Print Thứ tư, 08/05/2024 10:50 Gốc

Với lực lượng sáng tác, biểu diễn mạnh cả về số lượng và chất lượng; các hoạt động trình diễn, “điểm hẹn âm nhạc” ngày càng nhiều, Hải Phòng được kỳ vọng trở thành “Thành phố âm nhạc” trong tương lai gần…

Hội tụ đầy đủ các yếu tố

Cùng với thành phố Hồ Chí Minh và Huế, Hải Phòng là một trong 3 địa phương có Nhà Kèn, nơi sự truyền bá của âm nhạc châu Âu trước đây, dẫn đến những phát triển mới về âm nhạc, để thành phố có những nhạc sĩ nổi danh Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước, Văn Cao…, khởi nguồn nền tân nhạc nước nhà.

Theo nhạc sĩ Duy Thái, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hải Phòng, từ rất lâu đất Cảng đã được coi như miền “đất thiêng” sản sinh và nuôi dưỡng nhiều tài năng âm nhạc Việt Nam hiện đại. Từ Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Trần Chung, Ngô Thụy Miên… cho đến thế hệ đương đại, như: Vũ Tự Lân, Vũ Loan, Lương Vĩnh, Nguyễn Kim, Duy Thái, Hà Giang, Văn Lương, Vũ Ngọc Quang, Thế Vinh, Tùng Ngọc, Sỹ Vịnh… Các nhạc sĩ Hải Phòng sáng tác những bài hát đi cùng năm tháng, được nhiều người yêu thích. Có không ít bài hát đoạt giải cao tại các cuộc thi sáng tác từ Trung ương tới địa phương. Từ giữa năm 2013 đến nay, Hội chủ trì tổ chức chương trình giới thiệu tác phẩm mới mỗi năm 2 lần, chắp cánh giấc mơ âm nhạc của người Hải Phòng. Từ chương trình, hàng trăm bài hát có chất lượng của các nhạc sĩ Hải Phòng được “ra khỏi ngăn kéo” và đến với công chúng, thể hiện sức sáng tác dồi dào của các nhạc sĩ Hải Phòng. Có nhiều hội viên được biết đến rộng rãi, phát triển từ đây như: Xuân Bình với “Tôi, người Hải Phòng” và nhiều nhạc sĩ khác…

Cùng với hoạt động sáng tác, thành phố hiện có lực lượng biểu diễn nghệ thuật khá mạnh. Bên cạnh các đoàn nghệ thuật truyền thống, về tân nhạc Hải Phòng có 3 đoàn nghệ thuật của thành phố và hoạt động trên địa bàn gồm: Đoàn Ca múa Hải Phòng, Đoàn Văn công Quân khu Ba, Đoàn Văn công Hải quân. Không chỉ đoạt nhiều giải thưởng cao qua các kỳ liên hoan, hội diễn toàn quốc, các đoàn nghệ thuật này còn tổ chức biểu diễn đáp ứng yêu cầu chính trị, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và du khách đến với thành phố Hải Phòng và vươn tầm khu vực.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của thành phố thông qua các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, nhất là các Đề án Sân khấu truyền hình, Đề án khôi phục hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà Kèn (vườn hoa Nguyễn Du) và Đề án nghệ thuật đường phố, các “điểm hẹn văn hóa” của Hải Phòng xuất hiện ngày càng nhiều. Với chương trình “Sáng đèn”, Nhà hát thành phố và Nhà hát Tháng Tám trở thành sân khấu tổ chức các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, trong đó có âm nhạc. Các quảng trường, vườn hoa, dải công viên trung tâm thành phố và các quận, huyện cũng sôi động hoạt động biểu diễn, lời ca tiếng hát ngày đêm rộn ràng làm đời sống tinh thần người dân thêm phong phú…

Hoạt động âm nhạc đường phố ngày càng hấp dẫn, để mỗi góc phố Hải Phòng là một “điểm hẹn âm nhạc”. Ảnh: ĐỖ HIỀN.

Cần nâng tầm để tỏa sáng

Theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, với thế mạnh về giao lưu quốc tế, Hải Phòng cần đầu tư xây dựng nền âm nhạc hoàn chỉnh, toàn diện, để dần dần giới thiệu được với thế giới cả âm nhạc dân tộc và âm nhạc đương đại. Trong giao lưu âm nhạc quốc tế hiện nay, trình diễn nhạc không lời, ban nhạc, nhạc cụ có vai trò rất quan trọng. Muốn hội nhập, Hải Phòng phải xây dựng được đội ngũ nghệ sĩ chơi nhạc cụ, nhất là nghệ sĩ violon, piano…, cần đào tạo, thậm chí có chính sách thu hút từ các địa phương, trung tâm âm nhạc khác về, để xây dựng một nền khí nhạc mạnh trong tương lai. Trước đây, thành phố từng có các nhạc sĩ như Vũ Tự Lân, Nguyễn Thiệu Loan, Nguyễn Kim… viết rất nhiều tác phẩm về khí nhạc, nhưng mất dần; việc âm nhạc chỉ mỗi “món ăn” duy nhất là bài hát thì chưa đủ. Hiện, Hải Phòng chủ yếu mạnh về sáng tác, biểu diễn ca múa, khoảng 5-10 năm nữa cần hình thành những dàn nhạc, có những thiết chế về âm nhạc như nhà hát, để đời sống âm nhạc phong phú, có thể trở thành một trung tâm âm nhạc của cả nước.

Bên cạnh đội ngũ sáng tác, thành phố còn cần phát triển đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, đội ngũ làm lý luận phê bình và lực lượng giáo viên đào tạo. Hải Phòng hiện có trường trung cấp nghệ thuật, trong đó có dạy về âm nhạc, nhưng chưa có được những thế mạnh truyền thống được duy trì. Cần có nhiều nhạc sĩ trẻ được đào tạo một các bài bản và chuyên sâu, Hải Phòng mới duy trì được và phát hiện được nhiều tên tuổi mới, cho ra đời những tác phẩm mới. Đồng thời, các ngành liên quan nên đẩy mạnh giáo dục về âm nhạc, đưa âm nhạc vào nhà trường, tổ chức Liên hoan Tiếng hát Hoa Phượng Đỏ hằng năm và tích cực giao lưu quốc tế. “Nha Trang dự định sẽ biến thành một thành phố về điện ảnh, Đà Lạt là thành phố hoa. Còn Hải Phòng, với truyền thống về âm nhạc như thế thì rất nên xây dựng một đề án trở thành thành phố âm nhạc”, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề nghị.

Bài: Hải Hậu

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xây dựng Hải Phòng trở thành “thành phố âm nhạc”: Đầy tiềm năng để hiện thực hóa
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác