Giáo dục

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học: Không được ép học sinh đăng kí học thêm

Những ngày qua, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh các trường học liên kết với đơn vị bên ngoài, chèn giờ học thêm, học tăng cường vào thời gian học chính khóa của học sinh. Tuyến bài đã nhận được sự quan tâm của phụ huynh và dư luận xã hội. Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT) về vấn đề này.

Ông Thái Văn Tài khẳng định: Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đã được triển khai nhiều năm qua và được quy định tại nhiều luật, được cụ thể hóa trong các nghị định của Chính phủ.

Trong đó, tại Luật Giáo dục 2019 quy định: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tài sản cho giáo dục… Nếu các lực lượng liên kết có chức năng nhiệm vụ, được quản lý chặt chẽ theo thẩm quyền của các cấp, nội dung đáp ứng yêu cầu đặt ra, thì đây chính là lực lượng đồng hành cùng nhà trường, ngành giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, nhu cầu học tập của học sinh và đang thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục.

Vậy hoạt động dạy tăng cường, dạy liên kết (có thu tiền của phụ huynh) trong trường học đang được quản lí như thế nào, thưa ông?

Để quản lý các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, tăng cường theo nhu cầu người học, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản để các địa phương tổ chức thực hiện theo thẩm quyền quy định: Thông tư 04/2014-TT-BGDĐT ngày 28.2.2014 về ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24.8.2018 về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ tin học…

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23.3.2021 về quản lý trường mầm non và trường phổ thông công lập. Trong đó quy định tại Khoản 2, Điều 6: “Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật“.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT). Ảnh: Bộ GDĐT.

Khoản 3 Điều 7 quy định: Mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương…

Như vậy, hệ thống văn bản về quản lí hoạt động này đã có, và thực tế nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện bài bản, chặt chẽ và tạo hành lang pháp lý để các nhà trường triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Không được chèn môn học/hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Lao Động, hiện các trường, các địa phương thực hiện sắp xếp các tiết học tăng cường, liên kết xen kẽ vào giờ học chính khóa. Điều này có đúng quy định không, thưa ông?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm định hướng khung thống nhất với những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời mở và trao quyền chủ động, trách nhiệm cho địa phương, nhà trường.

Tại nhiều trường, lịch học thêm, học tăng cường chèn vào giờ học chính khoá, làm khó phụ huynh, học sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đối với tiểu học, chương trình quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Để hướng dẫn nhà trường thực hiện, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 7.6.2021 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học.

Theo đó kế hoạch giáo dục của nhà trường phải bảo đảm thực hiện dạy học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn, đảm bảo tổng số tiết/năm học được quy định trong chương trình cấp tiểu học; bố trí thời khóa biểu thực hiện phải có tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh, bảo đảm học sinh được học đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc của chương trình.

Ví dụ, buổi sáng 4 tiết thì kết thúc vào 10 giờ 30; buổi chiều 3 tiết thì kết thúc vào khoảng 15 giờ 30. Đó là những tiết chính khóa mà các trường dù thiết kế thế nào cũng phải dạy hết tất cả các môn học bắt buộc.

Đối với các hoạt động giáo dục củng cố, tăng cường, hoạt động theo nhu cầu người học được tổ chức theo hình thức trải nghiệm, tham quan, hoạt động xã hội, tìm hiểu văn hóa địa phương,… Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể của nhà trường; tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn.

Thời khóa biểu cần được sắp xếp một cách khoa học, bảo đảm công bằng trong tiếp cận, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng học sinh, hợp lí về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, cần phải thực hiện bảo đảm thực hiện hết định mức giờ dạy của giáo viên hiện có để tổ chức dạy học các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn.

Khi đã thực hiện đủ định mức, nhà trường thực hiện khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện để tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu người học và theo các quy định nói trên, như học tiếng Anh với người nước ngoài, tăng cường giáo dục nghệ thuật… Không được ép học sinh tham gia, nhà trường phải thiết kế lịch học theo nhu cầu của từng học sinh, không được chèn môn tự nguyện vào giờ học chính khóa, cần sắp xếp theo nhóm đối tượng, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường, số lượng đăng kí của học sinh từng lớp để tạo điều kiện thuận lợi cho người học, nhưng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các học sinh khác.

Sẽ ban hành văn bản yêu cầu rà soát hoạt động liên kết giáo dục trên cả nước

Rất nhiều phụ huynh phản ánh, họ phải đăng kí học thêm, học tăng cường kiểu “buộc phải tự nguyện”. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Cho dù các văn bản quy định về nội dung liên quan đã được Bộ GDĐT ban hành, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục, công tác quản lí các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có nơi còn lúng túng trong tổ chức thực hiện, có hiện tượng buông lỏng quản lí hoặc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền trách nhiệm, dẫn đến những băn khoăn, lo lắng và tạo ra một số dư luận xã hội không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này, rất cần được chấn chỉnh kịp thời đối với những nơi đang thực hiện chưa đúng các quy định.

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ ban hành văn bản yêu cầu các Sở GDĐT nghiêm túc báo cáo thực trạng quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục tăng cường, ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu của người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông để đánh giá đúng thực trạng, bổ sung các văn bản chỉ đạo để thực hiện đúng và hiệu quả hoạt động này.

Xin cảm ơn ông!

Bích Hà thực hiện

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More