Sáng 20/6, tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và lãnh đạo các địa phương. Tại điểm cầu Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành và các Phó Trưởng ban, Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) thành phố tham dự hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng
Năm 2018, tại Việt Nam, thiên tai không diễn ra dồn dập, khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn, với nhiều yếu tố cực đoan. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCTT & TKCN Trung ương, công tác PCTT & TKCN được các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.
Trong năm, cả nước đã huy động 362.426 lượt cán bộ chiến sĩ Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, các lực lượng khác tham gia ứng phó, TKCN; xử lý trên 1,2 nghìn vụ, cứu 1.560 người, 88 phương tiện; kêu gọi, thông báo cho 804 nghìn lượt phương tiện biết thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới; giúp dân chằng chống trên 265 nghìn nhà, hỗ trợ sơ tán gần 140 nghìn hộ với trên 681 nghìn người trong vùng thiên tai đến nơi an toàn, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản.
Theo đó, trong năm, thiên tai làm 224 người chết, mất tích; gần 2 nghìn nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng, di dời khẩn cấp; trên 261 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại; 29,4 nghìn con gia súc, trên 774 nghìn con gia cầm bị chết… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, làm tốt công tác xã hội hóa, kịp thời hỗ trợ, giúp dân nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Tại Hải Phòng, năm 2018, thiên tai đã làm 3 người chết, sạt lở núi Thiên Văn (Kiến An), núi Ba Phủ (Thủy Nguyên), xói sạt cục bộ mái đê phía sông một số vị trí đê tả Thái Bình. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO, đã xuất hiện hình thái thời tiết bất lợi, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản và các hoạt động trên biển.
Ngay sau mỗi đợt thiên tai, UBND thành phố, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo các ngành, địa phương huy động các nguồn lực khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; tổ chức sửa chữa gia cố công trình hạ tầng, công trình đê điều, thủy lợi; tổ chức tiêu úng, hướng dẫn các địa phương và nông dân biện pháp cứu lúa và hoa màu, tiêu độc khử trùng phòng dịch trang trại chăn nuôi, gia cố đầm ao thủy sản, khôi phục sản xuất, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt.
Để triển khai hiệu quả công tác PCTT năm 2019, hội nghị đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chính đối với công tác PCTT.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam là 1 trong 10 nước bị thiên tai đe dọa nhất thế giới. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm công tác PCTT; từ Trung ương đến địa phương đều nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên thiệt hai do thiên tai gây ra vẫn rất lớn. Thủ tướng quán triệt mục tiêu: xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm phòng ngừa là chính. Các bộ, ban, ngành, địa phương cần nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT các cấp; rà soát, ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ chất lượng tàu thuyền ra khơi, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi có tình huống xảy ra. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng PCTT cho người dân. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác hơn. Nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của các công trình PCTT; nâng cao năng lực tham mưu, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách làm cơ sở tổ chức triển khai, thực thi đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả công tác PCTT; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trang thiết bị, tập trung nguồn lực phục vụ công tác PCTT. Ưu tiên bố trí nguồn lực từ chính sách; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác PCTT; tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.
Nhân dịp này, 34 lượt tập thể, 55 cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vì có thành tích xuất sắc, đột xuất trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nguyễn Hải