Vingroup kỳ vọng biến giấc mơ ôtô Việt mang đẳng cấp quốc tế thành hiện thực
Ngày 14-6, tại KCN Đình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng), Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast – Tập đoàn Vingroup khánh thành nhà máy sản xuất ôtô, chính thức bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Với 21 tháng xây dựng và hoàn thiện thần tốc, nền công nghiệp ôtô được cho là đã tiến lên nấc thang mới: tự chủ sản xuất và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu dưới thương hiệu Việt.
“Make in Vietnam”
Tới dự và cắt băng lễ khánh thành có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; ông Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cùng nhiều lãnh đạo Đảng, nhà nước, các bộ – ngành và TP Hải Phòng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Cách đây khoảng 22 tháng, cái tên VinFast chưa hề được nói đến trong từ điển Wikipedia, mọi thứ gần như chỉ là con số 0. Hôm nay, tìm trên Google, từ khóa VinFast xuất hiện đến hơn 8,8 triệu kết quả. Báo chí, giới phân tích, cộng đồng mạng, các chuyên gia và đặc biệt là người dân thường xuyên nói về VinFast”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy lắp ráp ôtô VinFast sáng 14-6 Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Bày tỏ sự ngạc nhiên, khâm phục người chỉ huy, đội ngũ xây dựng nhà máy với những kết quả đạt được chỉ sau đúng 650 ngày kể từ lễ khởi công hồi tháng 9-2017, Thủ tướng đánh giá sự thần tốc của VinFast chứng tỏ khát vọng lớn và ngọn lửa nhiệt huyết cháy bỏng trong những con người chung tay góp trí làm nên dự án có thể gọi là kỳ tích của ngành ôtô Việt Nam cũng như trên thế giới.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, thừa nhận tập đoàn này đã công bố những mục tiêu vô cùng “thách thức” nhưng đều hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch 3 tháng. Chưa đầy 2 năm như dự kiến, Vingroup đã hoàn tất việc xây dựng, lắp đặt nhà xưởng, đồng thời ra mắt những chiếc ôtô Việt đẳng cấp quốc tế. Công suất thiết kế giai đoạn 1 là 250.000 xe/năm, giai đoạn 2 là 500.000 xe/năm, tốc độ sản xuất 38 xe/giờ. “Đây còn là dấu ấn quan trọng của ngành công nghiệp ôtô trong nước – chính thức khánh thành và đưa vào vận hành toàn bộ nhà máy sản xuất ôtô “make in Vietnam” đầu tiên” – ông Quang không giấu niềm tự hào.
Tổ hợp sản xuất ôtô diện tích hơn 500.000 m2 của VinFast được đánh giá đáp ứng xu thế công nghệ 4.0 với chu trình sản xuất hoàn thiện, đồng bộ và tự động hóa cao hàng đầu quốc tế. Trong đó, có 6 nhà xưởng gồm: xưởng dập, xưởng hàn thân vỏ, xưởng sơn, xưởng động cơ, xưởng phụ trợ và xưởng lắp ráp. Các xưởng được kết nối liên hoàn và tự động hóa với hàng ngàn robot ABB, trang bị hệ điều hành sản xuất thông minh Siemens và SAP mang lại hiệu suất tối ưu. Đặc biệt, VinFast khẳng định được vị thế của một nhà sản xuất ôtô độc lập duy nhất của Việt Nam khi làm chủ được các công đoạn cốt lõi, tự sản xuất những cấu phần chính như thân vỏ, động cơ… Đồng thời, có năng lực tự dập các tấm lớn và khả năng gia công, sản xuất động cơ tại chỗ theo tiêu chuẩn cao của châu Âu. VinFast còn lập kỳ tích mới trên thị trường ôtô với 10.000 đơn đặt hàng trước khi có xe thực tế 1 năm.
Xuất hiện “sếu đầu đàn”
Chỉ cách nay vài năm, cái nhìn về ngành công nghiệp ôtô còn vô cùng bi quan khi tỉ lệ nội địa hóa thấp, kỳ vọng về những chiếc xe thuần Việt rất xa vời. Hiện nay, với cuộc đua đầu tư mạnh mẽ, kiên trì và thực chất vào sản xuất của một số doanh nghiệp (DN) Việt như Trường Hải và Hyundai Thành Công cùng sự ra đời của VinFast, bức tranh công nghiệp ôtô dần sáng sủa và đem lại nhiều kỳ vọng.
Tại hội thảo trong khuôn khổ “Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về phương tiện giao thông, vận tải và công nghiệp phụ trợ 2019” tổ chức trước đó một ngày, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, nhấn mạnh ngành công nghiệp sản xuất xe hơi không thể thành công nếu không có được mạng lưới công nghiệp phụ trợ hoàn hảo. “Có thể ví von mô hình này với hình ảnh “đàn sếu bay”. Khi đó, các nhà sản xuất ôtô được coi là “sếu đầu đàn”, hàng trăm nhà cung cấp linh kiện là những “con sếu” phía sau xếp thành một đội hình hoàn chỉnh, tạo ra một nền công nghiệp bền vững” – ông Huệ nói và nhận xét rằng thời gian qua, tỉ lệ nội địa hóa còn thấp, ngành công nghiệp phụ trợ phát triển chưa tương xứng với quy mô.
VinFast tuy sinh sau đẻ muộn nhưng được đánh giá cao bởi xây dựng được hệ sinh thái khép kín hoàn chỉnh, tự chủ với tầm nhìn và chủ trương phát triển đồng bộ ba lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến việc xây dựng ngành công nghiệp ôtô, xe máy và công nghiệp hỗ trợ bao gồm: nghiên cứu – phát triển (R&D) và đào tạo nguồn nhân lực; sản xuất lớn và hiện đại; phát triển khu công nghiệp phụ trợ ngay trong tổ hợp nhà máy VinFast. VinFast cũng là DN đầu tiên mạnh dạn đầu tư trực tiếp vào các dòng xe được cho là đẳng cấp, tinh tế thay vì chiến lược “đi từ cồng kềnh” (sản xuất các dòng xe tải, xe buýt trước xe con – PV) như nhiều DN khác. Giới chuyên gia đánh giá việc tập trung cho R&D các sản phẩm mới, có hàm lượng công nghệ cao sẽ giúp rút ngắn thời gian, thậm chí nhanh chóng đi ngang với các quốc gia phát triển trong một số lĩnh vực như: xe điện, điện tử, công nghệ thông minh…
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), đánh giá VinFast đã có bước phát triển quan trọng khi đã tự mình sản xuất được cả “cụm”, thay vì chia sẻ miếng bánh béo bở cho nước ngoài. Thậm chí, nếu thành công, sẽ có những DN nước ngoài di chuyển sang làm cho Việt Nam. Bước phát triển này cũng rất kịp thời bởi khi dư địa ưu đãi cho ngành công nghiệp ôtô về đất đai, thuế, tín dụng… đã và sắp đến ngưỡng hết, nếu không có DN phát triển thì DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ hưởng toàn bộ. “Trong khi Toyota đã tính toán sản xuất 60.000 bộ linh kiện tại Việt Nam là có lãi thì ta vẫn chưa tính xong. Người dân mua xe nhập khẩu ASEAN lợi hơn mua xe lắp ráp trong nước. Từ đó, dẫn đến lo ngại mở cửa càng nhanh thì càng khó cho công nghiệp hỗ trợ. Để tạo thêm động lực, nhà nước phải kích hoạt cho DN nội hứng khởi thông qua hỗ trợ tối đa, huấn luyện sản xuất linh kiện đáp ứng được yêu cầu, nếu không lợi thế rơi cả vào tay nước ngoài” – ông Lạng nói thêm.
Xóa điểm nghẽn từ chính sách
Từ bài học phát triển thần tốc của VinFast, các chuyên gia cũng đặt vấn đề cần chính sách trợ lực để có nhiều DN nữa thành công trong ngành. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nhận xét chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô đã khá đầy đủ và triển khai khá tích cực nhưng tỉ lệ nội địa hóa chưa chuyển biến nhiều như kỳ vọng của Chính phủ. Nguyên nhân là do còn thiếu chính sách đột phá cùng những đòi hỏi ràng buộc mạnh mẽ với DN FDI. “Chẳng hạn như với Toyota, câu hỏi đặt ra là họ đã tính kết nối với các DN ra sao hay chỉ tính việc sản xuất, tiêu thụ cho họ? Bao nhiêu phần trăm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do Toyota sản xuất tại Việt Nam có thể hỗ trợ lắp ráp các hãng xe khác thay vì chỉ lắp ráp nhãn hiệu Toyota?” – ông Quyền nêu.
Số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cho thấy sản phẩm nội địa hỗ trợ cho ngành ôtô Việt Nam còn rất yếu. Chỉ có 17% linh kiện sản xuất inhouse (do các hãng tự sản xuất theo ý tưởng, thiết kế riêng); 9,5% mua từ DN khác sản xuất tại Việt Nam và phần lớn còn lại là nhập khẩu. Các chuyên gia đánh giá ngành công nghiệp hỗ trợ gặp phải điểm nghẽn là quy mô thị trường còn nhỏ, dẫn đến rất ít nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam. Vì vậy, tăng quy mô thị trường, cả trong nước và xuất khẩu, là một trong những điều kiện cần để phát triển ngành này, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm cạnh tranh được với nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu.
Kêu gọi phát triển công nghệ
Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ngồi thử xe dòng SUV Lux 2.0 tại bãi test xe do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng cầm lái.
Thủ tướng cho rằng sự thành công của VinFast có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế. Tăng thu từ VinFast năm nay của Hải Phòng là 8.000 tỉ đồng và dự kiến năm 2020 là trên 15.000 tỉ đồng. Từ đó, Thủ tướng kêu gọi các DN Việt Nam, nhất là DN có tiềm lực tài chính, đầu tư phát triển công nghệ, công nghiệp. Bởi lẽ, công nghệ và công nghiệp chính là câu trả lời cho sự phát triển bền vững của đất nước và bản thân DN.
Vài ngày tới bàn giao xe
Sau lễ khánh thành, VinFast sẽ tổ chức bàn giao những chiếc xe đầu tiên, vượt tiến độ cam kết với khách hàng khoảng 2 tháng. Cụ thể, sản phẩm VinFast Fadil sẽ được bàn giao từ ngày 17-6, trong khi Lux A2.0 và Lux SA2.0 sẽ được giao vào cuối tháng 7. VinFast đang tiếp tục khẩn trương thiết kế, dự kiến sẽ ra mắt 12 mẫu ôtô và xe máy điện ngay trong năm 2019 và năm 2020.
Trọng Đức – Thùy Dương