Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phải khởi động nghiên cứu 6G trong năm 2022 và đưa Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về công nghệ 6G.
Ngày 14/1/2021, Vụ Công nghệ Thông tin và khối các đơn vị viễn thông của Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, 5 đơn vị triển khai kế hoạch này thuộc lĩnh vực hạ tầng và tạo ra không gian số. Không gian số đứng trên hạ tầng và khối này còn bao phủ đến phần công nghiệp đang có quy mô 136 tỷ USD/năm và có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số đang làm cho các công ty đa quốc gia mà hợp tác với các doanh nghiệp Việt sẽ rất hiệu quả.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải nâng cao nội hàm Make in Vietnam lên 30% và phải có sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu của Việt Nam như 5G.
Cục Viễn thông phải chuyển hoạt động quản lý sang dẫn dắt điều hành, tạo động lực phát triển. Viễn thông đã đi ngang mấy năm nay và cần không gian mới để phát triển. Cloud Computing và Digital Platform sẽ là không gian mới sẽ tăng trưởng nhanh hơn viễn thông truyền thống. Hạ tầng quan trọng nhất của hạ tầng số là Cloud Computing. Thị trường Cloud Computing sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn và sẽ vượt doanh thu viễn thông.
Viễn thông sẽ chuyển sang hạ tầng số, nhưng phải dọn rác viễn thông năm 2022. Việc các nhà mạng xử lý SIM rác doanh thu không những không giảm mà còn tạo ra không gian mới. Nếu giải xong thì hạ tầng đó, thuê bao đó trở thành hạ tầng của nền kinh tế và thuê bao định danh.
Bộ trưởng cũng đưa ra lời tuyên bố Việt Nam sẽ chính thức triển khai 6G. Việt Nam là 1 trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có Ban chỉ đạo 6G. Việt Nam phải đi cùng top đầu thế giới về công nghệ 6G. Tần số sẽ được Bộ TT&TT cấp phép có thể vào năm 2028 trước khi thương mại hóa 6G.
Viễn thông cần có sự đổi mới lần 2 sau 30 năm. Hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số. Lần đổi mới này sẽ vẫn lấy tinh thần đổi mới của lần thứ nhất là công nghệ hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, hạ tầng đi trước. Hạ tầng viễn thông, hạ tầng số phải thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, lọt vào top 30 năm 2025. Chất lượng mạng lưới phải tương đương với các nước phát triển.
“Lãnh đạo Bộ tin tưởng vào các đồng chí, tin rằng các doanh nghiệp, đơn vị khối viễn thông sẽ có những đổi mới quan trọng để bứt phá vươn lên. Lĩnh vực viễn thông có bứt phá vươn lên thì đất nước chúng ta mới có thể bứt phá vươn lên. Lĩnh vực của các đồng chí là hạ tầng cho sự bứt phá vươn lên. Đó là hạ tầng số để thúc đẩy chuyển đổi số. Sau một năm nữa viễn thông Việt Nam sẽ đổi khác”, Bộ trưởng nói.
Trước chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh, đây không chỉ là mục tiêu của các cục, vụ của Bộ TT&TT mà là mục tiêu của ngành viễn thông.
“Các doanh nghiệp phải đồng hành thực hiện. Đây là trách nhiệm và là sứ mệnh của các doanh nghiệp. Không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới mang trong mình sứ mệnh này, kể cả các doanh nghiệp tư nhân cũng vậy. Chúng ta phải mang trong mình sứ mệnh để thúc đẩy sự phát triển của ngành, của hạ tầng số trong tương lai“, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Nhóm phóng viên ICT