Ngày 15/10 vừa qua tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khai trương mạng 5G. Đây là sự kiện kỷ niệm 20 năm kinh doanh dịch vụ di động và chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Như vậy, Viettel là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G chính thức tại Việt Nam.
Tham dự sự kiện có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đồng chí Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đồng chí Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước. Về phía Viettel có đồng chí Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn; các đồng chí nguyên lãnh đạo Tập đoàn các thời kỳ, các Tổng công ty, Công ty và cán bộ, nhân viên Viettel đại diện cho các đơn vị phòng, ban, trung tâm.
Chính thức ra mắt chỉ sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz, mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng tại 63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học. Mạng 5G Viettel tốc độ có thể đạt từ 700Mbps-1Gb, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0. Mạng 5G Viettel triển khai đồng thời 5G trên cả 2 nền tảng kiến trúc 5G NSA (non stand alone) và 5G SA (stand alone).
Mạng 5G NSA được Viettel triển khai thành công năm 2019, tuy nhiên, 5G SA mới là mạng 5G thực sự và độc lập hoàn toàn so với công nghệ 4G hiện tại. So với mạng 5G NSA, ngoài cung cấp các dịch vụ truyền tải dữ liệu tốc độ cao, 5G SA còn đáp ứng yêu cầu độ trễ siêu thấp, khoảng 1ms, tốt hơn nhiều mạng 5G NSA và gấp 20 lần 4G truyền thống giúp cung cấp các dịch vụ yêu cầu sự phản hồi tức thì như xe tự lái, phẫu thuật từ xa, điều khiển từ xa trong nhà máy thông minh, lớp học thực tế ảo,…
Viettel đã phát triển sẵn các open APIs (cung cấp dữ liệu, cung cấp khả năng cấu hình và tương tác với mạng 5G Viettel) theo chuẩn của GSMA cho cộng đồng phát triển ứng dụng tại Việt Nam và trên thế giới. Điều này giúp các nhà phát triển ứng dụng dễ dàng sáng tạo trên nền tảng 5G Viettel.
Viettel cũng công bố 11 gói cước trả trước và 8 gói cước trả sau dành cho khách hàng cá nhân. Đặc biệt, với 5G Viettel, mỗi Khách hàng sẽ có 1 không gian số của riêng mình, tất cả các gói cước 5G đều được Viettel miễn phí lưu trữ Cloud và dịch vụ xem truyền hình TV360 4K. Khách hàng sở hữu điện thoại hỗ trợ 5G có thể sử dụng ngay dịch vụ mà không phải đổi SIM. Để mua gói 5G Viettel, ngoài các kênh hiện tại, Viettel cho ra mắt Cổng mua sắm tại hub.vietteltelecom.vn giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn các gói phù hợp theo nhu cầu của riêng cá nhân mình.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, Viettel công bố hơn 130 user cases là các ứng dụng và giải pháp dành cho các tổ chức thuộc các lĩnh vực Sản xuất công nghiệp, Smart city, Giao thông vận tải và Logistics, Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, Năng lượng. Các giải pháp này được đưa ra theo từng nhu cầu riêng, tích hợp các công nghệ cloud, AI, IoT trên nền 5G với khả năng kết nối với mật độ cực lớn.
Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom chia sẻ: Nếu như với 2G khát vọng của Viettel là “mỗi người dân sở hữu một di động”; 4G là “mỗi người dân sở hữu một smartphone” thì 5G sẽ hướng đến “mỗi người dân sở hữu một smartphone siêu tốc độ, siêu kết nối”.
Cũng vào ngày 15/10/2024, Viettel kỷ niệm 20 năm chính thức kinh doanh dịch vụ di động. Sau 2 thập kỷ, Viettel đã tạo ra 2 cuộc cách mạng là phổ cập dịch vụ di động, đưa mật độ thâm nhập di động từ dưới 5% vào năm 2004 lên tới trên 100% chỉ sau 5 năm và hiện nay là 130%.
Ông Cao Anh Sơn nhấn mạnh:“Hai mươi năm qua, Viettel Telecom tự hào vì đã đóng góp vào sự phát triển của ngành viễn thông, của đất nước để phục vụ người dân. Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi tiếp tục sáng tạo, tiên phong kiến tạo xã hội số, xây dựng các nền tảng để chuyển dịch từ nền tảng viễn thông sang nền tảng số, tập trung vào phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ hướng đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”