Chính sách

Vướng trong xử lý diện tích rừng thiệt hại sau bão

Sau bão số 3 đến nay đã gần 2 tháng nhưng nhiều cánh rừng cây gãy đổ vẫn ngổn ngang. Thay vì màu xanh bạt ngàn của núi rừng là một màu vàng úa. Ở một số địa phương, cây rừng gãy đổ chắn hết lối vào rừng cũng chưa được dọn dẹp… Tuy nhiên, việc thu gom diện tích rừng bị thiệt hại còn nhiều vướng mắc do thiếu quy định…

Khó dọn dẹp vì nhiều lý do

Tuyến đường từ chân đồi Thiên Văn lên đài Khí tượng thủy văn Đông Bắc (quận Kiến An) sau bão đến nay vẫn chưa dọn xong. Dọc đường lên đỉnh núi, cây gãy đổ, đường điện, viễn thông xen lẫn ngổn ngang trên đường. Tuyến đường này không chỉ phục vụ cơ quan chức năng đi lại mà còn thu hút nhiều khách du lịch, người dân địa phương thường xuyên tham quan, tập thể dục. Bà Nguyễn Thị Thơm, ở phố Trần Thành Ngọ cho biết, hằng ngày tôi và nhiều người dân đi bộ tập thể dục từ sáng sớm nên rất lo lắng nếu không may vướng vào dây điện sẽ nguy hiểm…

Nhiều vạt rừng ở quận Đồ Sơn cây bị khô lá sau bão số 3 nhưng đến nay chưa có giải pháp khắc phục. Ảnh: DIỆP NHI.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thiệt hại rừng khá lớn, một số dây dẫn viễn thông lẫn cây rừng bị gãy đổ, rụng lá tạo nên lớp thảm thực bì chết khô khá lớn rất khó khăn cho việc thu dọn. Vì vậy, đến nay mới chỉ một số tuyến đường chính vào rừng được dọn; nhiều vạt rừng cây bị khô lá vẫn nguyên hiện trạng.

Việc chậm tiến độ thu dọn rừng có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn lúng túng trong việc sử dụng nguồn kinh phí. Diện tích rừng thiệt hại lớn trong khi chưa có nguồn kinh phí thu dọn nên phần lớn các địa phương tạm thời giữ nguyên hiện trạng để tìm nguồn kinh phí.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Thanh Tùng cho biết, việc dọn những diện tích rừng bị ảnh hưởng sau bão liên quan đến các quy định pháp luật về khai thác tận dụng, tận thu lâm sản. Hiện chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền lập, phê duyệt phương án khai thác rừng, xử lý gỗ và lâm sản sau khai thác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sử dụng nguồn kinh phí thu gom, tận thu lâm sản nhưng thực tế nguồn Quỹ phát triển bảo vệ rừng không có danh mục chi cho việc này.

Đối với chính quyền địa phương có rừng cũng đang loay hoay tìm nguồn để hỗ trợ thực hiện công tác này. Phó chủ tịch UBND quận Kiến An Phạm Văn Diện thông tin, mặc dù sau bão, quận chi 400 triệu đồng để thu gom diện tích bị thiệt hại nhưng mới chỉ được 3 điểm sạt lở đất và lối đi chính, phần cây đổ gãy ngổn ngang còn khá nhiều, song quận chưa tìm được nguồn kinh phí thực hiện phần diện tích còn lại. Sau bão số 3, diện tích rừng bị gãy đổ khoảng 7.129ha, trong đó thiệt hại hoàn toàn là 893ha, thiệt hại rất nặng là 1.565ha, thiệt hại một phần 459ha. Ước tính giá trị thiệt hại là 529 tỷ đồng…

Sau bão số 3, diện tích rừng bị gãy đổ khoảng 7.129ha, trong đó thiệt hại hoàn toàn là 893ha, thiệt hại rất nặng là 1.565ha, thiệt hại một phần 459 ha. Ước tính giá trị thiệt hại là 529 tỷ đồng…

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Bà kiểm tra cây rừng gãy đổ sau bão số 3. Ảnh: DIỆP NHI.

Khẩn trương các giải pháp khắc phục

Việc chậm thu gom diện tích rừng bị gãy đổ sau bão sẽ khiến nhiều cánh rừng khó hồi phục, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, nhất là trong mùa hanh khô như hiện nay. Tuy nhiên, để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến nguồn kinh phí cần rõ trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các chủ rừng.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường (Văn phòng UBND thành phố) Nguyễn Trung Hiếu khẳng định, diện tích rừng bị thiệt hại khá lớn, vì vậy việc kiểm đếm và thống kê phải chính xác, từ đó phân định rõ từng loại rừng do ai quản lý, chính quyền địa phương, chủ rừng hay đơn vị quốc phòng để từ đó quy rõ trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý cây gãy đổ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các văn bản liên quan về sử dụng kinh phí phục vụ công tác này, trên cơ sở đó hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu dọn rừng.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Thành cho rằng, cùng với việc xác định rõ trách nhiệm quản lý các khu đồi rừng để quy trách nhiệm, đối với các khu vực đồi rừng thuộc phạm vi các đơn vị quốc phòng quản lý, cần huy động lực lượng quân đội để khẩn trương thu dọn diện tích rừng thiệt hại. Đối với nhiều diện tích đồi rừng rộng sẽ tốn kém nhiều kinh phí, do đó có thể xem xét hỗ trợ của các dự án quốc tế… Cùng với đó, ngành chức năng và các địa phương sớm có phương án trồng lại rừng thay thế vào mùa xuân tới để bổ sung những phần diện tích rừng bị thiệt hại trong cơn bão số 3.

Đối với các quận, huyện có diện tích rừng cần tiếp tục huy động nguồn lực, kinh phí để khẩn trương hoàn thành việc thu gom diện tích rừng bị thiệt hại, tạo điều kiện để cây rừng tiếp tục phát triển ổn định. Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Lưu Văn Thụy cho biết, diện tích rừng trên địa bàn tập trung ở xã Thanh Sơn và thị trấn Núi Đối. Tại các khu rừng, các cây đến kỳ khai thác nhưng ảnh hưởng của bão, nhiều cây gãy đổ, bật gốc nên việc khôi phục tái sinh rừng gặp khó khăn. Huyện đề nghị thành phố cho phép thanh lý đối với rừng bị thiệt hại hơn 70%. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục tận thu khai thác rừng để làm cơ sở thu dọn diện tích bị gãy đổ. Một số địa phương phát huy vai trò xã hội hóa trong việc thu dọn rừng. Đơn cử như ở một số khu dân cư ven đồi rừng Kiến An, người dân tự đóng góp kinh phí thuê nhân công thu dọn lối đi tắt vào rừng…

Hương An

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More