Ký ức về trận ném bom ác liệt
Trong thế trận phòng không nhân dân bảo vệ Hải Phòng, suốt cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, khu phố Hồng Bàng là địa bàn xung yếu, nhiều cơ sở là mục tiêu trọng điểm đánh phá của máy bay địch. Những năm 1965-1968, địch đánh phá khu vực Hồng Bàng hàng trăm trận, ném hàng nghìn quả bom phá, bom bi, bắn hàng trăm rốc-két, tên lửa. Các khu vực Sở Dầu, Thượng Lý, Xi-măng, cầu Quay, chợ Sắt, Cảng Hoàng Diệu là nơi địch tập trung đánh phá ác liệt nhất. Từ đầu năm 1972 đến hết tháng 10/1972, khu phố Hồng Bàng hứng chịu 21 trận ném bom với hơn 2.000 quả bom các loại, 3.000 ngôi nhà bị sập, khiến 4 vạn người không còn nhà ở. Ác liệt, tang thương nhất là trận ném bom ngày 16/4/1972. Khi đó, đế quốc Mỹ huy động gần 100 lượt máy bay ném bom chiến lược B52 oanh tạc khu vực Thượng Lý, trên khu vực rộng hơn 2km², làm hàng trăm người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương, hàng chục cháu bé rơi vào cảnh mất hết cha mẹ, người thân.
Dù chịu nhiều tổn thất, hy sinh, nhưng trận đánh ngày 16/4/1972 có ý nghĩa chiến lược quân sự. Trong hồi ký “Bảo vệ bầu trời”, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân trong thời điểm 1972 nhận định về trận đánh này tại Hải Phòng: “Lịch sử ghi nhận, trận đánh ngày 16/4/1972 là “bản lề” đưa người Mỹ tới thảm bại tháng 12/1972. Trong trận ném bom ngày 16/4, địch không mất chiếc máy bay nào, nhưng chính “thắng lợi” ấy lại đưa họ tới thất bại “đau đớn” tháng 12/1972. Sau khi nhận rõ nguyên nhân, ta tích cực khắc phục nhược điểm của mình, đồng thời sáng tạo nhiều chiến thuật, biện pháp hiệu quả cao để đối phó với các thủ đoạn ngày càng tinh vi của địch. Nhờ những nỗ lực đó, bước vào chiến dịch 12 ngày đêm, toàn bộ các đơn vị phòng không ta nắm vững kinh nghiệm chiến đấu với B52”.
Trong 12 ngày đêm, cùng với Hà Nội, Hải Phòng làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, giáng trả đế quốc Mỹ những đòn đích đáng. Quân và dân khu phố Hồng Bàng góp phần tích cực vào chiến thắng vang đội này. Vào lúc 24 giờ ngày 19/12/1972, cụm chiến đấu gồm có tự vệ Sở Dầu, Ngân hàng, Công ty Công nghệ phẩm nổ súng kịp thời, chính xác, bắn rơi 1 máy bay A7 của đế quốc Mỹ. Các lực lượng tự vệ khu phố tham gia giải tỏa hoàng hóa trên cảng. Trong hoàn cảnh gian khó, Đảng bộ quân và dân khu phố Hồng Bàng vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ sản xuất, tuyển quân, chi viện sức người sức của với miền Nam. Ghi nhận những đóng góp, hy sinh đó, Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an Thượng Lý. Năm 1994, nhân dân và cán bộ quận Hồng Bàng được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo đề án, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố là cơ quan Thường trực Ban Tổ chức cuộc thi tuyển mẫu phác thảo và phương án kiến trúc tượng danh nhân, công trình điêu khắc được phê duyệt. Biểu tượng “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” tại công viên Nam cầu Bính là một trong số 11 công trình được tổ chức thi tuyển đợt này. Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi được thực hiện từ tháng 12/2022 đến ngày 2/2/2023. Tác phẩm đoạt giải cao nhất được Ban Tổ chức cuộc thi báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Ban Thường vụ Thành ủy lựa chọn làm mẫu phác thảo chính thức xây dựng.
Biểu tượng tưởng nhớ sự hy sinh, mất mát
Đồng chí Lê Ngọc Trữ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Hồng Bàng cho biết: Cuộc chiến đấu ngày 16/4/1972 khốc liệt với mất mát, hy sinh của đồng bào ta không kém sự kiện đế quốc Mỹ dùng B52 ném bom rải thảm phố Khâm Thiên (thành phố Hà Nội) ngày 26/12/1972. Do đó, cần có biểu tượng xứng đáng với tinh thần dũng cảm, ý chí bất khuất của người dân Hồng Bàng nói riêng, nhân dân Hải Phòng và cả miền Bắc nói chung trong đợt chiến đấu cuối tháng 12/1972, cũng như trong suốt cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Đây là nơi để những người từng sống, chiến đấu trong những năm tháng đó nhớ về nỗi đau không gì bù đắp được, để thế hệ trẻ biết đến tội ác quân sâm lược và những gì thế hệ trước từng trải qua để bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau luôn trân trọng và ghi nhớ công lao của những người đi trước đã cống hiến, hy sinh để đem lại độc lập, hòa bình, cuộc sống hạnh phúc hôm nay. Đó chính là đạo lý cao đẹp của người Việt Nam.
Thượng Lý hôm nay khác xưa rất nhiều. Trên vùng đất năm xưa là vùng trọng điểm ném bom của địch nay Khu đô thị Vinhomes Imperia, khu đô thị Hoàng Huy, đường Hùng Vương mở rộng với nút giao thông Nam cầu Bính, nút giao thông hiện đại của thành phố Hải Phòng với thiết kế 3 tầng. Những khu phố sầm uất, cuộc sống sung túc xóa đi cảnh hoang tàn ngày nào. Điều đó minh chứng dù B52 là thứ vũ khí có sức hủy diệt kinh khủng như thế nào cũng không thể so sánh được với tinh thần, ý chí kiên cường của người dân Hồng Bàng và Hải Phòng. Biểu tượng “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” giúp chúng ta thêm yêu, trân trọng, tự hào về truyền thống của quận Hồng Bàng nói riêng, của thành phố và cả nước nói chung./.
Bài: Nguyên Mai. Ảnh: Trung Kiên
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More