“Nhà máy Xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân, bây giờ là của các cô, các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản, bây giờ là người chủ đất nước, phải xứng đáng với vai trò của mình” – Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần Người về thăm nhà máy và nói chuyện với người thợ xi măng vào sáng 30/5/1957, vẫn còn nguyên giá trị, là động lực cho tập thể Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng hôm nay tiến bước, phát huy vị thế mới của mình trên con đường hội nhập.
Tiền thân của Công ty là Nhà máy Xi măng Hải Phòng, được người Pháp xây dựng ngày 25/12/1899 trên vùng đất ngã ba Sông Cấm và kênh đào Hạ Lý (quận Hồng Bàng). Dưới thời thuộc Pháp, Nhà máy Xi măng Hải Phòng là cơ sở duy nhất ở Đông Dương sản xuất xi măng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa của người Pháp. Do máy móc thiết bị còn thô sơ, điều kiện làm việc nặng nhọc, lại bị áp bức nặng nề nên công nhân xi măng Hải Phòng đã đứng lên đấu tranh, từ tự phát sang tự giác, trở thành một trong những lực lượng tiên phong cách mạng ở Hải Phòng và cả nước. Ngày 8/1/1930, cuộc bãi công lớn trong toàn Nhà máy thu hút gần 2.000 công nhân tham gia, đòi tăng lương, chống đánh đập, cúp phạt, đã giành được thắng lợi. Và ngày 8/1 trở thành Ngày truyền thống của Nhà máy Xi măng Hải Phòng, nay trở thành Ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam…
Ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đảng ủy Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng chia sẻ: Thực hiện lời căn dặn và Di chúc của Bác, qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đảng bộ và công nhân viên Xi măng Hải Phòng tích cực vừa phấn đấu vừa sản xuất, công tác, vừa học tập nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, kỹ thuật, chuyên môn nghề nghiệp. Ngay từ những thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, Nhà máy Xi măng Hải Phòng đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, điển hình là cánh chim đầu đàn “Tổ đá nhỏ Ca A” – Tổ lao động xã hội chủ nghĩa đầu tiên của miền Bắc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Phong trào làm theo lời Bác đã xuất hiện nhiều Anh hùng Lao động như: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hiền Viết, Nguyễn Văn Vinh… và nữ công nhân tiêu biểu của nhà máy thời kỳ đó là bà Trương Thị Len, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, đại biểu Quốc hội khóa II, người vinh dự nhiều lần được gặp Bác.
Vào thời kỳ đổi mới, lời dạy của Người dành cho những người thợ xi măng tiếp tục được thắp sáng, lan tỏa. Thực hiện chuyển đổi sản xuất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1019/QĐ-TTg), cuối năm 2005, một nhà máy xi măng mới hình thành, tọa lạc trên vùng đất Tràng kênh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng thay thế nhà máy cũ lạc hậu, ô nhiễm. Sự kiện này đáp ứng lòng mong đợi của hàng nghìn người thợ xi măng và hàng triệu người dân thành phố cảng. Không chỉ bởi lẽ trả lại cho bầu trời thành phố một môi trường sống không khói xi măng lan tỏa mà còn bởi từ nay đội ngũ công nhân Xi măng Hải Phòng chia tay vĩnh viễn với công nghệ sản xuất xi măng cũ, lạc hậu của người Pháp để lại, đón nhận một nhà máy hiện đại với công nghệ tiên tiến nhất.
Kể từ khi Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng cho ra đời mẻ Clinker đầu tiên hội nhập với thị trường xi măng cả nước (cuối năm 2005), đến nay, Đảng bộ, công nhân viên Xi măng Hải Phòng không chịu lùi bước trước thử thách mới, đã nhanh chóng nắm bắt, làm chủ thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại, hướng tới mục tiêu cao nhất, khẳng định thương hiệu Xi măng Hải Phòng với nhãn hiệu “Con Rồng” trên 100 năm tuổi với chất lượng cao nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, ngay trong giai đoạn sản xuất thử đầu năm 2006, lò nung của Công ty đã đạt 90% công suất thiết kế và sản phẩm sản xuất thử đạt 100% chính phẩm, có lãi trên 15 tỷ đồng. Những năm, sản lượng tiếp theo đều đạt và vượt công suất thiết kế, kết quả sản xuất kinh doanh năm sau cao hơn năm trước. Trong 14 năm qua, Công ty xi măng Vicem Hải Phòng đã sản xuất hơn 15,40 triệu tấn Clinker, tiêu thụ 21 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt hơn 21.500 tỷ đồng; nộp ngân sách cho nhà nước trên 800 tỷ, bình quân hằng năm khoảng 60 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân mỗi tháng của người lao động trước đây chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/người, nay thu nhập bình quân đã đạt và vượt con số 8 triệu đồng/người/tháng, là một trong những doanh nghiệp có thu nhập cao của thành phố Hải Phòng trong những năm qua. Sản phẩm truyền thống của Xi măng Hải Phòng hiện đã có mặt trên các công trình dân dụng, các công trình trọng điểm quốc gia, tỉnh, thành phố với chất lượng vững bền, xuyên thế kỷ.
“Tim còn đập, lò còn quay”, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng hôm nay không ngừng thực hiện lời căn dặn của Bác kính yêu, tiếp tục kế thừa, phát huy vị thế mới của mình trên con đường hội nhập với nhãn hiệu Xi măng “Con Rồng” sinh ra từ truyền thống cách mạng, đồng hành cùng đất nước hơn 100 năm có lẻ với niềm tự hào là cái nôi của ngành Xi măng Việt Nam, cái nôi của giai cấp công nhân thành phố Cảng anh hùng.
Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More