Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai: Thuận tiện quản lý đa ngành

Ngày 3-4-2018, UBND thành phố có kế hoạch 94/KH-UBND về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Trong đó, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai theo lộ trình xây dựng chính quyền điện tử để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

 

Nhu cầu cập nhật CSDL đất đai lớn

 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 180/224 xã, phường chưa đo đạc, thiết lập CSDL đất đai với hàng triệu thửa đất biến động hằng ngày nhưng không được cập nhật. Cả năm 2017, chỉ có 17 xã, phường, thị trấn thuộc các quận Ngô Quyền, Lê Chân và huyện Tiên Lãng được cập nhật biến động đất đai. Trong đó, quận Ngô Quyền được cập nhật 28.770 thửa đất thuộc 13 phường. Quận Lê Chân mới cập nhật 1789 thửa đất thuộc 2 phường Trần Nguyên Hãn và Niệm Nghĩa. Huyện Tiên Lãng cập nhật hơn 31.600 thửa đất thuộc thị trấn Tiên Lãng và xã Cấp Tiến. Mới đây, Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) thực hiện xong việc đo đạc bản đồ địa chính và tiếp tục tiến hành khảo sát, thu thập tài liệu để xây dựng CSDL địa chính các quận, Đồ Sơn, Dương Kinh và  huyện Cát Hải. Quý 1- 2018, toàn thành phố có thêm 28 xã, phường thị trấn được đo vẽ, tích hợp CSDL. Qua đó, nâng tổng số xã, phường được tích hợp CSDL lên 45 đơn vị. 

 

Theo kế hoạch, thành phố bố trí tối thiểu 10% tổng thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm cho việc xây dựng CSDL, thông tin đất đai, nhằm khắc phục khó khăn trong việc xây dựng CSDL đất đai diễn ra nhiều năm qua. Trước đó, năm 2008, Bộ TNMT có văn bản đề nghị thành phố Hải Phòng về việc lập “Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và CSDL quản lý đất đai”. UBND thành phố giao nhiệm vụ Sở TNMT lập dự án này. Năm 2009, Sở TNMT hoàn thành xây dựng dự án với tổng mức đầu tư hơn 239,4 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách địa phương. Năm 2010, giai đoạn 1 dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 71,7 tỷ đồng, thực hiện tại 4 quận, huyện là Đồ Sơn, Dương Kinh, Cát Hải và Bạch Long Vỹ. Nguồn vốn đầu tư được lấy từ nguồn thu tiền sử dụng đất hằng năm. Nhưng đến nay, giai đoạn 1 dự án mới được cấp 16 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc cấp kinh phí cho hoạt động đo đạc địa chính và cập nhật CSDL hằng năm rất hạn chế. Trong 3 năm qua, nguồn kinh phí cho hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cập nhật CSDL đất đai rất khiêm tốn, chỉ được 3-4% tổng số tiền thu từ sử dụng đất. Trong khi, theo chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh, thành phố bố trí tối thiếu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này được thực hiện sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

 

Cần hệ thống CSDLhoàn chỉnh

 

CSDL đất đai là tập hợp thông tin có cấu trúc của dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thường xuyên bằng thiết bị điện tử. Chỉ cần kích chuột lên hệ thống trên máy tính người dân có thể thấy được mảnh đất của mình nằm ở vị trí nào, diện tích bao nhiêu và hiện trạng đất đai ra sao. Đồng thời, dữ liệu đất đai này cũng được đồng bộ, liên kết với các ngành Ngân hàng, Tài chính, Xây dựng, Giao thông. Việc tích hợp thông tin điện tử, chia sẻ thông tin đất đai với các ngành liên quan giúp đem lại nhiều tiện ích cho người dân cũng như hệ thống quản lý đa ngành. Hiện nay, thành phố Hải Phòng có những nền tảng quan trọng để khai thác sử dụng hiệu quả  cao dữ liệu hệ thống.

 

Phó giám đốc phụ trách Văn phòng Đăng ký đất đai, Phạm Quốc Phòng cho biết: Năm 2015, Hải Phòng thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai. Theo kế hoạch, mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai góp phần rút gọn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai từ 56 thủ tục gọn còn 24 thủ tục. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có hệ thống CSDL hoàn thiện, đồng bộ ở cả ba cấp từ thành phố đến các quận, huyện và xã, phường, thị trấn. Tới đây, khi CSDL đất đai được hoàn chỉnh, mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp tục phát huy hiệu quả cao hơn nữa. 

 

Thực hiện kế hoạch, UBND thành phố giao Sở Tài chính chính chủ trì cùng các Sở Kế hoạch-Đầu tư và các cơ quan liên quan bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương cho thực hiện các nội dung, nhiệm vụ quản lý đất đai ở địa phương. Trước hết, trong năm 2018, thành phố tập trung hoàn thành việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận và xây dựng CSDL đất đai đối với các công ty nông, lâm nghiệp. Kiện toàn, nâng cao năng lực với hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất theo quy định.

 

Nguyên Mai – Báo Hải Phòng 18/4/2018

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More