Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trước ngày 1-7-2018, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn phải đăng ký để cấp giấy phép kinh doanh vận tải, có gắn phù hiệu và lắp thiết bị giám sát hành trình. Sau ngày 1-7 nếu không đăng ký để được cấp phù hiệu, lái xe, chủ xe sẽ bị xử phạt.
Hàng nghìn xe kinh doanh vận tải hàng hóa trọng tải dưới 3,5 tấn đang hoạt động chưa thực hiện thủ tục cấp phép.
Mới 25% số xe được đăng ký
Theo Sở Giao thông-Vận tải (GTVT), tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có khoảng hơn 17.000 xe tải dưới 3,5 tấn, trong đó có 2.000 xe đăng ký kinh doanh vận tải. Thực hiện Nghị định 86 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, lộ trình cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, lộ trình gắn phù hiệu, từ năm 2017, Sở GTVT tổ chức cấp giấy phép kinh doanh và cấp phù hiệu cho các doanh nghiệp, cá nhân có xe tải tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa. Sở cũng tổ chức kiểm tra các phương tiện gắn thiết bị giám sát hành trình trước khi tiến hành cấp giấy phép và phù hiệu. Phó giám đốc Sở GTVT Phạm Văn Huy cho biết, việc cấp giấy phép và cấp phù hiệu được triển khai nhanh chóng và tạo mọi thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân. Các chủ xe chỉ cần điền đầy đủ thông tin theo mẫu; trình đầy đủ thủ tục của doanh nghiệp và phương tiện, sau đó sở sẽ tổ chức cấp ngay giấy phép và phù hiệu. Việc cấp phép được thực hiện công khai, minh bạch tại bộ phận “một cửa” của sở, địa chỉ số 1 phố Cù Chính Lan, quận Hồng Bàng.
Thuận lợi trong quá trình cấp phép, cấp phù hiệu là vậy, nhưng thực tế, đầu năm 2018 mới lác đác có chủ xe đến Sở GTVT thực hiện thủ tục cấp phép. Cho đến nay, Sở GTVT mới cấp khoảng 500 phù hiệu cho xe kinh doanh vận tải hàng hóa dưới 3,5 tấn, tương đương 25%. Như vậy, còn khoảng 1.500 xe vẫn chưa có phù hiệu và giấy phép, trong khi đó, thời điểm ngày 1-7-2018 cận kề. Ông Ngô Hồng Quang, Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT) thông tin, đơn vị nhiều lần tổ chức tuyên truyền, dán thông báo tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và kết hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của thành phố, thông báo về việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu đến các chủ xe, nhưng hiện số lượng xe được cấp phép vẫn chưa nhiều, rất nhiều chủ xe chưa thực hiện. Nếu những ngày cuối hạn các chủ xe mới dồn đến đề nghị cấp phép, dễ xảy ra ùn hồ sơ.
Nhiều chủ xe biết quy định phải thực hiện thủ tục để được cấp giấy phép và phù hiệu, nhưng vẫn không đến Sở GTVT hoàn thiện thủ tục cấp phép vì cho rằng “còn sớm”. Một số chủ xe băn khăn chưa biết lựa chọn lắp giám sát hành trình loại nào cho hợp lý. Số tiền bỏ ra để lắp giám sát hành trình không ít (khoảng 3,5-5 triệu đồng/chiếc). Tuy nhiên, theo Sở GTVT, việc lắp giám sát hành trình là bắt buộc, chủ xe còn phải cung cấp mật khẩu cho Sở GTVT để quản lý từ xa và xử lý vi phạm về thời gian lái xe, tốc độ xe.
Tránh nguy cơ bị phạt nặng
Kể từ ngày 1-7-2018, các xe kinh doanh vận tải hàng hóa ngoài giấy phép còn phải có phù hiệu để các cơ quan biết và xử lý vi phạm (nếu có). Nếu không có phù hiệu, người lái xe và chủ xe sẽ bị xử phạt rất nặng. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm về việc không gắn phù hiệu theo quy định (đối với loại xe có quy định phải gắn phù hiệu) hoặc có phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Chủ phương tiện bị phạt tiền từ 8 đến 12 triệu đồng. Như vậy, tổng mức phạt cao nhất cho cả lái xe và chủ xe tải không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định cho xe khi tham gia giao thông có thể bị phạt lên đến 17 triệu đồng. Ngoài ra, người lái xe còn bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Để không vi phạm quy định, tránh bị phạt, các chủ xe cần khẩn trương đến Sở GTVT để làm thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và cấp phù hiệu. Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT cho biết, lực lượng Thanh tra giao thông sẽ nhắc nhở doanh nghiệp và người điều khiển phương tiện xe tải kinh doanh vận tải về việc gắn phù hiệu và thời gian thực hiện, góp phần quản lý kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố triệt để hơn.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, phù hiệu gồm: giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 của Thông tư 63/2015/TT-BGTVT; bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe ô tô và hợp đồng thuê phương tiện…Chủ xe cung cấp tên trang thông tin điện tử, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào thiết bị giám sát hành trình của các xe đề nghị cấp phù hiệu..
Mai Lâm – Báo Hải Phòng ngày 29/05/2018