Các doanh nghiệp sẵn sàng
Sau nhiều lần trì hoãn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, vào lúc 7 giờ sáng ngày 1/4/2022, chuyến xe khách đầu tiên từ bến xe Vĩnh Niệm đi bến xe An Sương (thành phố Hồ Chí Minh) của Công ty TNHH vận tải Kết Đoàn chính thức khởi hành. Tuyến xe này mở ra một giai đoạn mới trong vận tải hành khách tuyến cố định tại Hải Phòng, khắc phục khó khăn, đưa phương tiện vào phục vụ nhân dân nhanh chóng, thuận lợi. Các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn thành phố cũng chuẩn bị kế hoạch, phương án đưa phương tiện vào hoạt động, trong đó chủ yếu là tuyến Hải PhòngHà Nội và ngược lại. Trưởng Ban quản lý bến xe khách Vĩnh Niệm Nguyễn Ngọc Đễ cho biết, hiện nay, tuyến Hải Phòng-Hà Nội mới chỉ có 2 DN là xe khách Hải Âu và Hoàng Long đang hoạt động, còn các doanh nghiệp gồm: Đất Cảng, Thanh Long và Đoàn Xuân đang chuẩn bị hoạt động trở lại, trong đó, phần lớn là các xe mới được đầu tư, hứa hẹn chất lượng dịch vụ được nâng lên.
Cũng theo Trưởng Ban quản lý bến xe khách Vĩnh Niệm Nguyễn Ngọc Đễ, sau khi có thông báo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), cho phép các phương tiện vận chuyển hoạt động bình thường trở lại kể từ ngày 25/3/2022, các DN vận tải hành khách tại bến xe chuẩn bị kế hoạch, phương tiện để đưa vào hoạt động. Đến thời điểm này, tuy các DN chưa đưa xe vào hoạt động nhiều, nhưng khi lượng khách tăng lên, lượng xe sẽ phải tăng theo. Trong những ngày vừa qua, điều dễ nhận thấy nhất là lượng hành khách đi tuyến Hải Phòng-Hà Nội đạt khoảng 40% so với thời điểm năm 2019 và tăng 50% so với đầu năm 2022. Còn theo đại diện bến xe khách Thượng Lý, các DN đang chuẩn bị phương tiện để tiếp tục tăng chuyến, phục vụ nhân dân, nhất là dịp 30/4 và 1/5.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, đơn vị vừa có quyết định về công bố biểu đồ tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố Hải Phòng, thay thế quyết định số 1206/QĐ-SGTVT ngày 12/10/2021. Theo đó, 9 bến xe đang hoạt động tại Hải Phòng đều có các tuyến đi phù hợp quy hoạch tuyến của Bộ GTVT. Sở GTVT cũng có thông báo về hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn với dịch bệnh. Hiện tại, địa bàn Hải Phòng có hơn 500 xe khách tham gia chạy tuyến cố định và khoảng hơn 300 xe đối lưu của các tỉnh, thành phố khác. Với lượng xe như vậy, các DN đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân.
Phát huy lợi thế tuyến cố định
Năm 2021, DN vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn thành phố lao đao do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; đến giữa tháng 3/2022 lại tiếp tục bị ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng cao. Điều này khiến nhiều DN e ngại, bởi nếu đưa xe vào hoạt động, có thể sẽ dẫn đến tình trạng thu không đủ bù chi. Tuy nhiên, sau gần 1 năm xe “nằm kho”, DN vận tải cũng phải bỏ khoản chi phí khá lớn gồm: tiền gửi xe, tiền phí đường bộ, đăng kiểm, nhân công, lái xe… Vì thế, đưa xe vào hoạt động cũng là giải pháp để bù đắp phần nào chi phí. Thế nhưng, thời điểm đưa xe vào hoạt động cũng phải tính toán kỹ, vì nếu xe chạy không có khách lại càng lỗ. Theo đại diện Công ty CP Thương mại vận tải và dịch vụ Đất Cảng, công ty đang sẵn sàng 20 chiếc xe khách loại lớn, nhưng là xe cao cấp limousine chạy tuyến bến xe Vĩnh Niệm-bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội). Chờ thời điểm, công ty sẽ đưa dàn xe vào hoạt động phục vụ nhân dân.
Theo Sở GTVT, hiện nay, các DN xe khách đang dần đưa phương tiện vào hoạt động, nhưng khá cầm chừng, chủ yếu là các tuyến đang chạy được DN bổ sung thêm xe, rút ngắn thời gian chờ chuyến. Đơn cử như tuyến Hải Phòng-Thái Bình-NamĐịnh, lúc cao điểm dịch bệnh, mỗi ngày nhà xe chỉ 2 chuyến, nay nâng lên 10 chuyến. Tuyến Hải Phòng-Hà Nội và ngược lại, từ 4-5 chuyến/ngày, nay nâng lên khoảng 50 chuyến/ngày ở tất cả các bến xe. Có thể thấy, các DN vận tải hành khách từng bước thích ứng an toàn với dịch bệnh, dần dần đưa phương tiện vào hoạt động đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh COVID-19 bớt phức tạp, nên hành khách lựa chọn phương tiện ô tô dần quay lại các bến xe. Một trong những lợi thế của xe khách tuyến cố định là mức giá vé thấp, thậm chí chỉ bằng 50% mức giá một số loại xe ô tô khác, nên người dân có nhu cầu đi lại vẫn chủ yếu chờ các xe tuyến cố định. Lợi thế nữa của xe tuyến cố định là “đi đến nơi, về đến chốn”, ngoài ra, có DN bố trí hệ thống xe trung chuyển, có thể chở hành khách đến địa điểm mong muốn, tránh tình trạng xe khách chạy vòng vèo với tốc độ chậm để bắt khách.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, thời điểm này, 100% số xe khách tuyến cố định đang hoạt động đều được lắp camera giám sát hành trình theo yêu cầu của Chính phủ, nên việc quản lý, theo dõi phương tiện ngày càng sát hơn. Trước đó, Sở GTVT cũng tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở đối với các DN kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định hoàn thành lắp camera trước ngày 31/12/2021. Kể từ đầu năm 2022 đến nay, các xe khách tuyến cố định hoạt động đều bảo đảm an toàn và không xảy ra tình trạng tự ý tăng giá vé so với niêm yết, người dân đi lại đều thuận lợi. Trong những ngày tới, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng lên, các DN đưa thêm xe vào hoạt động, Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp Công an thành phố tổ chức kiểm tra phương tiện, đồng thời tiếp tục ra quân xử lý nghiêm tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, giữ môi trường kinh doanh vận tải hành khách công bằng, văn minh, lịch sự…/.
Bài: Mai Lâm. Ảnh: Hoàng Phước
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…
Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…
Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More