Sắp tới, thành phố xây dựng Tượng đài Hồ Chí Minh tại Trung tâm Chính trị-Hành chính, Khu đô thị mới Bắc sông Cấm (huyện Thủy Nguyên) và Tượng đài chiến thắng Cát Bi tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (quận Hải An). Cùng số tượng đài đã có, việc xây dựng 2 tượng đài này sẽ góp phần tăng thêm giá trị, tạo điểm nhấn lịch sử, văn hóa của không gian đô thị mới Hải Phòng.
Đô thị hiện đại, giàu giá trị lịch sử, văn hóa
Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm đang được khẩn trương xây dựng. Trong tương lai không xa, tại đây sẽ xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh quy mô cao hơn 9 m, giữa quảng trường Hồ Chí Minh.
Theo đại diện Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao), Hải Phòng một trong những địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đó, năm 2005, thành phố dự kiến xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Ngự (sau trụ sở UBND thành phố). Đến năm 2018, vị trí tượng đài được chuyển sang đặt tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Nơi đây sẽ là trung tâm chính trị-hành chính mới tập trung các hoạt động hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố; có khuôn viên rộng, kết nối giao thông thuận tiện, gắn với không gian công viên cây xanh ven sông Cấm. Vì vậy, khi được xây dựng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là điểm nhấn kiến trúc của khu vực mà còn là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử, nhân văn và giáo dục sâu sắc đối với nhân dân thành phố.
Cũng trong tương lai không xa, từ nay đến năm 2025, không gian hiện đại của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi có thêm Tượng đài chiến thắng Cát Bi, ca ngợi chiến công oanh liệt của quân và dân Hải Phòng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ vào năm 1954. Tượng đài chiến thắng Cát Bi sẽ như lời giới thiệu ấn tượng về thành phố Cảng đối với du khách ngay khi đặt chân xuống Hải Phòng.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi đánh giá, trên địa bàn thành phố có một số tượng đài có giá trị cao về nhiều mặt như: Nữ tướng Lê Chân ở phía trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố; tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm tại khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố và Khu di tích và đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học (huyện Vĩnh Bảo)…, gợi nhắc người dân nhớ về truyền thống lịch sử, văn hóa của thành phố.
Thực hiện thận trọng, gắn quy hoạch không gian đô thị
Được biết, việc xây dựng 2 tượng đài trên được thành phố quy hoạch từ sớm, song sau đó phải điều chỉnh để phù hợp quy hoạch phát triển đô thị Hải Phòng, bảo đảm ý nghĩa chính trị, giá trị lịch sử, văn hóa.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, quy hoạch Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 185 ngày 28/10/2004 và quy hoạch Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xác định Hải Phòng là 1 trong 4 tỉnh, thành phố được quy hoạch xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. UBND thành phố giao Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị triển khai các thủ tục để sớm đầu tư thực hiện dự án này. Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao gửi văn bản hướng dẫn đơn vị này tổ chức thi sáng tác mẫu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để sớm triển khai xây dựng tượng đài.
Còn về Tượng đài chiến thắng Cát Bi, năm 2010, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Cụm tượng đài chiến thắng Cát Bi tại Trung tâm Hành chính quận Hải An. Song, do thay đổi quy hoạch, ngày 25/7/2016, UBND thành phố phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 quận Hải An đến năm 2025, xác định vị trí đặt Tượng đài chiến thắng Cát Bi tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Thành phố đang xem xét phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực xây dựng tượng đài và trồng cây xanh tại khuôn viên Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Sau khi thành phố phê duyệt quy hoạch này, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức thi sáng tác mẫu phác thảo tượng đài mới thay mẫu phác thảo tượng đài chiến thắng Cát Bi trước đây không còn phù hợp tính chất và quy mô, vị trí đặt mới./.
Mạnh Quang. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao