Xe limousin đón, trả khách tận nhà đang được người dân sử dụng ngày càng nhiều vì tính tiện dụng. Tuy nhiên, hình thức xe đưa đón này đang không tuân thủ theo quy định của loại xe hợp đồng vận chuyển khách, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu thuế của Nhà nước, phá vỡ quy hoạch tuyến vận tải, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ở đô thị.
Sau 3 năm thực hiện Nghị định 10/2020 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý kinh doanh vận tải; cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; bước đầu tạo môi trường kinh doanh vận tải, minh bạch, thuận lợi cho người dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình vẫn còn tồn tại dai dẳng. Mỗi ngày có hàng nghìn chuyến xe hợp đồng trá hình đón, trả khách, thu tiền như tuyến cố định. Những nhà xe này sử dụng nhiều hình thức để gom khách lẻ rồi lập thành danh sách cụ thể nhằm hợp thức hóa, giả mạo hợp đồng tour du lịch qua mặt lực lượng chức năng.
Tại buổi Toạ đàm “Quản lý xe hợp đồng nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở” do Báo Giao thông tổ chức ngày 18/12, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) cho biết: Theo thống kê, số lượng xe kinh doanh vận tải hợp đồng tăng đến 70%, kể từ năm 2020.
Từ con số này có thể thấy hình thức kinh doanh xe vận tải khách theo hợp đồng được người dân đón nhận, tin dùng vì tính tiện dụng. Tuy nhiên, tình trạng xe hợp đồng kinh doanh kiểu “trá hình” đang gây nhiều hệ lụy, có ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn giao thông.
Nhiều hệ lụy
“Các xe hợp đồng trá hình làm ảnh hưởng đến việc thu thuế của Nhà nước, phá vỡ quy hoạch tuyến vận tải, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư của các bến xe, quy hoạch đô thị, đặc biệt khi xe trá hình vào đón từng khách sẽ tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ở đô thị”, ông Thống đánh giá.
Tuy nhiên, ông Lương Duyên Thống cũng chia sẻ, việc phát hiện xe kinh doanh vận tải hợp đồng trá hình gặp nhiều khó khăn.
Có thể kể đến như việc khi xe vận tải hợp đồng trước khi thực hiện chuyến phải gửi email vận chuyển về Sở GTVT. Tuy nhiên, số cán bộ trực tiếp kiểm tra các email này rất hạn chế trong khi việc rà soát theo thủ công rất khó phát hiện được hết các xe vi phạm các lỗi như: trùng điểm đi, điểm đến, trùng hành trình…
“Một ngày có hàng ngàn hợp đồng gửi về cũng khiến hệ thống mail của Phòng quản lý vận tải bị quá tải, khi trích xuất thông tin gửi cho lực lượng Thanh tra giao thông xử lý cũng khó khăn“, đại diện Phòng Vận tải (Cục Đường bộ) chia sẻ.
Hoặc, có trường hợp xe hợp đồng gom khách, lập danh sách hành khách giả mạo hợp đồng tour du lịch hòng qua mặt lực lượng chức năng, để chạy như tuyến cố định.
Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua, tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định vẫn diễn biến phức tạp và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.
Điển hình là việc cá nhân, tổ chức kinh doanh xe hợp đồng sử dụng nền tảng mạng xã hội, website quảng cáo bán vé; tìm đủ chiêu trò hợp thức hóa hợp đồng. Các đối tượng cũng sử dụng văn phòng đại diện, điểm kinh doanh đặt giáp các bến xe, tuyến đường trọng điểm, huyết mạch để đón trả khách. qua mặt lực lượng chức năng.
Để xử lý các trường hợp xe hợp đồng trá hình, lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian theo dõi, ghi hình, đấu tranh với hành khách đi xe mới lật tẩy được chiêu trò.
Một khó khăn nữa trong xử lý vi phạm xe hợp đồng trá hình là các chế tài về xử lý vi phạm còn chưa mạnh. Đặc biệt là việc xử lý đối với những xe vi phạm nhiều lần.
Cần định nghĩa lại ‘xe hợp đồng trá hình’
Bàn về vấn đề siết hay mở xe kinh doanh vận tải hợp đồng, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng: “Vì sao xe hợp đồng phát triển? Vì đó là nhu cầu thực tế của người dân. Họ muốn dịch vụ tốt, hoàn hảo hơn dù phải trả chi phí cao hơn. Đó là nguyên nhân chính. Từ đó, các doanh nghiệp vận tải chỉ đáp ứng nhu cầu.
Công nghệ hiện nay đang phát triển vượt bậc nên mô hình kinh doanh vận tải cũng dần thay đổi. Tôi nghĩ đây là bước phát triển mới trong ngành dịch vụ. Thay vì người dân phải tới bến xe, họ có thể dùng mạng xã hội hay các công cụ tìm kiếm tìm xe thích hợp để đi lại. Đó là lý do khiến xe hợp đồng phát triển.
Tiêu biểu, trước đây những dịp lễ, việc ra bến xe rất cực khổ và người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng hiện nay, người dân ra bến xe rất thoải mái và đi lại không còn khó khăn. Do đó, không thể nói xe hợp đồng đang “bóp chết” xe tuyến cố định“, ông Khúc Hữu Thanh Hải đưa ra quan điểm.
Đại diện cho các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng số lượng xe hợp đồng gấp 14 lần xe tuyến cố định, song không phải 240.000 xe hợp đồng này đều chạy trá hình tuyến cố định.
“Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, vận tải khách có 5 hình thức: vận tải cố định, xe buýt, taxi, xe khách du lịch, xe hợp đồng. Thế nhưng, hoạt động vận tải xe hợp đồng trá hình đang diễn ra lại không nằm trong khái niệm xe hợp đồng truyền thống“.
Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước có cho phép kinh doanh loại hình xe hợp đồng như hiện nay không? Nếu cho phép thì đặt tên nó là gì, các điều kiện quản lý đi kèm như thế nào? Cho phép hoạt động trong phạm vi nào hay cho phép vô giới hạn? Cho phép vào tuyến phố trung tâm thoải mái hay chỉ một số điểm? Cho phép hoạt động 24/7 hay chỉ một số khung giờ nhất định? Chỉ cho phép kinh doanh với mô hình hợp tác xã hay chấp thuận cho cả hộ kinh doanh cá thể hoạt động?”, ông Quyền đặt ra câu hỏi.
Hãy quản, chứ đừng cấm
Theo ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty công nghệ An Vui cho rằng: Để quản trị tốt vận tải hành khách, không nên phân biệt xe hợp đồng/xe cố định, cái cần siết chặt là về an toàn. Dù là loại xe nào cũng phải đảm bảo an toàn và gốc rễ là doanh nghiệp phải có đủ quy mô vì chỉ khi đủ quy mô mới thành lập Ban an toàn tại chính doanh nghiệp vận tải đó.
Đối với việc đưa xe hợp đồng vào bến, đại diện công ty An Vui cho rằng không phải giải pháp căn cơ vì doanh nghiệp hoạt động theo hiệu quả kinh tế.
“Ngày hôm nay vì pháp lý họ có thể vào bến nhưng ngày mai không hiệu quả họ sẽ tìm cách để ra. Do đó, cá nhân tôi cho rằng, để quản lý xe hợp đồng, luật pháp đã đủ, cái thiếu là công cụ quản lý”, ông Mạnh nêu ý kiến.
Đề xuất cụ thể hơn, doanh nghiệp này cho rằng: Với xe hợp đồng, ở thông tư 78 đã có quy định hợp đồng điện tử và chủ trương sẽ đẩy loại hợp đồng này lên Cục đường bộ hoặc Bộ GTVT để quản lý.
Với cách làm như vậy, trước khi xe lăn bánh, hợp đồng sẽ được gửi lên Cục đường bộ, dữ liệu tập trung ở đó. Khi cần kiểm tra chỉ cần quét mã vạch hợp đồng, lập tức truy xuất ngược trở lại máy chủ của Cục Đường bộ, có đủ thông tin hành khách, thời gian xuất bến. Dữ liệu đó sẽ đi kèm dữ liệu hóa đơn điện tử sang bên thuế, doanh nghiệp không thể “né” thuế được.
Chia sẻ về những sửa đổi trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô thời gian tới, ông Lương Duyên Thống, cho biết, quan điểm của Cục Đường bộ Việt Nam trong khi xây dựng, trình các văn bản quy phạm pháp luật luôn khuyến khích xe hợp đồng kinh doanh theo đúng quy định pháp luật như xe hợp đồng vận chuyển học sinh, công nhân, đi tham quan, du lịch… phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ này.
Thời gian tới, cùng với các quy định pháp luật sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tập trung quản lý, xử lý xe kinh doanh hợp đồng không tuân thủ quy định pháp luật như đón khách tại các bến cóc, tổ chức gom khách, thu tiền từng hành khách…
Hiện nay, dự thảo Nghị định 10 đã trình Chính phủ sau khi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, thời gian tới, nếu vẫn thấy các quy định chưa phù hợp, đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục góp ý, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp thu, đề xuất sửa đổi.
Cùng đó, dự kiến đến tháng 5/2024, Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông được thông qua, toàn bộ các Nghị định, Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh vận tải sẽ tiếp tục có thay đổi, điều chỉnh.
Phan Trang