Print Thứ Sáu, 10/04/2020 08:59 Gốc

Dừng hoàn toàn hoạt động bán hàng rong trên địa bàn thành phố là một trong những biện pháp được UBND thành phố đưa ra để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến ngày 4-4, trên nhiều tuyến phố vẫn có hiện tượng này.

Ngày 31-3, UBND thành phố có Văn bản số 2319 chỉ đạo dừng ngay hoạt động bán hàng rong trên địa bàn thành phố, nhưng thực tế, tình trạng hàng rong bán bánh mỳ, rau củ, hoa quả vẫn xuất hiện trên nhiều tuyến đường. Như sáng ngày 3-4, trên đường Lương Khánh Thiện (quận Ngô Quyền), vẫn có tiếng rao bánh mỳ của người bán hàng rong. Còn trên phố Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân), gần khu vực bến xe Niệm Nghĩa, nhiều người đẩy xe bán mũ, bán khẩu trang và một số đồ quần áo trẻ em.

Vì mưu sinh, nhiều người bán hàng rong vẫn hoạt động, bất chấp yêu cầu tạm dừng của thành phố.

Chấn chỉnh tình trạng này, Chủ tịch UBND phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) Võ Tiến Dũng cho biết: Trên địa bàn có một số người bán hàng rong, chủ yếu là người dân ngoại thành, ngoại tỉnh tới thuê nhà, đăng ký tạm trú. Ngay sau khi UBND thành phố ban hành chỉ đạo dừng hoạt động bán hàng rong, phường cùng với cán bộ các tổ dân phố trực tiếp tuyên truyền vận động người dân thu xếp để tạm dừng việc bán hàng rong. Các địa phương khác cũng có động thái tương tự.

Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề trên, nhiều người bán hàng rong lý giải, họ bán hàng ngày nào thu nhập có được chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt ngày đó, không có tích lũy nên dù biết thành phố cấm, vẫn cố duy trì bán hàng để bảo đảm cuộc sống tối thiểu. Chị Lê Thị Thanh, ở trọ tại ngõ 299, phố Hàng Kênh (quận Lê Chân), bán bánh mỳ rong cho biết: Mỗi ngày đi rao bánh mỳ từ 5 giờ đến 11 giờ, bán được 80 đến 100 chiếc bánh các loại, lãi hơn trăm nghìn đồng. Chiều đến, hai vợ chồng đồ xôi để bán tối kiếm thêm thu nhập. Bản thân hai vợ chồng chị chưa biết làm gì khác, nên phải “đánh liều” đẩy xe đi bán hàng giữa lúc dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp.

Trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, đề cập tới việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc nhóm những người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của COVID-19. Cụ thể, Chính phủ dự kiến hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/ tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6; 1,8 triệu đồng/người/ tháng đối với người lao động bị nghỉ việc; 1 triệu đồng/tháng đối với lao động bị buộc thôi việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, nhóm những người bán hàng rong chủ yếu là dân ngụ cư, không đăng ký hộ khẩu thường trú, do đó thiếu căn cứ để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mặt khác họ là lao động tự do nên cũng không có bất kỳ hợp đồng lao động nào. Để bảo đảm hiệu quả chương trình hỗ trợ, giúp những người thực sự khó khăn tiếp cận sự giúp đỡ của Trung ương và thành phố, khi triển khai, chính quyền địa phương nên linh hoạt rà soát những trường hợp đang sinh sống trên địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, kết nối phối hợp với chính quyền địa phương nơi quê quán những người trong diện trên, xác minh, xem xét hỗ trợ dựa theo thiệt hại thực tế của người dân thay vì chỉ dựa vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Trước mắt, trong khi chờ đợi các chính sách hỗ trợ được triển khai, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người bán hàng rong đang sinh sống trên địa bàn dừng hoạt động. Đồng thời vận động những nhà hảo tâm hỗ trợ tài chính, hiện vật giúp các hộ vượt qua khó khăn trong thời gian việc bán hàng rong bị cấm.

Bài và ảnh: Minh An

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xem xét hỗ trợ người bán hàng rong
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác