Print Thứ năm, 28/07/2022 19:00 Gốc

Chiều 28/7 tại Quảng Ninh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Ký kết thỏa thuận và Diễn đàn Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông giữa Chủ tịch UBND 04 tỉnh, thành phố, gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên. Đây là sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Móng Cái.

Tham dự Diễn đàn và chứng kiến Lễ Ký kết có các đồng chí Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các địa phương; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phạm Tấn Công; lãnh đạo các Ban, ngành TW và địa phương; cùng với gần 300 đại biểu đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Lãnh đạo 4 địa phương chính thức ký kết thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.
Đoàn đại biểu thành phố Hải Phòng tham dự diễn đàn và chứng kiến Lễ ký kết.

Đoàn đại biểu thành phố gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; cùng lãnh đạo một số Sở, ngành chức năng; lãnh đạo Hiệp hội Vận tải, Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Công ty Cổ phần KCN Sài Gòn-Hải Phòng; Công ty Cổ phần KCN Đình Vũ.

Việc liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần thủ đô Hà Nội, 5 lần TP. Hồ Chí Minh và 8 lần so với Đà Nẵng, với quy mô dân số gấp 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số TP. Hồ Chí Minh.

Họp lãnh đạo 4 tỉnh, thành phố và VCCI về kết nối kinh tế.

Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cực tăng trưởng trong vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.

Bốn địa phương này cũng đều có lợi thế về kết nối hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, tham gia liên kết kinh tế, mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng để phát huy, khai thác, cụ thể như: Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất-thương mại gắn với thị trường Trung Quốc; Hải Phòng có lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển và logistics; Hải Dương có tiềm năng nổi trội về nguồn nhân lực, quỹ đất và vị trí trung tâm vùng, thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo; Hưng Yên có lợi thế đặc biệt di tiếp giáp thủ đô Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh…

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định nhu cầu: “Phát triển kinh tế vùng: Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới”. Gần đây nhất, ngày 21/04/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội trong đó nhấn mạnh vai trò chủ động liên kết của các tỉnh, thành phố.

Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thăm quan gian hàng trưng bày, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và sản phẩm của các địa phương tại Diễn đàn.

Việc ký một thỏa thuận kết nối chính thức giữa bốn địa phương để là tiền đề cho những hoạt động thực chất và hiệu quả trong thời gian tới. Các địa phương sẽ chung sức giải quyết các thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế nhằm tạo ra sự thịnh vượng chung, đồng thời hình thành vành đai kinh tế Đông Bắc Bộ, trở thành một trung tâm công nghiệp, kinh tế biển, và dịch vụ du lịch.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ hậu cần logistics của Hải Phòng trong khuôn khổ liên kết giữa 4 địa phương để đề ra các giải pháp phù hợp. Phân tích rõ những thuận lợi và khó khăn, hạn chế, thành phố Hải Phòng đề xuất một số giải pháp cụ thể. Theo đó, các tỉnh trên trục cao tốc kinh tế phía đông Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên cùng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo tập trung các nguồn vốn để đầu tư cho một số cơ sở hạ tầng quan trọng của trục kinh tế như: Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng mới song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện, tuyến đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân, bao gồm cả đoạn kết nối Nam Hải Phòng-Hạ Long để phát huy lợi thế về đường sắt kết nối qua cả 4 tỉnh của trục kinh tế cao tốc với hệ thống cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh; nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thủy kết nối với các địa phương trong khu vực (đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cầu Đuống để nâng cao năng lực các tuyến vận tải hàng hóa đường thủy, đặc biệt là hàng container); tiếp tục phối hợp trong đầu tư xây dựng, hoàn thành các công trình kết nối giữa các địa phương, kết nối liên vùng; đẩy mạnh hợp tác trong công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, cảng biển, cảng cạn, cửa khẩu để khai thác có hiệu quả các lợi thế nổi bật của mình; tăng cường các hình thức, hoạt động xúc tiến thương mại logistics; hợp tác phát triển thị trường dịch vụ logistics theo hướng cạnh tranh, minh bạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức thuộc chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn 4 địa phương; hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiệp vụ về mọi mặt của nhân viên hoạt động trong lĩnh vực logistics, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nghề logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Việc liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra một vùng có diện tích gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội; 5 lần thành phố Hồ Chí Minh; 8 lần so với Đà Nẵng.

Tại diễn đàn, với sự thống nhất cao, lãnh đạo 4 tỉnh, thành phố thống nhất, liên kết kinh tế sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành khu vực kinh tế phát triển năng động của vùng và cả nước.

Minh Hảo. Ảnh: Đàm Thanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xây dựng mô hình liên kết kinh tế cấp vùng năng động giữa 04 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác