Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị (khóa 12) về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025: “Xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Nội vụ phối hợp UBND thành phố hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Cần thiết thực hiện mô hình chính quyền đô thị
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45, Hải Phòng đạt được nhiều kết quả quan trọng, là một trong những địa phương phát triển nhanh nhất cả nước, từng bước khẳng định vai trò trung tâm kinh tế – xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; khẳng định tính đúng đắn và Nghị quyết đang thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra bước phát triển cho thành phố. Song, tại hội nghị sơ kết Nghị quyết 45, đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thẳng thắn nêu lên 3 khó khăn lớn. Một trong 3 khó khăn đó là hệ thống cơ chế chính sách đặc thù, thúc đẩy phát triển còn khá khiêm tốn, chưa đủ sức tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm với tiềm năng và vị thế của thành phố.
Một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho Hải Phòng dù được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, trong đó có nhiệm vụ thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị nhưng chưa được triển khai. Trong khi đó, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn, phát sinh một số vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực quản lý, nhất là từ sự phối hợp chưa đồng bộ giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ. Tính tự chủ, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị của chính quyền các cấp chưa được bảo đảm. Cơ chế, chính sách phân cấp giữa Trung ương với Hải Phòng và giữa các cấp chính quyền của thành phố còn nhiều bất cập. Một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn, chưa tạo được sự chủ động để thành phố thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hiện đại, văn minh… Do đó, nhiệm vụ quan trọng triển khai Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị chính là sớm hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả cao, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính công khai, minh bạch trong quản lý của chính quyền các cấp của Hải Phòng.
Bảo đảm tinh gọn, phát huy tính tự chủ, hiệu lực cao
Phát biểu tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu: Tại thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đều tổ chức HĐND và UBND. Tuy nhiên, tháng 11-2019, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó quy định chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Điều này tạo cơ sở pháp lý Quốc hội cho phép thực hiện các mô hình mới khi có đủ điều kiện. Do đó, việc đề xuất thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng bảo đảm phù hợp với quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hơn nữa, hiện nay, Quốc hội quyết định thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng mà không cần phải thí điểm.
Thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị, Chính phủ giao, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp UBND thành phố Hải Phòng hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng, tổ chức lấy ý kiến đóng góp và đề xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho áp dụng xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2024. Theo dự thảo, Hải Phòng sẽ không tổ chức HĐND tại cấp quận và phường. Dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng đề xuất điều chuyển các nhiệm vụ của HĐND quận, HĐND phường cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố, UBND quận, UBND phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này. Riêng đối với nhiệm vụ về quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của pháp luật được đề xuất giao cho UBND quận (không chuyển giao nhiệm vụ này cho UBND thành phố) để bảo đảm quy định về thời gian và tiến độ thực hiện của các dự án. Ngoài ra, để tạo sự chủ động, về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận và Chủ tịch UBND quận, dự thảo Nghị quyết thiết kế các quy định, trong đó bổ sung nhiệm vụ của UBND quận là đơn vị dự toán cấp 1 được UBND thành phố giao dự toán thu, chi ngân sách; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của UBND phường trực thuộc để bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện. Về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng, dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng HĐND thành phố thuộc thành phố có thêm Ban Đô thị để đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc liên quan đến công tác quản lý trật tự đô thị sẽ tăng lên rất nhiều và phức tạp khi mô hình quản lý có cả đô thị và nông thôn; đồng thời bố trí thêm 1 Phó chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố Hải Phòng phụ trách về lĩnh vực đô thị.
Đồng thời, trên cơ sở thực tế phát sinh nhiệm vụ, quyền hạn khi tổ chức chính quyền đô thị, dự thảo Nghị quyết đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND huyện trong việc quyết định tổng số vốn chuẩn bị đầu tư các dự án do huyện quản lý trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm của huyện và UBND huyện giao kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho từng dự án do huyện quản lý, bảo đảm không vượt tổng số vốn chuẩn bị đầu tư được HĐND huyện quyết định. Đối với cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND phường; nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường và Chủ tịch UBND phường, dự thảo nghị quyết theo hướng tham khảo, kế thừa các quy định tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân cho biết, cùng với việc đề xuất thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, Hải Phòng đang gấp rút hoàn thiện 4 Đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập thành phố Thủy Nguyên, thành lập quận An Dương, điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng. Đây là cơ sở quan trọng để Hải Phòng xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền thành phố, từ đó mở rộng không gian phát triển, phát huy nguồn lực, tiềm năng cho sự phát triển bứt phá của thành phố.
BÀI: HOÀNG MINH