Bậc lương được nâng cao
Bộ GDĐT đang xin ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương cho giáo viên công lập ở các cấp học. Theo đó, bậc lương mới của giáo viên sẽ gắn với trình độ đào tạo theo hệ thống thang bậc lương chung dành cho viên chức nhưng có phụ cấp ưu đãi nghề.
Hiện nay, lương giáo viên tại các trường phổ thông được trả theo chức danh nghề nghiệp như sau: Giáo viên tiểu học, mầm non hạng IV (từ 1,86 đến 4,06), hạng III (từ 2,1 đến 4,98), hạng II (từ 2,34 đến 4,98); Giáo viên THCS hạng III (từ 2,1 đến 4,98), hạng II (từ 2,34 đến 4,98), hạng I (từ 4,0 đến 6,38); Giáo viên THPT hạng III (từ 2,34 đến 4,98), hạng II (từ 4,0 đến 6,38), hạng I (từ 4,4 đến 6,78).
Việc trả lương này bộc lộ nhiều bất cập như giáo viên có bằng đại học hoặc cao hơn nhưng dạy ở mầm non, tiểu học… thì chỉ được xếp lương ở hạng thấp nên mức lương khởi điểm rất thấp, hay việc chuyển xếp thăng hạng giáo viên cũng gặp nhiều bất cập về điều kiện, tiêu chuẩn, chỉ tiêu…
Thế nhưng, theo Luật Giáo dục mới có hiệu lực, cộng với việc xếp lương theo vị trí việc làm thì xếp lương giáo viên từ 1.7 sẽ được trả về theo chuẩn, vị trí việc làm.
Cũng từ 1.7, chuẩn trình độ giáo viên sẽ được nâng lên phù hợp như giáo viên mầm non thì trình độ chuẩn đào tạo sẽ là cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học đến THPT đều là đại học sư phạm hoặc tương đương nên nếu giáo viên trên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 sẽ có thể được xếp cùng mức lương khởi điểm là như nhau, cùng ngạch, bậc lương. Điều này cũng sẽ công bằng cho giáo viên đã được đào tạo đúng chuẩn, vị trí việc làm.
Trước đây, 1 giáo viên tiểu học khởi đầu nếu trình độ trung cấp thì hệ số cơ bản là 1,86 thì với chuẩn trình độ đào tạo mới được nâng lên thành 2,34. Như vậy, ngay hệ số cơ bản, nếu so với hiện nay cũng đã gấp rưỡi. Theo cách tính lương mới đang được dự thảo, lương giáo viên tiểu học cao nhất có thể lên tới gần 11 triệu đồng/tháng (chưa tính phụ cấp ưu đãi).
Với cách tính này, lương của đội ngũ giáo viên mới vào nghề được nâng lên so với hiện nay. Những giáo viên lâu năm sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nữa, vì thế, thu nhập có thể bị giảm. Thu nhập giáo viên được hưởng sẽ đúng theo tính chất phức tạp và đặc thù nghề nghiệp và khi đó chênh lệch giữa lương của giáo viên mới ra trường và giáo viên lâu năm sẽ thu hẹp.
Điều kiện khắt khe, khó đạt
Để được xếp ở hạng I và được xếp hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78 thì có lẽ giáo viên nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, so sánh bảng điều kiện trong dự thảo thì có lẽ đây cũng là điều kiện đang ở mức rất cao. Để trở thành giáo viên hạng I, giáo viên phải đáp ứng các điều kiện theo dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập.
Ví dụ ở bậc tiểu học, giáo viên được xếp ở hạng I ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ khác như: Tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh tiểu học hoặc tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi được lựa chọn.
Giáo viên phải chủ trì các hoạt động bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề của nhà trường hoặc tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp huyện trở lên. Cùng với đó, giáo viên phải tham gia đoàn đánh giá ngoài, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên tiểu học từ cấp huyện trở lên; tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm hoặc tổng phụ trách đội giỏi cấp huyện trở lên.
Về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên tiểu học hạng I còn quy định: Có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành giáo dục tiểu học hoặc chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy; có trình độ ngoại ngữ bậc 3; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I.
Ngoài ra còn rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe khác về phẩm chất, đạo đức, bằng khen, danh hiệu khác nữa.
“Mặc dù đã có bằng thạc sĩ nhưng nhìn bảng tiêu chuẩn giáo viên hạng I thì tôi cũng khó lòng có thể đạt được bởi không phải giáo viên nào cũng sẽ có cơ hội được tham gia đầy đủ các tiêu chuẩn trên” – cô giáo Nguyễn Loan – một giáo viên tại Thái Bình chia sẻ.
Là một giáo viên có kinh nghiệm lâu năm, thạc sĩ Nguyễn Quang Thi – Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng góp ý rằng, cần có những đặc cách trong xét thăng hạng cho giáo viên hiện đã làm việc từ 20 năm trở lên bởi những tiêu chuẩn thi và xét thăng hạng hiện tại rất khó để giáo viên công tác lâu năm có thể đạt được.
HUYÊN NGUYỄN
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…
Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…
Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…
Sáng 18/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực…
Chiều 18/12, UBND thành phố tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More