Print Thứ ba, 02/04/2019 16:33

Năm 2018, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn thành phố bán đấu giá tài sản thành 32 việc, tổng số tiền hơn 153 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện 21 việc với hơn 180 tỷ đồng chưa bán đấu giá thành. Khó khăn chính trong công tác này do sự cản trở của người phải THADS và tâm lý của người mua tài sản bán đấu giá.

Kê biên tài sản là máy móc của Công ty TNHH In và Quảng cáo Trường Hồng (huyện Thủy Nguyên) để bàn giao đơn vị mua trúng đấu giá. 

Phải cưỡng chế mới bàn giao được tài sản

Thực tế công tác bán đấu giá tài sản THADS cho thấy, nhiều người có nhu cầu, nguyện vọng mua tài sản. Tuy nhiên sau khi xem xét hồ sơ bán đấu giá và biết đó là tài sản thi hành án (THA), nhiều người lại e ngại, băn khoăn. Nguyên nhân, theo quy định Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014), việc bảo quản tài sản THA được giao người phải THA hoặc người đang sử dụng. Song, nhiều cá nhân, đơn vị phải THADS chống đối, không thực hiện trách nhiệm, làm kéo dài thời gian THA. Đơn cử, Công ty TNHH In và Quảng cáo Trường Hồng (huyện Thủy Nguyên), người phải THADS liên tục có đơn khiếu kiện và đưa ra các thông tin sai lệch về tài sản THA. Do đó, tài sản là máy móc và đất nhà xưởng phải THA của doanh nghiệp này bán đấu giá đến lần thứ 3 mới có Công ty CP cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc (quận Kiến An) mua thành công. Tuy nhiên, Công ty Trường Hồng không cho bên mua trúng đấu giá vào kiểm tra, kiểm kê tài sản. Vì vậy, Cục THADS thành phố huy động lực lượng, cưỡng chế một lần nữa để kê biên, xử lý tài sản và bàn giao cho người mua trúng đấu giá THA, dẫn đến tốn kém nhiều kinh phí, công sức, thời gian giải quyết. Chưa hết, hiện nay, Công ty Trường Hồng còn nợ 500 triệu đồng tiền thuế sử dụng đất, nên Công ty Thanh Phúc chưa thể hoàn thiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất sau khi mua trúng đấu giá tài sản. Vướng mắc của Công ty Thanh Phúc cũng là vướng mắc của một số tổ chức, cá nhân khi mua tài sản qua việc bán đấu giá phục vụ THADS trong thời gian qua trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, một số vụ bán đấu giá tài sản THADS trong năm 2018, nhưng đến nay, ngành THADS chưa giao được tài sản cho người mua vì bên phải THA chống đối quyết liệt. Như vụ anh Phạm Ngọc Tú phải THADS về giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất do Chi cục THADS quận Lê Chân giải quyết; vụ Công ty CP Phát triển tàu thủy Nam Sơn do Chi cục THADS huyện Thủy Nguyên giải quyết cũng chưa thể bàn giao tài sản đã bán đấu giá do đại diện công ty này khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, tài sản THADS thuộc diện “kén” khách hàng như: dây chuyền thiết bị, nhà máy sản xuất thép, khí, tàu biển, nên cơ quan THADS phải tổ chức bán đấu giá nhiều lần mới thành. Năm 2018, một số vụ việc ngành THADS thành phố phải chật vật bán đấu giá tài sản THA đến hàng chục lần mới tìm được người mua. Đơn cử, Cục THADS thành phố tổ chức bán đấu giá tài sản là tàu biển, máy móc của Công ty TNHH MTV vận tải biển Nam Triệu đến 29 lần mới thành; vụ Công ty CP khí công nghiệp Vạn Lợi do Chi cục THADS huyện An Dương thụ lý tổ chức bán đấu giá tài sản đến lần thứ 15. Hiện nay, trong số 21 vụ việc chưa đấu giá thành, một số vụ việc cơ quan THADS các cấp tổ chức bán đấu giá nhiều lần. Như vụ thi hành án về nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với đương sự Phạm Quyết Tiến, ở phường Kênh Dương do Chi cục THADS quận Lê Chân tổ chức bán đấu giá đến lần thứ 16 và vụ Công ty TNHH Minh Châu do Cục THADS thành phố tổ chức bán đấu giá đến lần thứ 6 chưa có người mua…

Tăng cường vận động, thuyết phục

Bán đấu giá tài sản THADS góp phần giải quyết số lượng án phải thi hành, nhưng tồn đọng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là cá nhân, tổ chức phải THADS không hợp tác, chống đối cơ quan THADS. Để khắc phục vấn đề này, Phó cục trưởng Cục THADS thành phố Lương Văn Lịch nhấn mạnh: Mặc dù, cơ quan THADS thành phố nhiều nỗ lực trong công tác bán đấu giá tài sản THA, nhưng mới đạt được kết quả nhất định, nhiều vụ việc kéo dài, phức tạp.

Để khắc phục khó khăn, vướng mắc trên, thời gian tới, ngành THADS thành phố xác định biện pháp quan trọng là đẩy mạnh công tác vận động, thuyết phục đương sự, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương để giải quyết dứt điểm các vụ việc. Đối với những vụ việc bán đấu giá thành, nhưng chưa giao được tài sản do đương sự chống đối quyết liệt, các cơ quan THADS chủ động rà soát, thiết lập hồ sơ chặt chẽ, báo cáo Ban chỉ đạo THADS các cấp để xin ý kiến và kiên quyết tổ chức giao tài sản cho người trúng đấu giá..

Về tâm lý e ngại của bên mua tài sản THA do một phần hoạt động bán đấu giá tài sản THADS chưa công khai, minh bạch. Hiện nay, các thủ tục liên quan đến quá trình bán đấu giá tài sản THADS mới được niêm yết tại nơi tổ chức bán đấu giá hoặc nơi có tài sản bán đấu giá. Vì vậy, theo ông Lương Văn Lịch, thời gian tới, để công tác bán đấu giá tài sản hiệu quả hơn, ngành THADS sớm thiết lập website về bán đấu giá tài sản THADS, để các cá nhân, tổ chức dễ tiếp cận với tài sản bán đấu giá, đồng thời giúp cơ quan THADS nhận phản hồi từ người phải THADS. Mặt khác, với từng cuộc đấu giá tài sản THADS cần thiết phải công khai trình tự, thủ tục trên website để mọi cá nhân, tổ chức kịp thời nắm bắt và tham gia khi có nhu cầu, cũng như giải quyết các vướng mắc phát sinh sau khi mua tài sản THADS. Từ đó, ngành THADS thành phố thúc đẩy việc bán đấu giá tài sản THADS góp phần giải quyết các án tồn đọng, kéo dài.

Bài và ảnh: Bùi Hương

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Vướng mắc trong bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự: Đấu giá hàng chục lần chưa thành
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác