Những năm gần đây, nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp từ hoa, cây cảnh xã Đặng Cương nổi lên là địa phương đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng với những vụ hoa xuân cho thu nhập hàng chục tỷ mỗi năm.
Xã Đặng Cương – xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 là xã nông nghiệp có tổng diện tích đất tự nhiên là 486,35 ha, trong đó đất nông nghiệp 270,35 ha với tổng số hộ dân là 2498 tương đương 8568 nhân khẩu. Xã có 2 làng nghề truyền thống là làng nghề hoa, cây cảnh Đồng Dụ và làng nghề hoa, cây cảnh Tri Yếu.
Là xã thuần nông, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong tổng thể nền kinh tế địa phương, được thiên nhiên ưu đãi với thổ nhưỡng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Từ thực tế trên, Đảng, chính quyền xã Đặng Cương đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi vườn tạp thành vườn chuyên canh, cải tạo các ruộng sâu trũng cấy lúa kém hiệu quả, tập trung phát triển các loại cây trồng giá trị kinh tế cao (gồm đào, quất, hải đường cảnh).
Việc chuyển đổi cây trồng được xã Đặng Cương ra nghị quyết và thông qua chương trình hành động thực hiện chủ đề năm 2018 là “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao, đa dạng, bền vững”.
Cùng với đó, xã Đặng Cương, huyện An Dương cũng chú trọng vào đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: bê tông hóa đường nội đồng ra tận vườn hoa, cứng hóa kênh mương.
Xã có hộ trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập 1 tỷ đồng trong dịp tết 2019
Triển khai các lớp tập huấn trồng hoa, cây cảnh cho các hộ dân. Tổ chức ủy thác vay vốn đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua việc giúp người trồng hoa tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Trong năm 2018, 740 hộ nông dân trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế với số tiền 13,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Thuận – Chủ tịch UBND xã Đặng Cương, huyện An Dương – cho biết: Năm 2018, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đồng thuận hưởng ứng mạnh dạn đầu tư sản xuất của nhân dân và thời tiết thuận lợi là điều kiện quan trọng để nhân dân xã Đặng Cương có một vụ thu hoạch thắng lợi từ kinh tế vườn.
Tổng thu nhập hoa, cây cảnh xã đạt 53,6 tỷ đồng, tăng 12 % so với cùng kỳ là năm địa phương có giá trị thu nhập kinh tế cao nhất (tính đến vụ thu hoạch năm 2018).
Trong đó, thu nhập từ đào cảnh đạt 39,5 tỷ đồng, thu nhập từ Hải Đường đạt 7,6 tỷ đồng, thu nhập từ quất đạt trên 6,5 tỷ đồng. Toàn xã có 15 hộ trồng hoa cho thu nhập đạt từ 500 triệu đồng trở lên, hộ có thu nhập cao nhất đạt 1 tỷ đồng ở thôn Hòa Nhất.
Năm 2018, tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh của địa phương là 97,6 ha (tăng 5,6 ha so với năm 2017) với 730 hộ dân tham gia sản xuất tại 8/8 thôn.
Trong đó, thôn Dân Hạnh, Tự Lập, Hòa Nhất có diện tích, số hộ tham gia trồng hoa, cây cảnh chiếm số lượng lớn và tập trung với trên 50 ha diện tích canh tác của 420 hộ.
Trồng quất cũng là thế mạnh của xã Đặng Cương
Đây cũng là thôn có thu nhập hoa, cây cảnh lớn trong dịp Tết 2019 như thôn Hòa Nhất 10,430 triệu đồng, Tự Lập trên 13 tỷ đồng, Dân Hạnh 11.325 triệu đồng…
Cùng với kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục để phát triển ngành nghề trồng hoa, cây cảnh tại xã Đặng Cương như: công tác chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế với các sản phẩm nông nghiệp chủ đạo hoa, cây cảnh chất lượng cao chưa phát huy hết tiềm lực, thế mạnh sẵn có, các mô hình là điển hình đạt hiệu quả cao chưa được nhân rộng, mới chỉ tập trung phát triển mạnh tại các thôn Hòa Nhất, Tự Lập, Dân Hạnh, trong khi đó diện tích hoa hải đường có xu thế giảm cả về diện tích và số hộ.
Việc chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng có lúc, có nơi còn diễn ra tùy tiện, tự phát, đã trực tiếp phá vỡ quy hoạch vùng sản xuất tập trung ở một số xứ đồng, gây khó khăn cho công tác quản lý và thực hiện các dịch vụ nông nghiệp.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bỏ ruộng hoang không sản xuất với diện tích lớn ở cả 8/8 thôn trên địa bàn xã.
TRUNG KIÊN