Việt Nam nhập siêu 2 tháng đầu năm

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 2, Việt Nam nhập khẩu 36,18 tỷ USD, tăng 5,8%. Sau 2 tháng đầu năm, cả nước đã nhập siêu 64 triệu USD, trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là ngành hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất…

Cụ thể, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 2 đạt 14,67 tỷ USD, giảm 31% (6,59 tỷ USD) so với tháng trước. Có 7 thị trường nhập khẩu đạt trị giá  trên 1 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2019. Trong số các thị trường này, chỉ có nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm, còn lại các thị trường khác đều tăng trong 2 tháng đầu năm nay. Trong đó, nhập khẩu từ EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc có tốc độ tăng lần lượt là 16,8%, 10% và 8,2%.

Việt Nam nhập khẩu máy tính nhiều trong 2 tháng đầu năm

Cụ thể, có tới 48/53 nhóm hàng nhập khẩu chính giảm so với tháng 1. Nguyên nhân được cho là do tháng 2 có dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán nên nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng giảm. Trong đó, giảm mạnh là các nhóm như máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải các loại; điện thoại các loại và linh kiện… Trong đó, giảm mạnh ở các nhóm hàng như: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 1,32 tỷ USD, máy vi tính,  sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 601 triệu USD, vải các loại giảm 528 triệu USD, điện thoại các loại và linh kiện giảm 492 triệu USD…

Tính đến hết tháng 2-2019, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 36,18 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. 5 nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong tháng 2 và hai tháng đầu năm 2019 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị; dệt may; điện thoại và chất dẻo.

Cụ thể, đối với máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Việt Nam đã nhập khẩu 3,34 tỷ USD mặt hàng này trong tháng 2. Qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm này trong hai tháng đầu năm 2019 đạt 7,3 tỷ USD tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Linh kiện điện tử được nhập nhiều trong 2 tháng

Các thị trường cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong hai tháng qua chủ yếu là Hàn Quốc với kim ngạch 2,9 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm trước; Trung Quốc với 1,55 tỷ USD, tăng 47,7% và Đài Loan với 746 triệu USD, tăng 29,9%…

Mặt hàng nhập khẩu nhiều thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với giá trị nhập khẩu đạt 2,09 tỷ USD, giảm 38,7% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này trong 2 tháng đầu năm nay đạt 5,52 tỷ USD tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc với 2,02 tỷ USD, tăng 18,5%; từ Hàn Quốc đạt 1,01 tỷ USD, tăng 8,1% và từ Nhật Bản đạt 720 triệu USD, tăng 7,9%… so với cùng kỳ năm 2018.

Xếp thứ ba là nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy). Việt Nam đã nhập khẩu 1,25 tỷ USD mặt hàng này trong tháng 2/2019, giảm 40,8% so với tháng trước, qua đó đưa trị giá nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 3,36 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong hai tháng qua, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 1,49 tỷ USD, tăng 3,8%; xuất xứ từ Hàn Quốc với 442 triệu USD, giảm 3,2%; xuất xứ Đài Loan với 336 triệu USD, tăng 3,4%; xuất xứ từ Hoa Kỳ với 298 triệu USD, tăng 19,4%  so với cùng kỳ năm 2018.

Điện thoại các loại và linh kiện là ngành hàng nhập khẩu nhiều thứ tư. Đứng thứ năm là nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo.

Như vậy, bước vào năm 2019, hoạt động giao thương của Việt Nam với các đối tác tiếp tục diễn ra sôi động, thể hiện độ mở và hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới. Thế nhưng, một vấn đề bất lợi đã xuất hiện, đó là tình trạng nhập siêu. Đây là diễn biến bất lợi đầu tiên, đáng lưu ý của nền kinh tế bởi thực tế trên đã đảo chiều so năm 2018 khi Việt Nam xuất siêu 7,2 tỷ USD. Nguyên nhân chính của sự nhập siêu bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp giảm tốc sau khi dồn sức xuất khẩu trong cả quý IV, nhất là tháng cuối năm 2018.

Ngoài ra, theo nhận định của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu năm 2019, tình trạng nhập siêu rất có thể xảy ra bởi mức xuất khẩu vẫn sẽ tăng mạnh kéo theo nhu cầu sử dụng máy móc, nguyên, phụ liệu đầu vào tăng – tức là đẩy mức nhập khẩu từ nước ngoài tăng.

Bên cạnh đó, năm nay và các năm tiếp theo, Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực thi một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam – EU. Từ đó dẫn đến gia tăng sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa chủ dự án phải nhập khẩu nhiều dây chuyền sản xuất, nguyên phụ liệu, linh kiện… để phục vụ sản xuất. Đó sẽ là yếu tố mới trực tiếp làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu và đe dọa dẫn đến nhập siêu trong năm nay.

Thực tế này đang đặt ra yêu cầu các ngành chức năng và doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh phù hợp để hãm đà nhập siêu, tiến tới lành mạnh hóa cán cân thương mại quốc gia, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế…

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Nguồn. ANHP

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More