Với nhiều tiềm năng, lợi thế và tư duy năng động của lãnh đạo, Hải Phòng đang hướng tới trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của Vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, kinh tế biển; trung tâm du lịch quốc tế.
Tập đoàn lớn lựa chọn, Hải Phòng ở top đầu thu hút đầu tư
Theo báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tổng thu hút vốn FDI của Hải Phòng đạt 5,149 tỷ USD, cao nhất cả nước, tăng gần 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Riêng dự án của LG Display Hải Phòng đã có 2 lần điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn điều chỉnh là 2,15 tỷ USD. Đến thời điểm này, LG là tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Hải Phòng.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết điều đáng mừng nhất trong thu hút vốn FDI của Hải Phòng chính là đã đón được các nhà đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, các khu công nghiệp của Hải Phòng được mở rộng theo hướng lấn biển, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, phải sử dụng ít nhiên liệu và lao động.
Từ lực hút của các nhà đầu tư lớn đến với Hải Phòng như LG, các tập đoàn lớn khác cũng đã lựa chọn Hải Phòng.
Lũy kế đến 31/12/2021, các khu công nghiệp của Hải Phòng hút 420 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 19,135 tỷ USD.
Năm 2022, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phấn đấu thu hút đầu tư đạt từ 2,5 đến 3 tỷ USD. Đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý.
Để Hải Phòng là “đất lành” các đơn vị liên quan cần nhanh chóng triển khai xây dựng nhà ở xã hội, phát triển y tế, trường học khu vực này để đáp ứng nhu cầu của người lao động đến và gắn bó với thành phố, thành phố tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính hơn nữa để có lợi thế cạnh tranh.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ triển khai các thủ tục để xây dựng dự án khu nhà công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam Hải Phòng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Universal Scientific Industrial (USI), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Pegatron và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Regina Miracle International Việt Nam.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, tăng cường kết nối doanh nghiệp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trọng điểm.
Nỗ lực trở thành cảng biển hiện đại của khu vực
Ngày 1/1/2021, Cảng Hải Phòng chính thức triển khai dịch vụ cảng điện tử ePort tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ, qua đó cung cấp dịch vụ đăng ký giao nhận, thanh toán trực tuyến cho các container qua Cảng Tân Vũ trên trang website https://eport.haiphongport.com.vn.
Các dịch vụ đăng ký lệnh trên ePort bao gồm lệnh lấy nguyên, hạ hàng, hạ vỏ, cấp rỗng, lệnh dịch vụ kiểm dịch, kiểm hóa, đóng, rút container, lệnh cân…
Các phương thức thanh toán trực tuyến được hỗ trợ như ví điện tử VNPay, thẻ ATM nội địa, hệ thống cho phép cấp lệnh đối với cả hai hình thức hợp đồng thanh toán tiền ngay và tiền sau.
Dịch vụ cảng điện tử ePort của Cảng Hải Phòng hướng tới hai nhóm gồm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.
Khách hàng doanh nghiệp bao gồm các công ty giao nhận, logistics, các đơn vị vận tải và hãng tàu, đại lý hãng tàu. Khách hàng cá nhân là những người làm dịch vụ đơn lẻ thay mặt doanh nghiệp để đăng ký thủ tục giao nhận hàng hóa tại cảng.
Hệ thống ePort của cảng gồm hai nhóm dịch vụ chính là cung cấp dịch vụ đăng ký giao nhận hàng hóa và cung cấp môi trường trao đổi dữ liệu lệnh giao nhận điện tử eDO, tra cứu container giữa hãng tàu và cảng.
Khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân sau khi sử dụng dịch vụ cảng điện tử ePort đều nhận định, việc triển khai dịch vụ này đã góp phần hiện đại hóa, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến thủ tục quy trình giao nhận, thanh toán điện tử và giao nhận hàng hóa thuận tiện theo hướng đơn giản, nhanh chóng.
Từ đó, giảm thời gian khách hàng trực tiếp đến giao dịch tại cảng; giảm thời gian xe dừng đỗ tại các cổng cảng làm thủ tục và giảm ách tắc giao thông tại cổng cảng.
Đối với Cảng Hải Phòng, việc triển khai dịch vụ cảng điện tử ePort cũng góp phần hạn chế việc giao dịch trực tiếp giữa khách hàng và cán bộ nhân viên tại quầy thủ tục.
Cùng với đó, giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19, góp phần nâng cao hiệu quả của đơn vị trong việc ứng phó và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng Nguyễn Tường Anh, trong thời gian tới, khi các chi nhánh cảng khác trong Công ty được đầu tư hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ và đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật cũng như kết nối thông tin, Cảng Hải Phòng sẽ xây dựng kế hoạch để triển khai ePort rộng rãi trong toàn công ty.
Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến quy trình thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, Cảng Hải Phòng đã xây dựng nhiều giải pháp hiệu quả để lan tỏa văn hóa “Lấy khách hàng làm trung tâm” trong toàn thể cán bộ công nhân viên.
Với lợi thế sở hữu 3 đơn vị xếp dỡ có quy mô lớn tại Hải Phòng, Cảng Hải Phòng cũng chủ động đề xuất với cơ quan Hải quan cho linh hoạt điều chuyển hàng hóa và tàu giữa các chi nhánh cảng trong trường hợp có nguy cơ tồn đọng hàng hóa.
Chính vì vậy, chỉ số hiệu quả cảng biển của Cảng Hải Phòng, đặc biệt là Cảng Tân Vũ luôn được ghi nhận trong số các cảng biển tốt nhất thế giới.
Trong tương lai, dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện của Cảng Hải Phòng dự kiến khởi công trong quý 1/2022 hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho các hãng tàu với khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT giảm tải. Đây sẽ là nơi mở ra nhiều hơn sự hợp tác và là mục tiêu mà Cảng Hải Phòng đang phấn đấu để có thể cung cấp cho các khách hàng dịch vụ chất lượng nhất. Cảng Hải Phòng luôn song hành với các đối tác trên tinh thần “Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro“.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo đà để Hải Phòng bứt tốc
Theo Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, thành phố Hải Phòng đã bứt phá 5 bậc, lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố với 70,61 điểm, tăng 1,34 điểm so với năm 2020 và nằm trong Top 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất Việt Nam.
“Quả ngọt” này thể hiện sinh động sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong tìm hướng đi khác biệt và riêng có của thành phố này.
Thành phố Hải Phòng luôn chú trọng bố trí nguồn lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, giúp hoạt động của cơ quan Nhà nước ngày càng công khai, minh bạch, đặc biệt trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Điểm nhấn là Quyết định số 903/QĐ-UBND ban hành ngày 28/3/2022 về việc phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính năm 2021 của các địa phương, đơn vị.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng trong năm 2022 tiếp tục có những yêu cầu mới trong thực hiện cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện cải cách hành chính, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng đối với từng lĩnh vực cải cách hành chính. Theo đó, mỗi lĩnh vực, tiêu chí phải có lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp, đảm bảo việc theo dõi, đánh giá được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Hải Phòng kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực, tập trung nghiên cứu giải pháp cải cách thủ tục hành chính đối với các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, dự án xanh; gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số.
Cùng với cải thiện môi trường kinh doanh, năm 2022 Hải Phòng đang quyết tâm rất cao tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhất là nâng cao thứ hạng cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng mô hình thành phố thông minh.
Bắc Sông Cấm, điểm nhấn của Trung tâm chính trị-hành chính
Một trong những đấu ấn quan trọng là Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về di chuyển Trung tâm Chính trị-Hành chính thành phố sang phía Bắc Sông Cấm.
Nghị quyết nêu rõ: Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định mục tiêu đến năm 2025 “Hoàn thành việc di chuyển Trung tâm hành chính thành phố sang Bắc Sông Cấm“.
Phấn đấu đến năm 2025, Hải Phòng hoàn thành việc di chuyển Trung tâm Chính trị-Hành chính thành phố sang phía Bắc Sông Cấm.
Dự kiến, quý 1/2025, Hải Phòng sẽ hoàn thành việc di chuyển nơi làm việc của các đơn vị về Trung tâm Chính trị-Hành chính thành phố.
Việc xây dựng Trung tâm Chính trị-Hành chính tại phía Bắc Sông Cấm để các cơ quan của thành phố có trụ sở mới hiện đại, tiện nghi hơn, phục vụ và hoạt động hiệu quả hơn. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để áp dụng các công nghệ hiện đại, thông minh hỗ trợ cho các giao dịch hành chính, xử lý thông tin, cải thiện và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần tạo lập cảnh quan kiến trúc đô thị mới hiện đại, văn minh, tạo động lực mới cho sự phát triển của các khu vực liền kề, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục phát triển.
Việc chuyển Trung tâm Chính trị-Hành chính thành phố sang Bắc Sông Cấm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chỉnh trang đô thị cũ, đô thị lõi trung tâm, giữ lại các công trình kiến trúc cổ có giá trị văn hóa, thẩm mỹ cao, nâng tầm đô thị thành phố, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đô thị loại 1, hướng tới các tiêu chí đô thị loại đặc biệt; đồng thời, tạo quỹ đất có giá trị rất cao, là một nguồn lực quan trọng để phát triển đô thị và kinh tế-xã hội thành phố.
Mục tiêu chung là xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan chính trị, hành chính của thành phố theo hướng tập trung, liên thông, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp đến liên hệ, giải quyết công việc; từng bước hình thành Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm văn minh, hiện đại và bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, môi trường sống, làm việc thuận lợi, góp phần phát triển đô thị Hải Phòng tương xứng với tiềm năng, vị trí và lợi thế, yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, hướng tới các tiêu chí đô thị loại đặc biệt, đô thị thông minh, đô thị xanh.
Về kiến trúc, chức năng, công trình Trung tâm Chính trị-Hành chính thành phố Hải Phòng phải được thiết kế và xây dựng theo tổng thể kiến trúc thống nhất, làm nổi bật được bản sắc, nét đặc trưng và tính truyền thống của thành phố; phù hợp với cảnh quan, bảo đảm hài hòa ánh sáng và lưu thông không khí tự nhiên.
Công trình Trung tâm Hội nghị-Biểu diễn thành phố Hải Phòng là biểu tượng kiến trúc đặc sắc của thành phố, là một tổ hợp đa năng được tích hợp các tiện ích đồng bộ, hiện đại, có diện tích và sức chứa đa dạng; được đầu tư hệ thống thiết bị (âm thanh, ánh sáng…) hiện đại, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng./.
(Vietnam+)
Chiều 7/1, tại phòng họp khán đài A, Sân vận động Lạch Tray, thành phố…
Theo thông tin từ Ban An toàn giao thông TP Hải Phòng, khoảng 20h09 ngày…
Kỳ họp bất thường của Quốc hội tới đây sẽ xem xét 7 nội dung…
Sáng 7.1, Hội đồng Anh và IDP đồng loạt cho biết sẽ 'chuyển đổi sang…
UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch 149/KH-BCH về triển khai công tác bảo…
Vào khoảng 14 giờ 30 ngày 6/1, một đám cháy bùng phát tại khu vực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More