Print Thứ ba, 26/02/2019 16:59

Hiện nay, trên địa bàn thành phố, bà con nông dân đang vào vụ gieo cấy lúa xuân 2019. Tuy nhiên, nhiều gia đình“đỏ mắt” cũng không mượn được thợ cấy dù trả công cao.

 

Thiếu hụt lao động nghề nông

Buổi sáng 21-2, trên cánh đồng đầm Bà Chèo, xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên) đang vào vụ cấy lúa mà vắng hoe, chỉ lác đác một số thợ cấy nhiều tuổi cúi lom khom ra mạ cấy. Tại thửa ruộng 3 sào rộng mênh mông trên cánh đồng này, lác đác vài ba bó mạ để chỏng chơ, một mình bà Hoàng Thị Điều đang “bơi” trong công việc, than thở không biết khi nào mới cấy xong. Bà Điều kể: “Hiện nay, các khu công nghiệp mọc lên liên tục, công việc không thiếu, nên các con tôi cũng như những người trẻ khác ở làng, xã không thiết tha với đồng ruộng. Nhiều nhà phải bỏ hoặc “gạ” cho người khác mượn ruộng”. Vào các vụ lúa, lao động chính chỉ còn là các ông, bà già, người trung niên. Các con bà bảo rằng, 1 tháng lương làm công nhân mua được cả tấn thóc, bằng bố mẹ làm trong cả vụ lúa, nên khuyên ông bà bỏ ruộng, cấy 1 đến 2 sào đủ ăn là được. Nhưng dù trả công cấy lúa cao đến 300 nghìn đồng/người/ngày, nhưng tìm khắp xóm thôn, bà không thuê được thợ cấy. Vì vậy, để kịp thời vụ, mấy ngày nay, bà phải dậy sớm, cấy lúa từ 5 giờ sáng đến tối mịt mới rời khỏi ruộng.

Vào vụ cấy lúa xuân, trên cánh đồng xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên) vắng hoe người vì thiếu thợ cấy.

Mấy ngày nay, bà Lê Thị Hào, ở xóm Tây, cùng xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên) cũng đứng ngồi không yên vì không thể nào tìm mượn được thợ cấy lúa, trong khi lịch cấy phải đúng thời vụ đến hết tháng 2-2019 hoàn thành. Bà Hào cho biết, nhà bà có 7 sào ruộng, 5 người con đều làm ở Khu công nghiệp VSIP Thủy Nguyên, chỉ còn vợ chồng ông bà làm ruộng. Ông bà còn phải trông cháu nhỏ hơn 1 tuổi, nên hai người thay phiên nhau ra đồng nhổ mạ, cấy lúa. Năm trước, bà Hào còn thuê được thợ cấy từ xã Gia Minh (huyện Thủy Nguyên) đến cấy thuê. Bà lưu lại số điện thoại của thợ cấy, nhưng năm nay, khi gọi điện thoại mượn tiếp, họ từ chối vì đi làm công ty giày da. Không đành để ruộng bỏ hoang, mấy ngày nay, bà Hào cứ túc tắc một mình vừa nhổ mạ vừa cấy lúa.

Nhiều nơi, vì không có người làm nông nghiệp, nên nhiều hộ dân đành bỏ hoang ruộng. Chủ tịch UBND xã An Lư (huyện Thủy Nguyên), Nguyễn Minh Thuận cho biết, địa phương đang có tình trạng này, mặc dù sau khi thu hồi phục vụ dự án Khu công nghiệp VSIP, diện tích đất nông nghiệp không còn nhiều. Cả khu cánh đồng Sáu Phiên của xã rộng vài ha bị bỏ hoang vì thanh niên đổ xô vào khu công nghiệp này làm do có thu nhập cao hơn nhiều so với làm ruộng.

“Đỏ mắt” tìm không ra thợ cấy cũng là tình trạng chung ở các huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy hiện nay. Càng những nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp càng thiếu lao hụt lao động trẻ làm nông nghiệp.

 

Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ việc canh tác

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp thành phố đầu tư mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng, đưa các loại máy làm đất, máy gặt, máy gieo sạ… vào sản xuất nông nghiệp, để giảm nhẹ vất vả và khắc phục tình trạng thiếu lao động. Tuy nhiên, chủ yếu mới tập trung vào một số khâu như gặt, làm đất, còn việc đưa máy cấy vào đồng đất của thành phố còn khá ít. Trong khi đó, theo xu thế chung, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu hụt, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến diện tích cấy lúa ngày càng giảm. Theo dự kiến của ngành Nông nghiệp, diện tích trồng lúa vụ xuân năm 2018-2019 trên địa bàn thành phố hơn 33 nghìn ha, giảm gần 2.000 ha so với vụ mùa 2017.

Bên cạnh đó, do địa hình đồng ruộng cao, thấp không đều, nhiều địa phương khó thực hiện gieo sạ mạ thay cấy lúa. Chủ nhiệm Hợp tác xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) Vũ Duy Tích cho biết, địa phương có 600 ha đất nông nghiệp, rộng nhất so với các xã trong huyện Vĩnh Bảo. Đáp ứng việc phát triển cánh đồng mẫu lớn, nên thời gian qua, một số tư nhân đầu tư máy cấy lúa vào sản xuất. Song, do đồng đất không đều, nhiều vùng trũng sâu, cấy lúa bằng máy không bảo đảm yêu cầu, lúa thường chết. Hiện, việc cấy lúa vẫn dựa vào sức người là chính. Vì vậy, rất mong có được máy cấy phù hợp với mọi đồng đất. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão) Hoàng Văn Thúy, đồng đất nông nghiệp của thị trấn bằng phẳng, hiện có 1 tổ hợp tác của tư nhân đầu tư 4 máy cấy phục vụ người dân trên địa bàn, và các xã lân cận. So với nhu cầu, số máy cấy này chưa đủ. Tuy nhiên, giá máy cấy tới 500 triệu đồng/chiếc, thành viên tổ hợp tác không đủ lực đầu tư thêm..

Trước thực tế trên, việc cơ giới hóa vào đồng ruộng, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp cần được đầu tư mạnh hơn và triển khai đồng bộ trên địa bàn thành phố. Chủ tịch Hội nông dân huyện Thủy Nguyên, Ngô Minh Tâm cho biết, theo Đề án nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND thành phố, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, gieo cấy hơn 80%, phun thuốc bảo vệ thực vật 100%, thu hoạch 100%. Thành phố, các huyện quan tâm đầu tư, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng và có những chính sách hỗ trợ vay vốn đến bà con đầu tư máy cấy. Đồng thời, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các hộ dân chủ động đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, nhất là máy cấy lúa, không chỉ giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động mà quan trọng hơn, góp phần nâng cao hiệu quả và giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp.

Bùi Hương – Báo Hải Phòng 

 

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Vụ lúa xuân 2019: Khan hiếm lao động cấy lúa
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác