Print Thứ Năm, 04/04/2019 20:58

Những chủ nhà xe hợp đồng trá hình tuyến cố định không chỉ mở bến cóc, chạy lòng vòng khắp nội thành đón khách, mà còn ép buộc tài xế chạy quay đầu, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của hành khách và chính lái xe…

Ép tài xế chạy quay đầu

Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi liên lạc với tổng đài 1900.1085 của công ty TNHH dịch vụ vận tải Hoàng Phú để đặt xe từ Hà Nội về Quảng Ninh. Biết tôi muốn đặt xe từ Công viên Cầu Giấy (Hà Nội) về Cột đồng hồ Hạ Long (Quảng Ninh), đầu dây bên kia tư vấn: Nhà xe của em có 2 ghế đầu 200.000 đồng/ghế; 4 ghế giữa 250.000 đồng/ghế và 3 ghế cuối 220.000 đồng/ghế. Tôi đặt hai ghế giữa với giá 250.000 đồng/ghế vào lúc 16h chiều, nhân viên trực tổng đài xác nhận và cho biết trước 16h sẽ có lái xe trực tiếp liên lạc và đón.

Đúng như lịch hẹn, gần 16h, tài xế xe Hoàng Phú liên lạc lại và đón chúng tôi. Chuyến xe bắt đầu hành trình theo đường vành đai 3, ra cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, rồi vào cao tốc Hải Phòng – Quảng Ninh về Hạ Long. Trên xe, nhiều nỗi uất ức cơ cực của đời lái xe hợp đồng trá hình tuyến cố định được lái xe chia sẻ với chúng tôi.

Theo tài xế, khác với các lái xe chạy tuyến cố định, những người lái xe hợp đồng trá hình cố định như các anh phải làm việc vô cùng vất vả. Hàng ngày, các lái xe của hãng xe Hoàng Phú phải chạy liên tục trên cung đường này, với khoảng thời gian cả đón, trả khách và di chuyển trên đường là gần 15h đồng hồ, đồng thời quãng đường di chuyển ít nhất cũng hơn 750km. Nếu không thực hiện đúng những quy định mà Cty tự đặt ra thì sẽ bị xử phạt.

Những chiếc xe của Cty TNHH dịch vụ vận tải Hoàng Phú.

Để minh chứng, người này cho chúng tôi xem những thông báo hết sức phi lý của doanh nghiệp đối với lái xe, trong đó có nhiều điểm vi phạm các quy định an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ. Cụ thể, tại thông báo ngày 18.2.2019 của Cty TNHH dịch vụ vận tải Hoàng Phú về việc “lái xe quay đầu” nêu: “Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, do đặc thù công việc của Cty ngày càng phát triển, đường xá giao thông thuận lợi và để đảm bảo mức thu nhập của nhân viên ngày càng nâng cao, Cty cần phải đạt được ít nhất 3 lượt/ ngày… Chính vì vậy, khi điều hành thông báo lái xe quay đầu thì mặc định lái xe đó phải tuân thủ theo quy định Cty”.

Bên cạnh đó, tài xế này cũng cho biết, do Cty hoạt động trá hình tuyến cố định nên có nhiều biện pháp xử phạt tài xế hết sức vô lý. Tại thông báo về việc không ấn và hủy trên app điện thoại, Cty yêu cầu: “Từ ngày 6.10.2018, lái xe khi nhận lệnh trên điện thoại dù bất cứ lý do gì cũng không được phép ấn và hủy vé trên app điện thoại. Lái xe không thực hiện theo thông báo sẽ phải chịu trách nhiệm và xử phạt theo đúng số ghế hủy. Khách báo qua lái xe, lái xe phải báo lại phòng điều hành để kiểm tra lại khách”.

Cũng theo lái xe, hợp đồng với nhà xe chỉ là hợp đồng khống, không có giá trị, chủ yếu là để “qua mặt” cơ quan chức năng. Mặt trước của hợp đồng đều có chữ ký của nhân viên Cty, cũng chính là người làm hợp đồng. Còn mặt sau là danh sách khách hàng, được lấy từ tổng đài của Cty, sau đó chuyển cho lái xe ghi trực tiếp.

Đùa giỡn với tính mạng hành khách

Nói về việc nguy hiểm của lái xe khi chạy quay đầu, một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết: Luật Giao thông quy định rõ “tính mạng con người là trên hết”. Các lái xe phải có thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe, để tham gia giao thông an toàn. Bên cạnh đó, trong hoạt động vận tải, lái xe là một nghề đặc thù, do vậy phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về giờ giấc, theo quy định pháp luật.

Thông báo về việc lái xe chạy quay đầu 3 chuyến/ngày. Ảnh: P.V

Theo một tài xế đã từng công tác tại Cty TNHH dịch vụ vận tải Hoàng Phú, việc chạy xe hợp đồng trá hình tuyến cố định gây rất nhiều rủi ro với lái xe và hành khách. Do đặc thù của loại hình xe Limousine là đón khách trong nội thành mất nhiều thời gian. Cho nên, khi di chuyển ra các tuyến đường cao tốc, lái xe phải chạy với tốc độ cao nhất, như khi lái trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, phải chạy với tốc độ 140 – 160km/h, để kịp thời gian quay vòng. Mỗi chuyến như vậy thường mất tới gần 5h đồng hồ, nếu chạy đủ 3 chuyến/ngày thì tính mạng hành khách đúng là “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính vì nguy hiểm như vậy nên người này đã xin nghỉ lái cho Cty Hoàng Phú.

Cũng theo lái xe này, năm 2018, một lái xe tên Phương làm việc tại Cty đang bị CA TP.Hà Nội giữ bằng lái do vi phạm giao thông. Tuy nhiên, nhà xe vẫn để lái xe điều khiển phương tiện. Khi tài xế Phương lái xe BKS 29B-141.90 vì quá mệt mỏi nên đến địa phận Hà Tu (TP.Hạ Long, Quảnh Ninh) đã đâm phải cụ ông 79 tuổi dẫn đến cụ ông tử vong. Lái xe Phương hiện vẫn phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ vụ tai nạn.

Luật quy định lái xe không quá 10giờ/ngày

Tại Điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô như sau:

1. Thời gian làm việc của người lái xe ôtô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

2. Người vận tải và người lái xe ôtô chịu trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy lái xe không được chạy xe quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu vi phạm, sẽ bị phạt tiền theo quy định nêu trên, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng và mức phạt cao nhất là 5.000.000 đồng (theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

BẢO NGUYÊN
Theo Báo Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xe hợp đồng trá hình: Lái xe phải làm việc gần 15 giờ, với 750km/ngày
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác