Vườn quốc gia Cát Bà- quyến rũ và bí hiểm

Vườn quốc gia Cát Bà là một trong những điểm đến không thể bỏ qua với nhiều du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài, trong hành trình tham quan, khám phá và trải nghiệm “đảo Ngọc”. Đến đây, du khách có nhiều lựa chọn, tìm hiểu, nghiên cứu hệ sinh thái phong phú, đa dạng, khám phá hệ thống hang động đến trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và ngư dân trên biển.

Khách du lịch nước ngoài chinh phục đỉnh Ngự Lâm, Vườn quốc gia Cát Bà.

Tổng diện tích 15.200 héc-ta, Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà có hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều loài động, thực vật đặc hữu: quần thể cây Và Nước tại khu vực Ao Ếch, khỉ vàng, sơn dương, trăn đất, bìm bịp, chim cu, voọc Cát Bà… Trong đó, voọc Cát Bà là loài linh trưởng hiếm và không bắt gặp ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, chỉ có duy nhất ở VQG Cát Bà. Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, vườn được phép phát triển du lịch song song với hoạt động bảo tồn và nghiên cứu khoa học. Từ số khách tham quan vườn ít ỏi lúc đầu, đến năm 2017, tăng lên gần 60.000 lượt người.

Dù nằm biệt lập nơi đảo xa, nhưng giao thông đến VQG Cát Bà khá thuận lợi. Nếu chọn đường bộ, sau khi trải nghiệm cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam mang tên Đình Vũ- Cát Hải, qua phà Gót, đi thêm khoảng hơn 15 cây số đường men theo bờ biển và xuyên rừng sẽ đến trung tâm VQG Cát Bà. Còn đi tàu cao tốc từ bến Bính đến thị trấn Cát Bà, quãng đường từ cầu cảng tới trung tâm VQG hơn 10 cây số. Đến thăm VQG Cát Bà, du khách có nhiều lựa chọn: du lịch sinh thái rừng, tìm hiểu hệ động thực vật rừng nguyên sinh với các loài linh trưởng đặc hữu hoặc tìm hiểu một số loài côn trùng, bò sát và một số loài thú ăn đêm; khám phá hệ sinh thái vịnh, tùng, áng tại vịnh Lan Hạ, động Trung Trang, động Thiên Long kết hợp lặn ngắm san hô, câu cá, tắm biển, leo núi; du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và ngư dân trên biển; du lịch tình nguyện…

Giám đốc Trung tâm du lịch (VQG Cát Bà) Đặng Văn Luyện cho biết, với du khách, nhất là những người lần đầu đến VQG Cát Bà, để tránh bị lạc, trung tâm khuyến cáo không nên đi vào rừng mà không có hướng dẫn viên du lịch hoặc người dân địa phương dẫn đường. Du khách nên đi theo đường mòn, không tách đoàn rẽ ngang, rẽ dọc. Hiện có 15 tuyến tham quan vườn với mức phí 40.000 đồng/lượt/người lớn và 20.000 đồng/lượt/trẻ em. Đó là các tuyến: Trung tâm vườn- rừng kim giao- đỉnh Ngự Lâm- động Trung Trang; động Trung Trang- hang Uỷ Ban- suối Treo Cơm; tuyến du lịch giáo dục môi trường- động Trung Trang; rừng ngập mặn- động Thiên Long; Khe Sâu- Cái Minh Tự; Việt Hải- Trà Báu; trung tâm vườn- Ao Ếch; Ao Ếch- Việt Hải; trung tâm vườn- Mây Bầu; Mây Bầu- Khe Sâu; Mé Gợ- Mây Bầu; Mây Bầu- Áng De; Trung Trang- Ánh Xum; Ánh Xum- Liên Minh; tuyến xem thú đêm và ngắm chim vào sáng sớm (trung tâm vườn- Đồng Thài Lài- tuyến giáo dục môi trường và Mây Bầu).

Trong các tuyến du lịch kể trên, xa nhất là tuyến Trung tâm Vườn- Ao Ếch- Việt Hải trên 9 km, du khách đi bộ xuyên rừng mất khoảng 5-6 giờ. Tuyến thu hút nhiều du khách nhất là Trung tâm Vườn- rừng kim giao- đỉnh Ngự Lâm- động Trung Trang. Đặc biệt, thăm rừng kim giao, du khách sẽ được hướng dẫn viên du lịch kể về truyền thuyết đẹp như mơ nhưng cũng lắm bi kịch của tình yêu đôi lứa. Chuyện rằng, xưa có một đôi trai tài, gái sắc yêu nhau say đắm nhưng bị đôi bên gia đình ngăn cấm. Để muôn đời, muôn kiếp được ở bên nhau, họ cầu trời, khấn phật cho hoá thành cây kim giao. Tình yêu son sắt của đôi trẻ cảm động đất trời. Từ đó, trên đời có thêm loài cây kim giao. Thời phong kiến, gỗ kim giao được dùng làm đũa để vua chúa kiểm tra xem trong thức ăn có độc hay không.

Thăm VQG Cát Bà, du khách có những giây phút tuyệt vời xa rời công việc, cuộc sống bận rộn hằng ngày, tận hưởng bầu không khí trong lành cùng cảnh quan tươi đẹp. Thú vị nhất dạo bước dưới tán lá cây rừng, thoả thích nghe tiếng chim hót líu lo, vẳng đâu đây tiếng suối chảy róc rách như lời tâm tình, thoang thoảng nơi cánh mũi hương thơm của hoa rừng, vị ngai ngái của cỏ khô hay lá cây hoai mục. Nơi rừng và biển gặp nhau, giữa những cánh rừng hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi, trong lòng mỗi du khách lại dậy lên háo hức cùng khát khao khám phá, chinh phục. Để rồi sau chuyến đi, vẹn nguyên ký ức về thiên đường có thật nơi hạ giới, câu chuyện của cỏ cây, hoa lá cùng những người đời đời gắn bó, giữ gìn, bảo vệ để rừng mãi xanh…

Thái Phan – Báo Hải Phòng ngày 11/06/2018

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More