Tối 24/4, vở kịch nói “Lời thề thứ 9” thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng chính thức lên sóng truyền hình trực tiếp phục vụ khán giả.
Tới dự chương trình tại Nhà hát lớn thành phố có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cùng các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị và rất đông khán giả thành phố.
Vở kịch “Lời thề thứ 9” là một trong những vở kịch cuối cùng của cố nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, được dàn dựng bởi ekip do NSƯT Lê Dũng làm đạo diễn, qua phần diễn xuất của các nghệ sĩ diễn viên Đoàn Kịch nói Hải Phòng, cùng sự tham gia của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, như: NSND Lê Khanh, NSƯT Đức Khuê, nghệ sĩ Thu Quỳnh…
Đây là tác phẩm kinh điển, nổi tiếng có nội dung về lý tưởng, tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân, hừng hực bầu máu nóng vì bảo vệ đất nước, mong muốn người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong 10 lời thề của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam, lời thề thứ 9 nói về mối quan hệ quân dân “Bộ đội phải kính trọng, giúp đỡ, bảo vệ dân”. Khi nghe tin ông Thịnh, cha của chiến sĩ Xuyên đang chiến đấu bảo vệ biên giới, bị Chủ tịch UBND xã Quách Văn Tuần bắt giam dưới hầm tại trụ sở UBND xã, Xuyên cùng hai chiến sĩ là Hiến và Đôn, nhân được hưởng 3 ngày phép vì có thành tích chiến đấu dũng cảm diệt địch trong trận vừa qua, định kéo nhau về xã “hỏi tội” ông Tuần và giải thoát cho cha Xuyên. Nhưng vì không có tiền làm lộ phí và cứu đói cho gia đình, các chiến sĩ nghĩ cách đón đường trấn lột mấy tay buôn lậu ở biên giới. Trớ trêu thay, họ lại trấn lột nhầm ông Hà, Chủ tịch UBND tỉnh, đi lên đơn vị thăm con chính là chiến sĩ Hiến. Việc bị lộ, trung đoàn hạ lệnh bắt giam. Nhờ Vân, người yêu của Hiến ở cơ quan trung đoàn bộ báo tin, 3 chiến sĩ “vọt” luôn về xã.
Ở xã, bà mẹ của Xuyên đã cùng Cúc, con dâu tương lai đi gõ cửa khắp nơi để giải oan cho chồng. Nhưng xã chỉ huyện, huyện chỉ lên tỉnh, tất cả đều im lìm. Cuối cùng, người cứu ông Thịnh chính là 3 chiến sĩ đã đến tận trụ sở ủy ban giải thoát cho ông và bắt ông Tuần thay thế vào hầm tối. Mặc dù được cứu thoát nhưng vợ chồng ông Thịnh vẫn lo lắng. Họ mắng 3 chiến sĩ và bắt phải quay về đơn vị ngay. Cùng lúc ấy, phái đoàn truy lùng cũng vừa đến nơi. Các chiến sĩ phải ẩn vào khu nhà truyền thống xã để phòng thủ. Họ kiên quyết không ra khi ông Tuần chưa bị trị tội. Bao nhiêu lời răn đe, hăm dọa, thuyết phục của Chủ tịch UBND tỉnh, của thủ trưởng trung đoàn đều không lung lay được họ. Chỉ đến khi người mẹ cất tiếng gọi, họ mới ngoan ngoãn đi ra. Bên người mẹ Việt Nam bao dung, nhân hậu, họ cúi đầu nhận lỗi.
Tác phẩm được sáng tác vào năm 1986, lần đầu ra mắt công chúng yêu nghệ thuật vào năm 1988. Tác phẩm đã được nhận giải thưởng về đề tài chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng năm 1995. Sau ngần ấy năm, giá trị mà “Lời thề thứ 9” mang lại sẽ vẫn còn vẹn nguyên. Qua phần biểu diễn của ekip thực hiện, vở kịch phù hợp hơn với đời sống ngày hôm nay và như tiếng chuông báo động sự vô cảm giữa người với người, một vấn nạn vốn vẫn còn rất nhiều nan giải trong xã hội.
Hồng Nhung/Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng