Ngoài việc lần đầu tiên tham gia vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, Vingroup đã gây bất ngờ khi tuyên bố VinBus sẽ vận hành theo mô hình phi lợi nhuận. Ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ thông tin về dự án này.
Tiên phong cung cấp dịch vụ vận tải thông minh
– Thưa ông, lý do gì Vingroup quyết định tham gia vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, không liên quan gì đến các ngành kinh doanh truyền thống của Tập đoàn là vận tải hành khách?
Động lực lớn nhất thôi thúc Vingroup tham gia cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng chính là nhu cầu bức thiết của xã hội, đặc biệt là các đô thị lớn, về một giải pháp giao thông vừa giúp giải quyết tình trạng ách tắc, vừa giảm thiểu ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Đây là hai vấn đề mà các thành phố lớn của Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt.
Với sứ mệnh “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt” mà Tập đoàn theo đuổi, Vingroup xác định cần chung tay cùng cả xã hội giải quyết bài toán giao thông đô thị và ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Xe buýt điện chính là giải pháp tốt nhất ở thời điểm hiện tại, khi có thể cùng lúc giảm ùn tắc giao thông mà lại không phát thải khí CO2 gây hại cho môi trường và không gây tiếng ồn.
Việc cung cấp dịch vụ xe buýt điện tích hợp các giải pháp thông minh cũng phù hợp với chiến lược phát triển trọng tâm vào lĩnh vực công nghiệp – công nghệ mà Vingroup đã đề ra. Theo đó, ngay từ khi bắt đầu tham gia sản xuất ô tô – xe máy với dự án VinFast, chúng tôi đã xác định mục tiêu sẽ phát triển và phổ biến các dòng xe chạy điện thân thiện với môi trường, từng bước thay thế xe chạy xăng. Việc thành lập VinBus và cung cấp dịch vụ xe buýt điện cũng nằm trong chiến lược tổng thể đó.
– Vậy việc thành lập VinBus có phải là để giải quyết đầu ra cho mảng sản xuất xe buýt điện của công ty VinFast không, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, mục đích đầu tiên, quan trọng nhất thôi thúc Vingroup thành lập Công ty VinBus là nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, chung tay giải quyết những vấn đề chung của xã hội. Trong giai đoạn đầu, VinBus dự kiến sẽ đưa vào vận hành 3.000 xe buýt điện do VinFast sản xuất. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, với công suất nhà máy xe buýt điện lên đến 20.000 chiếc/năm, VinFast sẽ không chỉ phục vụ cho một khách hàng duy nhất là VinBus, mà hướng đến sẽ cung cấp xe cho nhiều đơn vị kinh doanh vận tải khác, qua đó góp phần tạo ra một mạng lưới giao thông “xanh”, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, VinFast cũng có định hướng sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu xe buýt điện đi khắp thế giới.
Như vậy, tiên phong cung cấp dịch vụ vận tải thông minh, hiện đại, góp phần hình thành thói quen sử dụng giao thông công cộng, kiến tạo một môi trường sống trong lành hơn cho người Việt mới là mục tiêu cuối cùng của VinBus.
Hoạt động theo mô hình hoàn toàn phi lợi nhuận
– Ông có thể cho biết một số điểm khác biệt của VinBus so với các công ty vận tải hành khách truyền thống?
Đầu tiên, VinBus là công ty vận tải hoạt động theo mô hình hoàn toàn phi lợi nhuận. Theo đó, 100% lợi nhuận thu được sẽ được tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ thống và mở rộng địa bàn, qua đó giúp cho ngày càng nhiều người dân được hưởng lợi từ dịch vụ giao thông công cộng văn minh, hiện đại. Mô hình này đã được áp dụng thành công tại Vinschool và Vinmec, được khách hàng đánh giá cao và tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Hướng tới xây dựng mạng lưới giao thông công cộng “xanh” và an toàn, VinBus sẽ sử dụng 100% xe buýt điện do VinFast sản xuất, giúp mang tới trải nghiệm mới mẻ, đẳng cấp cho khách hàng. So với các phương tiện sử dụng nhiên liệu truyền thống, xe buýt điện có khả năng vận hành êm ái, không rung lắc, không khói bụi, không tiếng ồn, không có mùi xăng dầu, giúp giảm cảm giác say xe cho hành khách. Quan trọng hơn, một loạt công nghệ an toàn tiên tiến mà VinFast dự kiến trang bị cho các dòng xe buýt điện của mình như ABS, EBD, BA, hệ thống chống va chạm, phanh đĩa sau… cùng chất lượng được đảm bảo bởi đối tác uy tín Siemens cũng sẽ giúp người dân an tâm hơn khi sử dụng dịch vụ của VinBus.
Ngoài ra, VinBus dự kiến sẽ áp dụng hình thức thu vé tự động qua VinID, cùng nhiều tiện ích thông minh khác, vừa giúp tiết kiệm chi phí nhân lực, vừa mang đến trải nghiệm văn minh, hiện đại cho người dân.
– Ngoài 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ, VinBus có kế hoạch mở rộng hoạt động ra các tỉnh thành khác không, thưa ông?
Theo kế hoạch, VinBus sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ vận tải từ tháng 3/2020 tại 5 thành phố lớn, là những nơi có nhu cầu bức thiết nhất về giao thông công cộng ở thời điểm hiện tại.
Với mô hình kinh doanh phi lợi nhuận và sứ mệnh phụng sự xã hội, việc mở rộng địa bàn hoạt động đã nằm trong lộ trình phát triển của VinBus. Thông qua VinBus, Tập đoàn Vingroup muốn đóng góp một phần công sức của mình cùng xã hội giải quyết các vấn đề chung, trước mắt là tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí, tiếng ồn tại đô thị, xa hơn là góp phần kiến tạo một môi trường sống trong lành, tiện nghi, đẳng cấp, mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam.
– Xin cảm ơn ông!
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More