Như tin đã đưa, Đại tướng Lê Đức Anh – nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã từ trần vào hồi 20 giờ 10 phút, ngày 22-4-2019 tại Hà Nội. Tang lễ đồng chí Lê Đức Anh tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 3 và 4-5-2019…
Đại tướng Lê Đức Anh – nguyên Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam (ảnh – TTXVN)
Đại tướng Lê Đức Anh sinh năm 1920 ở Thừa Thiên – Huế và tham gia cách mạng năm 1937 khi mới 17 tuổi, ông gia nhập Đảng năm 1938.
Từ tháng 8-1945 đến 1948, ông gia nhập quân đội, giữ các chức vụ từ trung đội trưởng đến chính trị viên tiểu đoàn, Chi đội 1 và Trung đoàn 301. Trên cương vị là một cán bộ chỉ huy, ông luôn thể hiện bản lĩnh, sự năng động và linh hoạt của tuổi trẻ, đã cùng với tập thể ban chỉ huy vạch ra phương hướng hoạt động cho đơn vị sát đúng, kịp thời trong bối cảnh tình thế đất nước ta “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài.
Với tài năng quân sự thiên bẩm của mình, từ tháng 10-1948 đến năm 1950, ông lần lượt được giao đảm trách cương vị Tham mưu trưởng các Khu 7, Khu 8 và Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn, là những chiến trường chống thực dân Pháp cam go quyết liệt nhất ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Tài năng quân sự của ông ngày càng sáng tỏ theo thời gian và được thực tế chiến trường kiểm nghiệm.
Từ năm 1951 đến 1954, ông được đề bạt giữ cương vị và trọng trách cao hơn Tham mưu phó, rồi quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Chiến trường Nam Bộ những năm 1951 – 1954 dưới sự chỉ huy của ông và tập thể Bộ Tư lệnh đã thật sự trở thành một chiến trường đầy sôi động, chia lửa đắc lực cho chiến trường chính Bắc Bộ với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần đưa sự nghiệp chống thực dân Pháp của quân và dân ta toàn thắng.
Sau ngày Hiệp định Geneve, ông tập kết ra Bắc, với kinh nghiệm trận mạc và kiến thức sâu rộng về tổ chức lực lượng vũ trang, từ tháng 5-1955 đến năm 1963, ông được bổ nhiệm giữ chức Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Từ tháng 8-1963 đến đầu năm 1964, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trên các cương vị mới này, ông tận tâm, tận lực với công việc mới mẻ và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng chính quy hiện đại những năm miền bắc hòa bình (1954 – 1964).
Đầu năm 1964 đến năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, là người giàu kinh nghiệm trên chiến trường miền nam, ông được Đảng cử quay lại chiến trường lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh với bí danh Sáu Nam, giữ chức Tham mưu trưởng, rồi Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam.
Ông cùng với các đồng chí trong Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền lãnh đạo, chỉ huy quân và dân miền nam xây dựng, củng cố vững chắc niềm tin dám đánh, dám thắng Mỹ; góp phần vào đánh bại các cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, 1966-1967 và đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 giành thắng lợi bước ngoặt, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền bắc, ngồi vào bàn đàm phán, từng bước rút quân.
Do yêu cầu thực tiễn chiến trường sau chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9 từ năm 1969 đến năm 1974. Dưới sự chỉ huy của ông và tập thể Bộ Tư lệnh, thực lực cách mạng Tây Nam Bộ từng bước được khôi phục và phát triển, hệ thống căn cứ địa được củng cố; lực lượng vũ trang quân khu phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác kiên cường trụ bám địa bàn, đánh địch chia lửa chiến trường cùng quân và dân cả nước.
Cuối năm 1974 đến năm 1975, ông được điều trở lại làm Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam (Đoàn 232) đánh vào Sài Gòn. Miền nam được giải phóng hoàn toàn, Sài Gòn giữ được gần như nguyên vẹn, sự nghiệp chống Mỹ của dân tộc ta giành toàn thắng đã phần nào ghi nhận những công lao của mỗi người Việt Nam yêu nước, trong đó có tên tuổi của ông.
Sau ngày Tổ quốc thống nhất, từ tháng 5-1976 đến năm 1985, ông lần lượt giữ các chức vụ Tư lệnh Quân khu 9, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7; Chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng tại Mặt trận Tây Nam; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh quân tình nguyện, Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban lãnh đạo chuyên gia Việt Nam tại Campuchia.
Từ tháng 12-1986 đến năm 1991, ông được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng, sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1992, ông được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam bầu vào chức vụ Chủ tịch nước ( ông từng là Ủy viên Trung ương khóa IV đến khóa VIII, Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa V đến khóa VIII).
Trải qua 82 năm, gần trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng, với Đảng, với quân đội và nhân dân, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Từ buổi đầu tiên tham gia cách mạng đến khi về cõi vĩnh hằng, đã kinh qua nhiều cương vị công tác, nhưng dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào ông luôn giữ trọn khí tiết của người chiến sỹ cách mạng, mãi mãi xứng đáng là người cộng sản kiên cường, nhà quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Lễ viếng đồng chí Lê Đức Anh bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ, Lễ truy điệu từ 11 giờ ngày 3-5-2019, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông – Hà Nội. Lễ an táng từ 17 giờ cùng ngày 3-5-2019 tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, tại Hội trường Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Lê Đức Anh. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong hai ngày Quốc tang (ngày 3-5 và ngày 4-5-2019), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Hoàng Minh