Print Thứ bảy, 26/01/2019 16:41

(Trích phát biểu của đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tại lễ kỷ niệm)

Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trao quà tặng các gia đình liệt sĩ và chiến sĩ 4 tàu của đoàn tàu không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt Xuân Mậu Thân 1968.


Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trao quà tặng các gia đình liệt sĩ và chiến sĩ 4 tàu của đoàn tàu không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt Xuân Mậu Thân 1968.

Hôm nay, Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 và 4 con tàu của Đoàn tàu không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Thay mặt lãnh đạo thành phố Hải Phòng, tôi xin nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đồng chí cựu chiến binh, đại diện thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ và toàn thể các đồng chí tham dự buổi lễ kỷ niệm nhiều ý nghĩa này.

Cách đây 50 năm, đúng vào dịp Xuân Mậu Thân 1968, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp miền Nam, lập nên những chiến thắng vang dội, có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 góp phần quyết định buộc Mỹ phải nhận đàm phán, tiến tới việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973, quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, có sự bắt nguồn từ chiến công to lớn của quân và dân ta mùa xuân năm 1968.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trong thời gian trước đó, từ bến K15 tại Đồ Sơn, Hải Phòng, theo sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Đoàn 125 – Đoàn tàu không số bí mật tổ chức hàng trăm lượt chuyến tàu chở vũ khí, quân trang, quân dụng chi viện chiến trường miền Nam.Những con tàu đó cùng những chiến sĩ cảm tử vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, chi viện vũ khí, hàng hóa đến những chiến trường mà đường bộ không vươn tới được. Trong chiến dịch lịch sử này, có 4 con tàu lần lượt mang các số hiệu C43, C56, C165, C235 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện khẩn cấp cho mặt trận miền Trung và vùng Tây Nam Bộ. Cũng như toàn bộ các chiến sĩ khác của Đoàn tàu không số, các chiến sĩ trên 4 con tàu nói trên, khi bước lên tàu làm nhiệm vụ đều xác định cảm tử cho Tổ quốc, ra đi không hẹn ngày về. Và trong vòng vây lửa đạn của quân địch, các chiến sĩ cảm tử trên 4 con tàu không số chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng, phần lớn họ đã anh dũng hy sinh trên vùng biển, chỉ còn duy nhất một con tàu trở về được miền Bắc.

50 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần quả cảm, anh dũng hy sinh của các chiến sĩ cảm tử đó không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mọi người dân Việt Nam. Tinh thần quả cảm, sự hy sinh anh dũng của các cán bộ chiến sĩ trên 4 con tàu trở thành một phần lịch sử anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng là niềm tự hào của thành phố Cảng “Trung dũng – Quyết thắng”. Sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Hải quân trên Đoàn tàu không số góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hải Phòng tự hào là nơi được Trung ương Đảng và Bác Hồ lựa chọn là điểm xuất phát của Đoàn tàu không số. Lịch sử cách mạng hào hùng của thành phố Cảng được tô thắm thêm bởi bản hùng ca bất tử do các chiến sĩ cảm tử trên các con tàu không số năm xưa viết nên. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và trên các con tàu không số, nhiều người con ưu tú của Hải Phòng đã tham gia, đã chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và 4 con tàu không số đi làm nhiệm vụ đặc biệt, chúng ta phấn khởi trước những đổi thay to lớn của thành phố Cảng, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15 đến nay, thành phố chúng ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đặt nền móng vững chắc để Hải Phòng hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao đời sống nhân dân.

Những thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố chính là hành động tri ân của chúng ta đối với những người con ưu tú của dân tộc, của Hải Phòng đã hiến dâng cuộc đời mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, trong đó có những người anh hùng trên Đoàn tàu không số 50 năm về trước.

Lễ kỷ niệm hôm nay diễn ra tại đúng nơi xuất phát của Đoàn tàu không số – Bến K15 Đồ Sơn. Địa danh này đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tôi vui mừng báo cáo với các đồng chí: Sau một thời gian chuẩn bị, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-2-2018, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đồng ý giao nhiệm vụ cho UBND thành phố triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Bến K15 – Đồ Sơn, để nơi đây xứng tầm là di tích lịch sử cấp quốc gia. Dự án sẽ được triển khai ngay trong năm nay, trên diện tích 4,5 ha, bao gồm: bảo tồn chứng tích về Đoàn tàu không số, xây dựng mới quảng trường lớn, xây dựng đền thờ liệt sĩ, nhà trưng bày, công viên cây xanh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự kiến là 150 tỷ đồng, sử dụng hoàn toàn bằng ngân sách thành phố. Dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2020. Khi đó, địa danh K15 – Đồ Sơn sẽ thực sự là một khu di tích lịch sử văn hóa tầm cỡ, công trình kiến trúc đặc biệt, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng trên các con tàu không số.

Báo Hải Phòng 01/03/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xây dựng khu di tích lịch sử Bến K15 – Đồ Sơn xứng tầm di tích cấp quốc gia
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác