Print Thứ Năm, 24/02/2022 22:45 Gốc

Thành phố đang và sẽ triển khai xây dựng loạt tượng đài nhằm phát huy bề dày giá trị lịch sử, văn hóa miền đất Cảng. Từ kinh nghiệm của một số tỉnh, thành phố bạn, việc xây dựng tượng đài đều có quy mô, đầu tư lớn và để phát huy giá trị của tượng đài, cần có sự đồng thuận của nhân dân, giới chuyên môn, thực hiện thận trọng, chắc chắn.

Lựa chọn nhân vật xứng tầm giá trị lịch sử, văn hóa

Thành phố đang triển khai đề án xây dựng tượng đài Chiến thắng Cát Bi. Sở Văn hóa và Thể thao được giao tổ chức cuộc thi tuyển sáng tác mẫu phác thảo và phương án kiến trúc tượng đài chiến thắng Cát Bi. Ngoài ra, Sở đang xây dựng đề cương Đề án xây dựng bổ sung tượng đài danh nhân, công trình điêu khắc tại 8 công viên, vườn hoa: Tam Kỳ, Lê Chân, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Kim Đồng, Tố Hữu, Nguyễn Trãi. Sắp tới, tại quảng trường Khu trung tâm hành chính-chính trị mới Bắc sông Cấm, thành phố xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tượng đài sau khi hoàn thành góp phần tô điểm diện mạo đô thị Hải Phòng vừa đậm nét truyền thống văn hóa, vừa hiện đại.

Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng Tô Hoàng Vũ đánh giá, việc xây dựng và đặt tượng đài tại nơi công cộng là cần thiết trong cuộc sống văn minh, hiện đại, nhất là đối với thành phố lớn như Hải Phòng. Ở một số tỉnh, thành phố bạn, khi triển khai đề án xây dựng tượng đài, phần lớn người dân, giới chuyên môn đồng tình ủng hộ mục đích, ý nghĩa đề án, nhưng sau khi công trình hoàn thiện, giới chuyên môn, người dân có nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, địa điểm đặt tượng đài chưa phù hợp giao thông, chưa gắn với nơi diễn ra sự kiện và nhân vật lịch sử; hay quy mô tượng đài còn lãng phí, chưa thực sự cần thiết; việc lựa chọn nhân vật lịch sử và quy mô tượng đài chưa tiêu biểu, chưa phù hợp công lao, thành tích của nhân vật lịch sử đối với địa phương, đất nước…

Theo dõi và nhiều lần tham vấn các đề án xây dựng tượng đài tại Hải Phòng, nhà sử học Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng cho rằng, nhiều năm qua, thành phố chưa quan tâm phát triển văn hóa, trong đó có tượng đài. Bao năm rồi mới có một số tượng đài tiêu biểu như: Tượng Nữ tướng Lê Chân… Đến nay, thành phố, ngành Văn hóa khởi động xây dựng các tượng đài lớn là sự quan tâm sâu sắc của thành phố đối với phát triển văn hóa. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng tượng đài, ngoài việc phải phù hợp quy mô và vị trí đặt tượng, còn phải lựa chọn nhân vật lịch sử, danh dân phù hợp, có nhiều dấu ấn đóng góp vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội thành phố. Cụ thể, nếu xây dựng tượng danh nhân, công trình điêu khắc tại 8 công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, vì dải trung tâm hẹp chiều ngang, trong khi ở giữa dải trung tâm đã có tượng đài Nữ tướng Lê Chân, nên chọn quy mô tượng đài bán thân và công viên đặt tên danh nhân nào thì xây dựng tượng bán thân danh nhân đó.

Các nhà điêu khắc tham gia thực địa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi để sáng tác mẫu phác thảo và kiến trúc tượng đài Chiến thắng Cát Bi.

Thận trọng trong các bước xây dựng tượng đài

Số tượng đài hiện có ở Hải Phòng khá ít và chưa mang giá trị thẩm mỹ cao. Nhưng không vì thế mà nóng vội triển khai các đề án xây dựng tượng đài. Từ khi hình thành ý tưởng, lập đề án đến hoàn thành xây dựng tượng đài là cả quá trình, cần nhiều thời gian, từ một năm đến vài năm. Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật điêu khắc (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho biết, thời gian qua, ở một số tỉnh, thành phố có công trình tượng đài chưa đáp ứng giá trị thẩm mỹ về điêu khắc, khiến dự luận bất bình. Từ đó đặt ra yêu cầu, ngoài việc phát động cuộc thi tuyển mẫu phác thảo rộng rãi trong nhân dân, ban tổ chức đặt hàng các nhà chuyên môn được đào tạo bài bản, có tài năng, kinh nghiệm sáng tác mẫu phác thảo tượng đài để chọn tác phẩm hội đủ giá trị nghệ thuật điêu khắc và văn hóa, lịch sử, tư tưởng, chính trị…

Họa sĩ Đặng Tiến, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng cho rằng, trung bình mỗi công trình tượng đài có giá trị hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng, nên khâu thi tuyển mẫu phác thảo và kiến trúc đóng vai trò quyết định đến công trình. Khi chọn được mẫu phác thảo và kiến trúc thành công và nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thì mới đưa vào xây dựng trên thực địa. Với cuộc thi tuyển sáng tác mẫu phác thảo và phương án kiến trúc tượng đài Chiến thắng Cát Bi, Chủ tịch Hội Nghệ nhân-thợ giỏi thành phố Nguyễn Công Hường bày tỏ, khi bắt tay triển khai mẫu sáng tác phác thảo tượng đài Chiến thắng Cát Bi, nhóm tác giả của Hội dự thi gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình tìm hiểu giá trị, đặc điểm của sự kiện, nhân vật lịch sử để lên ý tưởng và hiện thực hóa thành tác phẩm cụ thể, nhóm tác giả nhận thấy, một số chi tiết hình ảnh huy hiệu mà Bác Hồ tặng các chiến sĩ Cát Bi và trang phục của chiến sĩ thời đó chưa thống nhất. Vì vậy, các tác giả đề nghị, bên cạnh việc gia hạn thời gian dự thi trong điều kiện dịch bệnh, Ban tổ chức cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu lịch sử liên quan đến công trình. Và khi thi công công trình tượng đài, cần chú trọng giám sát chặt chẽ chất lượng công trình, tránh tình trạng công trình vừa xây xong đã xuống cấp. Bài học qua vụ việc tượng đài Chiến thắng Điện Biên bị lún sụt khiến dư luận bức xúc và những người liên quan bị kỷ luật còn đó.

Việc xây dựng tưởng đài không đơn giản, nhưng không vì thế mà chùn bước mà càng phải quyết tâm. Quyết tâm đó đang được thể hiện ở quá trình triển khai đề án xây dựng tượng đài Chiến thắng Cát Bi. Hy vọng đề án khởi đầu thành công, làm tiền để triển khai các đề án xây dựng tượng đài tiếp theo, góp phần xây dựng hình ảnh Hải Phòng vừa giàu truyền thống, vừa hiện đại./.

Bài và Ảnh: Mạnh Quang

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Xây dựng các tượng đài trên địa bàn thành phố: Lựa chọn kỹ càng, cẩn trọng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác