Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, gian khổ đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế, trước những tác động tiêu cực và ảnh hưởng to lớn của đại dịch COVID-19 cùng những xung đột kinh tế từ nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp trong nước phải ngừng hoạt động, rời bỏ thị trường hoặc tuyên bố phá sản.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh và dịch vụ. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế bị kiệt quệ và nhiều người dân lao động bị mất việc làm.
Trước tình hình đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn mạnh mẽ, vững vàng niềm tin và sát cách cùng nhau để vượt qua mọi thách thức.
Giữ vững tinh thần lạc quan
Đánh giá về hiện trạng của các doanh nghiệp Việt Nam trong gần 1 năm diễn ra dịch COVID-19, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ, những tháng ngày qua, Việt Nam và thế giới đang trải qua cơn đại dịch thế kỷ mang tên dịch COVID-19.
Một thử thách khốc liệt chưa từng có trong tiền lệ với những tác động hết sức nặng nề đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiệm vụ “kép” là khống chế tốt dịch bệnh và duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân.
Toàn xã hội đã ghi nhận và trân trọng các doanh nhân vì doanh nghiệp, vì người lao động, vì nền kinh tế đất nước trong khó khăn đã không buông bỏ, chịu lỗ, chịu thua, hy sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình mình để duy trì doanh nghiệp, lo việc làm cho người lao động.
Dù còn rất nhiều gian nan, nhưng cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân trong nước luôn giữ vững được tinh thần lạc quan, kiên cường và khả năng chống chịu.
Trong một cuộc khảo sát mới nhất mà VCCI thực hiện, có tới 72,8 % doanh nghiệp Việt cho biết, sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất trong quý 4/2020; chỉ có 17,3% có kế hoạch phải thu hẹp, tạm ngừng hoặc giải thể. Kết quả đó thấp hơn nhiều so với các năm trước; đồng thời, cũng là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh có nhiều sóng gió hiện nay.
Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ, trong một lần tiếp xúc, Đại sứ Nhật Bản cho biết, dù còn một số vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính nhưng cộng đồng doanh nghiệp Nhật vẫn đặt niềm tin vào các cơ hội đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Tháng trước, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản đã xin hỗ trợ của Chính phủ để chuyển dịch các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang một nước thứ 3 thì có tới 15 doanh nghiệp (50%) đã chọn Việt Nam.
Tổng Giám đốc Samsung của Việt Nam cũng cho hay, Samsung đang đẩy nhanh tốc độ triển khai xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất của Đông Nam Á tại Việt Nam.
Còn đại sứ Hoa Kỳ cũng cho biết, doanh nghiệp Hoa Kỳ đang quan tâm tới các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh, kinh tế số tại Việt Nam… Một làn sóng đầu tư quốc tế chất lượng cao vào Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ khởi động.
Chặng đường còn dài và gian nan
Về sức khỏe của doanh nghiệp trong nước, theo ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, quả thực, chặng đường sắp tới còn dài và rất gian nan. Trải qua hơn 3 thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp – lực lượng đông đảo và đa ngành nghề, đa lĩnh vực.
Tuy nhiên, thực sự cũng chưa thể hài lòng về chất lượng. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt tuy đông nhưng còn chưa đủ mạnh.
Việt Nam đã có những tỷ phú đầu tiên và không ít doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp Việt được thế giới biết đến. Nhiều “đại gia” kinh tế hiện chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản và xây dựng…
Số các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp-công nghệ chưa nhiều. Đại bộ phận doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với nền tảng quản trị, công nghệ, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội chưa cao.
Hộ kinh doanh cá thể vẫn là chủ thể phổ biến, chiếm tới 88% tổng số các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn xếp ở thứ hạng thấp trong khu vực.
Thêm vào đó, những chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, trước tác động của hội nhập kinh tế đỉnh cao với các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã được ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU( EVFTA)… hay cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những diễn biến bất thường về địa chính trị, địa kinh tế, biến đổi khí hậu và dịch bệnh… đang đòi hỏi cấu trúc chiến lược và quản trị của cộng đồng doanh nghiệp phải thay đổi.
Các doanh nghiệp dù ở quy mô nào, dù lớn, bé, nhỏ, vừa đều phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, bao trùm và kinh doanh có trách nhiệm hơn. Mà đó lại đang là điều còn rất mới mẻ, rất xa lạ với số đông doanh nghiệp Việt hiện nay.
Sáng tạo bắt đầu từ doanh nghiệp
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, thế giới của ngày hôm nay sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua. Vị thế địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên, nguồn lao động dồi dào và với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Đổi mới, sáng tạo phải là trái tim của nền kinh tế Việt Nam và đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ doanh nghiệp.
Để yểm trợ cho những nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, cải cách thể chế kinh tế có vai trò dẫn dắt mở đường. Dù đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam chưa lọt vào top 3, top 4 của ASEAN như kỳ vọng.
Thứ hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới dừng lại ở mức từ 67-70 trong tương quan so sánh với các nền kinh tế trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, các quy định pháp luật còn chồng chéo, chất lượng dịch vụ công chưa cao, giáo dục nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
VCCI luôn hoan nghênh những nỗ lực và sự quyết liệt vào cuộc của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng, đã khơi dậy niềm tin và giúp cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính có cơ hội tiếp cận thị trường và phát triển tốt.
Cùng với đó là những nỗ lực về cải cách thể chế kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, an toàn để góp phần giải quyết một căn nguyên gốc rễ của nạn tham nhũng và tạo được động lực sáng tạo và nhân văn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.
Riêng về chủ trương phát triển của các hộ kinh doanh cá thể, tôi cho rằng, cần sớm có một khung khổ pháp lý bình đẳng, minh bạch định vị, làm rõ vai trò và chính sách phát triển cho khu vực này. Bởi đây là bộ phận quan trọng hàng đầu của khu vực kinh tế tư nhân, là chiếc nôi của tinh thần khởi nghiệp, là nơi sinh kế của hàng chục triệu gia đình, nơi tạo ra hơn 30% GDP của nền kinh tế, lực lượng chiếm tới 88% tổng số chủ thể kinh doanh của cả nước.
Song song đó, để khuyến khích và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong dân chúng, Nhà nước nên nghiên cứu để đưa nội dung tinh thần doanh nghiệp vào các chương trình giáo dục phổ thông để định hình, định hướng cho các thế hệ tương lai./.
Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)
Theo Cục Cảnh sát giao thông, sẽ sớm có quy định hướng dẫn chi trả…
Năm 2024 là năm đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của TP Hải Phòng…
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giáo viên các trường công lập tại thành phố…
Chiều 3/1, theo thông tin của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành…
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy…
Theo quy định của thông tư về dạy thêm, học thêm mới, tổ chức, cá…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More