Print Thứ Sáu, 16/09/2022 08:30 Gốc

Những ngày mùa thu lịch sử này, huyện An Lão long trọng tổ chức đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn và Đình Nguyệt Áng ở xã Thái Sơn. Đây là niềm vui, niềm tự hào của người dân trên quê hương Trạng nguyên, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm phát huy truyền thống, dựng xây quê hương văn minh, giàu đẹp.

Tự hào trên quê hương Trạng nguyên

Đình Nguyệt Áng, Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn cách trung tâm thành phố khoảng 12km là hai công trình kiến trúc tâm linh tín ngưỡng, trung tâm văn hóa truyền thống của huyện An Lão nói chung và xã Thái Sơn nói riêng.

Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn hiện thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn, phu nhân quan Trạng và Tiến sĩ Trần Tảo là con trai trạng nguyên. Theo sử sách ghi chép lại, Trần Tất Văn (không rõ năm sinh, năm mất), người làng Nguyệt Áng, nay là thôn Nguyệt Áng, xã Thái Sơn. Khoa thi năm Bính Tuất (1526) niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 đời Lê Cung Hoàng, ông đỗ Trạng Nguyên. Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước Hàn Xuyên bá. Dưới triều Mạc, ông đều tham gia việc văn thư trao đổi giữa nhà Minh và nhà Mạc và từng lãnh trọng trách đi sứ. Biết được nhân cách, tài năng của Trạng nguyên Trần Tất Văn, thái tổ Mạc Đăng Dung giao cho ông chuyên lo việc bang giao với nhà Minh, tìm mọi cách để tránh được binh lửa. Đối với quê hương, Trạng nguyên Trần Tất Văn luôn quan tâm, chăm lo xây dựng xóm làng, xây chùa, làm cầu để nhân dân đi lại thuận tiện…

Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn được dựng ở đầu thôn Nguyệt Áng, quay hướng Tây, nằm tựa lưng vào núi Đào Lĩnh (Cột Cờ). Đất xây đền là địa linh, trên gò đất mắt rồng, hai bên có hai gò đất nổi lên mang hình dáng như nghiên, bút. Do vậy, dân làng thường gọi là Gò Nghiên, Gò Bút. Không gian quanh di tích hài hòa, gần gũi giữa kiến trúc tín ngưỡng và khu dân cư.

Đình Nguyệt Áng tôn thờ Thành hoàng làng Lê Hữu Uy. Theo tương truyền, Thành hoàng làng Lê Hữu Uy tham gia đội quân nhà Trần, là người văn võ toàn tài, hai lần cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành đều thắng lợi. Tưởng nhớ công đức của ngài, dân làng dựng đình và miếu thờ. Bên cạnh đó, từ năm 1962, dân làng đưa bài vị của Khổng tử và hai cha con quan Trạng là Trạng Nguyên Trần Tất Văn và Tiến sĩ Trần Tảo vào thờ tại đình.

Đình Nguyệt Áng mang đặc trưng phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Điểm nổi bật ở đình là sự tương đồng giữa kiến trúc và nghệ thuật ở các hạng mục kiến trúc chính, trang trí chủ yếu trên các cấu kiện gỗ. Ở Đình nguyệt Áng, hình rồng là đề tài chiếm vị thế chủ và được chạm trên nhiều cấu kiện.

Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn được xây dựng ở vùng đất địa linh.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Hiện nay, Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn và Đình Nguyệt Áng là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của cả huyện An Lão. Người dân địa phương luôn phát huy truyền thống lịch sử, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Hằng năm, vào 2 ngày 9 và 10/2 âm lịch, dân làng mở lễ hội Đình Nguyệt Áng để tri ân, tôn vinh, tưởng nhớ tới Thành hoàng Lê Hữu Uy. Đồng thời, trong lễ hội có lệ phục nghinh (rước chân hương từ đền về đình), với ý nghĩa là mời hai cha con Trạng nguyên Trần Tất Văn và Tiến sĩ Trần Tảo về đình làng.

Tại Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn, trong năm, dân làng có 2 ngày để tưởng nhớ công đức của Trạng nguyên. Đúng ngày 4 tháng Giêng âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội truyền thống tại Đền với các nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian. Đặc biệt, người dân xã Thái Sơn cũng luôn coi trọng nghi lễ tưởng nhớ ngày cụ Trạng về vinh quy bái tổ ngày 24/8.

Nhiều năm qua, vào dịp này, tại Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn, huyện An Lão tổ chức lễ biểu dương học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc. Huyện luôn chú trọng giáo dục truyền thống, phát động phong trào thi đua đối với thế hệ trẻ, xứng danh người con của quê hương Trạng nguyên Trần Tất Văn. Ngành Giáo dục huyện phát động các trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa tham quan, giới thiệu lịch sử truyền thống tại các địa chỉ đỏ. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo dục truyền thống luôn được các trường học quan tâm chú trọng. Nhờ vậy, hằng năm, số học sinh của địa phương đoạt giải học sinh giỏi các cấp và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày một tăng. Năm học 2019-2020, huyện có 60 học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc; năm học 2020-2021, huyện có 72 học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc được biểu dương, khen thưởng…

Tự hào về truyền thống quê hương, huyện An Lão luôn làm tốt công tác xã hội hóa, quan tâm tu bổ, tôn tạo các di tích. Từ năm 2018 đến nay, huyện có 11 di tích lịch sử văn hóa được tôn tạo với tổng nguồn kinh phí xã hội hóa các địa phương hơn 11 tỷ đồng. Di tích Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn và Đình Nguyệt Áng cũng được đầu tư, tôn tạo khang trang, xứng tầm di tích lịch sử cấp quốc gia. Cùng với những di tích lịch sử, danh thắng khác trên địa bàn là thế mạnh để huyện An Lão mở hướng phát triển, kết nối các tour, tuyến du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh./.

Theo Quyết định số 981/QĐ-BVHTTDL ngày 27/4/2022 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trần Tất Văn và Đình Nguyệt Áng, xã Thái Sơn. UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hương An. Ảnh; Trung Kiên

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn và Đình Nguyệt Áng, xã Thái Sơn (An Lão): Nhân lên sức mạnh truyền thống quê hương
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác