Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (TTTN), trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã sẵn sàng chuẩn bị các phương án điều tiết chuỗi cung cầu thị trường, thậm chí trong trường hợp dịch Covid-19 đến cấp độ 5 (từ 3.000 trường hợp nhiễm trở lên).
Trước tình trạng số lượng ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới ngày càng tăng, chiều 20/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng các Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Hoàng Quốc Vượng, Cao Quốc Hưng,… tổ chức cuộc họp nhằm ứng phó dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ TTTN cho hay, cơ quan này đã dựng các phương án kịch bản ứng phó với diễn biến kịch bản 5 cấp độ theo phân cấp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19.
Theo đó, cấp độ 1 là trong trường hợp Covid-19 xâm nhập vào tỉnh, cấp độ 2: có trường hợp mắc Covid-19, có lây nhiễm thứ phát và bắt đầu có khu vực cách ly. Cấp độ 3 là trường hợp dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc. Cấp độ 4: có 1.000 -3.000 người mắc và cấp độ 5 với mức từ 3.000 nghìn trường hợp dương tính với Covid-19 trở lên.
“Theo đó, trong mỗi cấp độ, Vụ TTTN thường xuyên đánh giá cụ thể nhu cầu nguồn cung các mặt hàng cung ứng trên địa bàn cũng như phương án cung ứng bảo đảm phục vụ tiêu dùng theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh. Vụ TTTN đề nghị các bộ nghành liên quan hỗ trợ phương án lưu thông vận chuyển 24/24 đối với những doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trong những địa bàn bị cách ly hoặc hỗ trợ cung ứng trong từng trường hợp theo đúng mức độ.
Đặc biệt, trong mỗi kịch bản xây dựng thì phải cung cấp được đúng danh sách các doanh nghiệp, lượng hàng hóa các loại của từng doanh nghiệp sản xuất, phân phối của mặt hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn và sẵn sàng theo các kịch bản khác nhau“, ông Đông nói.
Cũng theo thông tin từ lãnh đạo Vụ TTTN, hiện tại, đã có 55/65 tỉnh, thành phố có báo cáo phương án ứng phó đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân. Tuy nhiên, có địa phương đạt yêu cầu. Ngoài ra, báo cáo của nhiều địa phương chưa đạt yêu cầu trong việc xây dựng kịch bản ứng phó, báo cáo chung chug, chưa kỹ cho 5 cấp độ hoặc với các phương án vận chuyển hàng hóa.
“Ví dụ như Hải Phòng đã làm rất tốt, xây dựng phương án cách ly y tế lên tới 5 xã, mỗi xã là 10.000 người và 5 xã là 50.000 người, trong 2 trường hợp cách ly là 14 ngày và 30 ngày. Mỗi trường hợp tính ra trợ cấp 45.000 đồng/người/ngày, với các phương án tiếp tế thế nào, lượng mặt hàng thiết yếu cụ thể từng loại hàng hóa cũng như phương án cung cấp cho người dân tại các khu vực cách ly. Các mặt hàng lên rất chi tiết như gạo, mỳ, thực phẩm tươi sống… đấy là địa phương xây dựng phương án rất tốt“, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho hay.
Cũng tại cuộc họp chiều 20/3, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay, qua rà soát và tính toán, sản lượng thóc năm 2020 đạt 43 triệu tấn, tương đương với 26 triệu tấn gạo. Tính toán nhu cầu tiêu dùng năm 2020 trong cả nước từ 19 đến 20 triệu tấn gạo, dự kiến vẫn có dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Bộ Công Thương đã có công văn khuyến nghị Vụ TTTN đề nghị các doanh nghiệp cần đảm bảo dự trữ 5% trong lượng gạo xuất khẩu 6 tháng trước đó để đảm bảo nguồn cung.
Đối với mặt hàng gia súc, gia cầm, rau quả… Bộ Công thương cũng đã làm việc với Bộ NN&PTNT đánh giá lại toàn bộ các mặt hàng này để các đơn vị các cấp nắm được tình hình để đảm bảo nguồn cung trên cả nước.
Theo ước tính của Vụ TTTN, sản lượng năm 2020, tổng sản lượng thịt hơi có thể tăng 10%, đạt 5.8 tấn thịt các loại. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng có văn bản đề nghị ngành nông nghiệp quan tâm đến việc có các sản phẩm thay thế thịt lợn nhưng phải phù hợp với nhu cầu của người dân.
“Đặc biệt là mặt hàng thủy sản cố găng đạt trên 8 triệu tấn mỗi năm và rau củ quả phải đạt được sản lượng 40 đến 50 triệu tấn mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ cho xuất khẩu“, đại diện Bộ Công Thương nhận định.
Thanh Phong – Quang Dân