Xác định những lĩnh vực tiên phong để đầu tư, xây dựng kinh tế số

Các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, ngân hàng số… đang không ngừng phát triển, tạo ra các kênh phát triển kinh tế mới, hiệu quả hướng đến những tiện ích lớn cho người tiêu dùng.

Kinh tế số đang len lỏi vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, tuy nhiên trong điều kiện hạn chế hiện nay của Việt Nam, việc định hướng phát triển kinh tế số ở một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh là hết sức cần thiết.

Nói cách khác, cần xác định những lĩnh vực tiên phong để đầu tư, xây dựng kinh tế số; trong đó cần sự vào cuộc và chủ động của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều khách hàng có thói quen mua sắm online. (Ảnh: CTV/Vietnam+).

Xu hướng kinh tế đột phá

Các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, ngân hàng số… đang không ngừng phát triển, qua đó tạo ra các kênh phát triển kinh tế mới, hiệu quả hướng đến những tiện ích lớn cho người tiêu dùng, tạo ra giá trị kinh tế lớn.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số thương mại điện tử năm 2019, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có hoạt động thương mại điện tử, tỉnh thấp nhất cũng đạt khoảng 20%, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 1, Hà Nội xếp thứ 2, Hải Phòng xếp thứ 3 là nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử.

Từ đó cho thấy hạ tầng số phục vụ các hoạt động thương mại ở Việt Nam phát triển nhanh, trên diện rộng, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Đánh giá về xu hướng này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng hàng loạt sàn giao dịch thương mại điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh và từng bước thích ứng với nền kinh tế số.

Hiện nay, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với con số 3.500.000 lượt khách/ngày.

Trong năm 2019, số doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam là 45.400 doanh nghiệp, tăng gần 7.000 doanh nghiệp so với 2018.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp tăng lên đến 17.000 doanh nghiệp, từ 28.400 doanh nghiệp năm 2017 lên 45.400 doanh nghiệp năm 2019. Thanh toán điện tử tăng nhanh về số lượng và giá trị giao dịch, kết nối liên thông được đẩy mạnh.

Năm 2019, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 156 triệu giao dịch tương ứng với 95.232.000 tỷ đồng (tăng khoảng 18% về số lượng và 33% về giá trị so với năm 2018). Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán kinh doanh thương mại tiếp tục được đầu tư, phát triển.

Đến đến hết năm 2019, trên toàn quốc có 18.958 ATM, tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2018, số POS đạt được 282.920 POS (tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước) và hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công (cơ sở y tế, bệnh viện, trường học…).

Đến nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối tại 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh và tất cả các tổ chức tín dụng trên cả nước; khoảng 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Thuế, Hải quan trên 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; trong đó, 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 30 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử…

Hiện tại có 154 công ty Fintech chủ yếu trong mảng thanh toán điện tử, 22 công ty về chuỗi khối blokchain. Số lượng giao dịch thanh toán điện tử tăng 30%. Giá trị giao dịch tăng 18% và thanh toán qua internet tăng 238%.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dưới tác động của dịch COVID-19, các giao dịch ngân hàng trực tuyến trở nên quan trọng và có mức tăng đột biến.

Các ngân hàng và công ty công nghệ đã tập trung phát triển các ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ số, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ hướng tới việc đáp ứng kịp thời nhu cầu thay đổi của khách hàng.

Ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng khách hàng thực tế sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đặc biệt là internet banking, mobile banking tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2019, từ 1,4 đến 2,6 lần và chiếm trên 40% tổng số giao dịch. Đặc biệt, có một vài ngân hàng có tỷ lệ cao, chiếm trên 80% tổng số giao dịch.

Các mô hình kinh tế số mới của Việt Nam dự báo có mức tăng trưởng cao trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam sẽ đạt khoảng 64 triệu người dùng internet, trung bình người Việt Nam dành 3 giờ 15 phút mỗi ngày sử dụng internet trên thiết bị di động như: điện thoại thông minh, máy tính xách tay và theo tỷ lệ trung bình trong khu vực, việc sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc, các dịch vụ như mua bán trực tuyến, gọi xe, dịch vụ tài chính, dịch vụ khách sạn hay giao món ăn…

Hơn nữa, trong năm 2020, nhiều ngành nghề, lĩnh vực công nghệ như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam.

Chủ động chuyển đổi số

Các ngành kinh tế số hình thành và phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong quá trình đó, sự chủ động chuyển đổi số của doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng.

Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Cành, thuộc Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến nền kinh tế, để phù hợp với những thay đổi trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng sang mô hình kinh doanh trực tuyến thay vì những hình thức kinh truyền thống, thể hiện qua một số hình thức sau đây: kinh doanh trên website trực tuyến, mạng xã hội, tham gia các sàn thương mại điện tử, nền tảng di động, các hình thức quảng cáo website và ứng dụng di động.

Đồng thời, các doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh thường nhật để cải thiện hiệu quả các nghiệp vụ cũng như hiệu quả kinh doanh. Những phương pháp được sử dụng phổ biến như sử dụng email và các công cụ hỗ trợ trong công việc, sử dụng phần mềm quản lý, chữ ký và hợp đồng điện tử, nhận và đặt đơn hàng qua các công cụ trực tuyến.

Ảnh minh họa.

Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, có đến 47% doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin hàng ngày trên website, 23% doanh nghiệp có cập nhật thông tin hàng tuần. Điều này cho thấy, công nghệ điện tử, chuyển đổi số là mô hình sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp hướng đến trong hiện tại và tương lai.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng cần khuyến khích các doanh nghiệp nòng cốt về công nghệ thông tin mở rộng không chỉ trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin mà còn chuyển sang các ngành công nghiệp và dịch vụ nội dung số như: công nghiệp điện tử, công nghiệp an toàn, an ninh mạng; công nghiệp Internet Vạn vật (IoT)…

Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong một số ngành nghề đã có bước phát triển tốt, tận dụng được cơ hội từ dịch COVID-19 trong thời gian qua như các hoạt động giáo dục, đào tạo trực tuyến; các hoạt động khám, chữa bệnh trực tuyến từ xa, thương mại điện tử…

Để hỗ trợ nền kinh tế số phát triển ở Thành phố Hồ Chí Minh, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho biết Chương trình chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Sự chủ động, tích cực thay đổi của chính những người làm kinh tế.

Do đó, chương trình của thành phố sẽ tập trung vào việc tạo ra một môi trường thuận lợi, hỗ trợ kinh doanh và các doanh nghiệp để thúc đẩy sự chuyển đổi của chính họ.

Cụ thể, thành phố tập trung vào các giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, nhất là tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, sáng tạo ra các mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn và từng bước chuyển dịch sang phương thức sản xuất mới; xây dựng cơ chế để doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để thực hiện chuyển đổi số…

Ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc Adecco Việt Nam và Malaysia, cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có bước đột phát trong quá trình chuyển đổi số để duy trì tính cạnh tranh và quá trình này đòi hỏi sự tham gia của toàn tổ chức. Phát triển năng lực lãnh đạo, huấn luyện và nâng cao kỹ năng là cách để giải quyết thách thức này./.

Hoàng Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII

Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…

25/11/2024

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…

25/11/2024

Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh

Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

25/11/2024

Hải Phòng có tân Cục trưởng Cục Hải quan thành phố

Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…

25/11/2024

Thí sinh Hải Phòng trở thành Á vương 1 của Nam vương Thế giới – Mr World 2024

Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…

24/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More