Print Thứ Bảy, 08/02/2020 21:25 Gốc

Nhằm tránh bêu xấu thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh khởi phát, cũng như tránh nhắc tới người Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã rất cẩn trọng khi đặt tên cho chủng mới của virus Corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Theo tờ Strait Times, tên gọi tạm thời do WHO đặt cho dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12/2019 tại Trung Quốc là “bệnh viêm đường hô hấp cấp 2019-nCoV”, dịch đã được tuyên bố là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu.

Nhân viên y tế đeo khẩu trang trên đường phố Thượng Hải ngày 7/2. Ảnh: AFP.

Mốc thời gian 2019 liên quan đến sự kiện lần đầu tiên xác định được chủng virus nguy hiểm này vào ngày 31/12/2019. Trong khi đó, “nCoV” là viết tắt của “novel coronavirus“, họ virus Corona trong đó có các loại virus như 2019-nCoV, MERS-CoVSARS-CoV.

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng Ban Dịch bệnh mới tại WHO, trả lời hãng tin AFP ngày 7/2: “Chúng tôi cho rằng đặt tên tạm thời cho virus mà không gắn với địa danh nào là rất quan trọng. Tôi chắc chắn các bạn đều thấy nhiều bản tin vẫn còn gọi chủng virus này với từ Vũ Hán hoặc Trung Quốc, nên chúng tôi muốn đảm bảo rằng không có sự kỳ thị nào cả”.

Quyết định cuối cùng về tên gọi của virus 2019-nCoV sẽ được WHO cùng các chuyên gia tại Ủy ban Quốc tế về Phân loại virus (ICTV) đưa ra trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chọn tên cụ thể sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Theo bộ quy tắc ban hành năm 2015, WHO khuyên không nên sử dụng các địa danh chẳng hạn như Ebola và Zika, nơi hai bệnh lây nhiễm cùng tên lần đầu tiên được phát hiện, để đặt tên cho dịch bệnh. Cho đến nay, trong suy nghĩ của công chúng, hai địa phương này vẫn bị gắn liền với dịch bệnh.

Bà Sylvie Briand, Trưởng Ban Phòng chống rủi ro truyền nhiễm toàn cầu của WHO, cho hay việc sử dụng tên địa danh đã tạo ra “gánh nặng không cần thiết“. Nhiều tên gọi chung như “hội chứng hô hấp Trung Đông” (MERS) hay “cúm Tây Ban Nha” cũng cần phải tránh vì chúng có thể ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực hoặc nhóm dân tộc.

Trách nhiệm của tất cả chúng ta là đảm bảo rằng không có sự kỳ thị liên quan căn bệnh này“, Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO nói.

WHO cũng cho biết sử dụng giống loài động vật trong tên gọi có thể gây hoang mang, chẳng hạn như H1N1 vẫn được gọi thường xuyên hơn là “cúm lợn”. Điều này đã tác động lớn đến ngành chăn nuôi lợn mặc dù dịch bệnh này bị lan truyền rộng do con người nhiều hơn là do lợn. H1N1 đôi khi cũng bị gọi là cúm Mexico. Điều không mấy tốt đẹp đối với người Mexico.

Tên người, thường là tên các nhà khoa học có công phát hiện dich bệnh, cũng bị cấm cùng với các thuật ngữ kích động sợ hãi không đáng có như “không xác định” hay “chết người”.

WHO viết trong bộ quy tắc: “Chúng tôi đã thấy một số tên dịch bệnh gây ra phản ứng dữ đội trong các cộng đồng tôn giáo hoặc tín ngưỡng, tạo ra rào cản phi lý đối với hoạt động du lịch, thương mại và kích thích hành vi giết mổ động vật không cần thiết“.

Thay vào đó, WHO khuyến nghị rằng tên gọi mới cần mang tính mô tả và bao hàm mầm mống gây bệnh nếu biết, cũng như ngắn gọn và dễ phát âm.

Ngày 8/2, giới chức Trung Quốc đã xác nhận thêm 3.399 trường hợp nhiễm virus 2019-nCoV và 86 trường hợp tử vong tại 31 tỉnh thành của Trung Quốc trong ngày 7/2. Như vậy, số ca nhiễm mới của Trung Quốc đã tăng trở lại sau 2 ngày liên tiếp giảm.

Xuân Chi

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: WHO lý giải tên gọi của virus 2019-nCoV
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác