Print Thứ sáu, 09/10/2020 17:00 Gốc

Bộ Công Thương đang dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (Nghị định về hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam”). Với Nghị định này, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, tình trạng mập mờ nhãn hiệu sẽ chấm dứt.

Nỗi lo gian lận xuất xứ hàng hóa

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện một số DN gian lận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, nhập hàng từ Trung Quốc về nhưng trên sản phẩm, bao bì, nhãn mác lại ghi “Sản xuất tại Việt Nam”, “Made in Vietnam”… Thậm chí, các lô hàng còn có cả giấy chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.

Nghị định ra đời sẽ góp phần bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ðơn cử, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại tổng hợp Bảo Tiến An đã NK từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Khóa Việt Tiệp; 1.560 van bếp gas có dán tem kiểm nghiệm của Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh Việt Nam…

Theo cơ quan chức năng, qua việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người dân đã có ý thức ủng hộ hàng sản xuất trong nước. Nhiều thương hiệu của DN trong nước được người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng. Nắm bắt tâm lý này, không ít đối tượng đã có hình thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa.

Hành vi nhập nhèm xuất xứ hàng hóa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NTD mà còn gây hiểu nhầm, làm xấu thương hiệu và uy tín của DN trong nước. Về lâu dài, hành vi này ảnh hưởng chung đến các sản phẩm gắn mác “Made in Vietnam”, “Sản xuất tại Việt Nam”…

Trước thực trạng trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: Nhà nước phải có quy định rõ ràng về việc sử dụng nhãn mác tiêu dùng trong nước, XK. Trên cơ sở pháp lý ban hành, DN có trách nhiệm tuân thủ.

Xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ

Nhằm chấm dứt thực trạng trên, Bộ Công Thương đã xây dựng Nghị định về hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam”. Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ Công Thương dự kiến đưa ra quy định:

Các trường hợp được phép thể hiện là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và cách thể hiện như sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy Việt Nam; hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam; hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa. Đối với các hàng hóa có công đoạn gia công, chế biến đơn giản thì được coi là không có nguồn gốc Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng kiến nghị, xóa bỏ cụm từ “Made in Vietnam” trên các sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa. Thay vào đó, sẽ tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm sau: Sản xuất tại Việt Nam; Chế tạo tại Việt Nam; Nước sản xuất: Việt Nam; Xuất xứ: Việt Nam; Sản xuất bởi: Việt Nam.

Trường hợp không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn thể hiện cụm từ mô tả công đoạn gia công, chế biến chính diễn ra tại Việt Nam, chẳng hạn (nhưng không giới hạn) như: Thiết kế tại Việt Nam; thiết kế bởi (tên công ty/tập đoàn); lắp ráp tại Việt Nam…

Bộ Công Thương dự kiến Nghị định hoàn thiện và trình Chính phủ thông qua vào quý II/2021. Nghị định ra đời sẽ thiết lập cơ chế ngăn ngừa, phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích của NTD.

Thanh Hà

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Xây dựng nghị định về hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam”: Chấm dứt tình trạng mập mờ nhãn hiệu
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác