm kiểm tra kỹ thuật xe khi xuống dốc kết hợp các biển tuyên truyền kỹ thuật lái xe đèo dốc. Hoặc tại các vị trí vực sâu, vách đá cua gấp thì lắp đặt hộ lan 2 tầng, kết hợp các tường lốp nhằm giảm thương vong…
Ở Hải Phòng, công tác đảm bảo TTATGT được lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND đặc biệt quan tâm. Động thái tích cực nhất điển hình nhất là ngay những ngày đầu tiên của năm 2018 và 2019 này đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố có những buổi làm việc trực tiếp với Sở GTVT. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban ATGT thành phố làm việc trực tiếp với Công an thành phố và lãnh đạo các phòng CSGT Sắt – Bộ, Cảnh sát Đường thủy, Cảnh sát trật tự, Cơ động về công tác này và đã có những quyết sách kịp thời trong việc giải quyết bất cập hạ tầng giao thông, xử lý điểm đen TNGT, những điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh. Theo số liệu khảo sát đầu năm 2018 của Sở GTVT, thành phố có 45 điểm mất ATGT và 3 điểm đen TNGT. Trong đó có 6 điểm trên QL thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục Đường bộ; 23 điểm trên các tuyến tỉnh lộ và đường đô thị (do Sở GTVT quản lý); 8 điểm trên đường huyện lộ (cấp quận, huyện quản lý) và 8 điển ngang qua đường sắt (liên quan đến ngành đường sắt). Với quyết tâm cao, tới thời điểm này ngành GTVT thành phố đã giải quyết, xóa được 43 điểm, còn lại 13 điểm (tính cả những điểm mới phát sinh). Đơn vị đang tiếp tục rà soát phát sinh mới sẽ khắc phục ngay những tháng đầu năm 2019.
Khắc phục tình trạng thiếu vốn duy tu, sửa chữa đường bộ…
Tại hội nghị giao ban trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ ngành Giao thông vận tải (GTVT) 2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định, hiện nay công tác duy tu hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu do ngân sách còn hạn chế. Theo tính toán chung của các địa phương, nguồn kinh phí bố trí cho công tác duy tu, sửa chữa đường hàng năm mới đáp ứng được khoảng 30% yêu cầu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều điểm đen TNGT, điểm mất ATGT đã được các địa phương rà soát, báo cáo và Bộ GTVT chấp thuận nhưng vẫn phải “treo” chưa thể khắc phục vì chưa có nguồn vốn đầu tư. Ví dụ, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn của khu vực Miền Bắc. Nhiều năm qua, sản lượng hàng hóa thông qua cảng liên tục tăng trưởng từ 18-20% và năm 2018 đạt 110 triệu tấn. Trong đó chiếm tới 80% lượng hàng hóa thông qua cảng được vận chuyển bằng đường bộ, trực tiếp là QL5, QL10, QL37, QL17B và hệ thống đường tỉnh lộ do thành phố quản lý, duy tu. Từ đầu năm 2018, Sở GTVT khảo sát đề xuất Tổng cục Đượng bộ giải quyết, khắc phục 3 điểm đen và 3 điểm tiềm ẩn nguy cơ có nguyên nhân từ hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 điểm đang được triển khai thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ TW (2 điểm trên QL10 và 1 điểm trên QL17B). Thành phố tự bỏ vốn khắc phục 1 điểm trên QL10 đoạn đấu nối cổng Khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương). Còn lại 2 điểm (trên QL10 và QL5), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chấp thuận nhưng vẫn còn đang chờ vốn đầu tư…
Theo các chuyên gia ngành GTVT, công tác duy tu sửa chữa cần phải tập trung hơn nữa, vì nếu công tác duy tu không kịp thời, “mạch máu” giao thông phát triển kinh tế sẽ bị gián đoạn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại cả nước còn hơn 16.000km đường bộ là QL, đường cao tốc do TW quản lý đã quá hạn trung, đại tu. Nhu cầu vốn đầu tư sẽ rất lớn, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải tích cực hơn nữa trong đánh giá thực trạng để đề xuất, báo cáo Chính phủ bố trí kinh phí sửa chữa, để mỗi đoạn đường không trở thành “cung đường ám ảnh” với người tham gia giao thông. Tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác bảo đảm TTATGT toàn quốc năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng thiếu nguồn đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT xây dựng, trình đề án về công tác duy tu, sửa chữa đường bộ. Đây là một chủ trương lớn tập trung cho duy tu, sửa chữa để toàn bộ các tuyến đường nhằm đảm bảo chất lượng tốt, phục vụ tốt nhu cầu phát triển KT – XH của đất nước. Công việc cấp bách trước mắt đó là ưu tiên xử lý dứt điểm các điểm đen TNGT trên các tuyến quốc lộ, coi đó là giải pháp cấp bách phòng ngừa, hạn chế TNGT đường bộ hiện nay.
Trở lại vấn đề TNGT trên cả nước diễn biến phức tạp, với nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, theo Ủy ban ATGT quốc gia, TNGT xảy ra phụ thuộc vào 4 yếu tố như: điều kiện hạ tầng, con người, phương tiện, môi trường dân cư. Trong đó nguyên nhân do ý thức người tham gia giao thông là chủ yếu, chiếm tới trên 70%. Việc tập trung xóa “điểm đen” rõ ràng là hết sức cần thiết, song đó chỉ là hỗ trợ. Quan trọng hơn là ý thức của người tham gia giao thông. Do đó, Ủy ban ATGT quốc gia quy định, việc xử lý điểm đen TNGT liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến yếu tố cầu đường thuộc về cơ quan quản lý chuyên ngành từ trung ương và địa phương. Những điểm đen không liên quan đến cầu đường, cần có nhiều giải pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng, hệ thống chính trị, đặc biệt tại địa phương. Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch 2019 của Tổng cục Đường bộ VN, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo, việc xóa bỏ điểm đen phải được xem là ưu tiên số 1. Đây là nhiệm vụ mang tính nhân văn cao cả, biết mà không khắc phục ngay là có lỗi với dân. Các Sở GTVT phải chủ động kiểm tra, phát hiện phối hợp với Tổng cục loại bỏ những điểm đen nguy hiểm, phấn đấu xóa bỏ tất cả các điểm đen hiện hữu trong năm 2019. Nếu hết năm, không xử lý hết thì cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ phải chịu trách nhiệm. TNGT nghiêm trọng xảy ra tại các vị trí mà khi điều tra phát hiện đó là “điểm đen”, đơn vị quản lý tuyến đường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật./.
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More