Chuyện một thanh niên phô bày cơ thể đầy hình xăm, phát ngôn tục tĩu, ngang nhiên dàn hàng ngang trên đường cao tốc chụp ảnh, đăng công khai video trên mạng xã hội (MXH) cảnh đánh bạc, vác mã tấu rượt đuổi, đâm chém nhau trên phố… là những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Thế nhưng, những đoạn video, hình ảnh này lại được giới trẻ tung hô, lượng người theo dõi lên đến hàng triệu lượt. Đây là điều hết sức kỳ quặc.
Phát tán thông tin phạm pháp công khai
Đối tượng này vừa bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi dàn hàng ngang trên đường cao tốc để… chụp ảnh. Khi xảy ra sự cố trên, cái tên “Khá Bảnh” (Ngô Bá Khá) trở thành từ khóa hot trên mạng của giới trẻ và trên YouTube, tài khoản Khá Bảnh có nhiều thông tin, hình ảnh bạo lực lại thu hút rất nhiều người theo dõi.
Cần phải khẳng định rằng những hình ảnh, video bạo lực trên YouTube của Khá Bảnh và một số tài khoản khác là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng cần phải xử lý, đồng thời truy cứu trách nhiệm của các đơn vị cung cấp trên MXH (Facebook, YouTube). Dù chủ sở hữu hầu hết các trang MXH này ở nước ngoài nhưng về nguyên tắc, muốn hoạt động tại Việt Nam phải chịu sự quản lý của nhà nước Việt Nam. Đồng thời, tất cả thông tin được đăng tải trên các trang này đều phải tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam.
Ngô Bá Khá, tức Khá Bảnh (thứ 4 từ trái sang) cùng bạn bè dừng xe dàn hàng ngang chụp hình trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mới đây (Ảnh từ Facebook của Khá Bảnh)
Ngoài việc giới trẻ hâm mộ, xem những đối tượng này là thần tượng theo nhận thức lệch lạc thì cũng cần đặt ra vấn đề trách nhiệm của các đơn vị quản lý MXH. Các chủ thể này không thể vô can khi để xảy ra hành vi phát tán thông tin, hình ảnh phạm pháp một cách công khai.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các hành vi bị nghiêm cấm đưa lên MXH gồm: kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc và các hành vi khác xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc… Các hành vi bị nghiêm cấm này được quy định tại Luật Công nghệ thông tin 2006, Luật Viễn thông 2009, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 23/2013/TT-BTTTT, Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Mới đây nhất là Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, tại điểm đ, điểm e, khoản 1 điều 8 quy định rất chi tiết về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng.
Mức phạt chưa đủ răn đe
Quy định này áp dụng cho cả người sử dụng MXH và đơn vi cung cấp dịch vụ MXH. Cụ thể, tại điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về “Vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MXH” với mức phạt từ 30 đến 50 triệu đồng nếu “Không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm quy định pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Đối với người sử dụng MXH, nếu có các hành vi bị nghiêm cấm trên… hoặc miêu tả tỉ mỉ, chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn sẽ bị xử phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Ngoài hình thức xử phạt tiền, cơ quan chức năng còn có thể áp dụng hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ có thời hạn giấy phép hoạt động, buộc tháo gỡ các hình ảnh, thông tin vi phạm.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã xử phạt một số trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật khi đưa thông tin bị nghiêm cấm lên MXH. Tuy nhiên, số lượng xử phạt chẳng đáng là bao so với số lượng vi phạm. Hiện nay, trên MXH, nhất là kênh YouTube, tràn ngập các hình ảnh, video hoặc thông tin phản cảm, kích động, thậm chí tổ chức đường dây mua bán dâm, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ… Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức lệch lạc của giới trẻ mà còn làm cho quy định pháp luật không được thực thi nghiêm túc. Vì vậy, cơ quan chức năng cần yêu cầu các trang MXH, nhất là Facebook và kênh YouTube, khóa vĩnh viễn các tài khoản đăng tải hình ảnh, thông tin thuộc trường hợp bị nghiêm cấm. Nếu các đơn vị quản lý các trang MXH không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng thì cần rút giấy phép hoặc cấm hoạt động tại Việt Nam theo quy định.
Cơ quan công an vẫn đang giám sát chặt chẽ MXH. Hiện Luật An ninh mạng đã có hiệu lực, nếu xác minh được đối tượng vi phạm pháp luật thì sẽ xử lý theo quy định.
Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an
Sẽ chặn kênh cung cấp nếu có căn cứ
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về trường hợp Khá Bảnh, một lãnh đạo của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT-TT) cho biết khi cơ quan chức năng quản lý về văn hóa kết luận hành vi của Khá Bảnh là lệch chuẩn văn hóa, vi phạm các quy định pháp luật thì các cơ quan chức năng của Bộ TT-TT sẽ phối hợp với YouTube để hạn chế, chặn các kênh của Khá Bảnh. Tuy nhiên, phải có căn cứ chứng minh và kết luận vi phạm của ngành văn hóa hay bên cơ quan bảo vệ trẻ em của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Theo vị lãnh đạo này, trong nghị định sửa đổi quy định về quản lý nghệ thuật biểu diễn mà Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch dự kiến xây dựng dự thảo sẽ có quy định thêm về việc phát ngôn, các hành vi ứng xử của những người nổi tiếng trên MXH.
T.Dũng
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More