Vừa quảng bá rầm rộ việc thành lập Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam, nhưng trước đó Viện Công nghệ chống làm giả đã từng vinh danh công ty sản xuất thuốc ung thư giả từ bột than tre.
Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam (gọi tắt là Ban) do Viện Công nghệ chống làm giả thành lập vừa tổ chức ra mắt rầm rộ tại TP HCM.
Về mục đích thành lập Ban, bà Trần Mai Khanh, Viện trưởng Viện Công nghệ chống làm giả (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam), đơn vị trực tiếp tổ chức ra mắt và ký quyết định thành lập Ban, cho biết trong bối cảnh hàng giả, hàng lậu, gian lận xuất xứ thương mại đang diễn biến phức tạp, thì Ban sẽ tạo ra một chương trình, kêu gọi cộng đồng chung tay chống hàng giả.
Dù khẳng định mục đích thành lập Ban là chống hàng giả, nhưng chính Viện Công nghệ làm giả đã từng dính “lùm xùm” khi vinh danh doanh nghiệp sản xuất thuốc ung thư giả từ bột than tre. Vụ việc sản xuất thuốc ung thư giả làm từ bột than tre được công an TP Hải Phòng triệt phá.
Doanh nghiệp sản xuất thuốc ung thư giả từ bột than tre từng được Viện Công nghệ chống làm giả trao giải thưởng
Cụ thể, năm 2017, Viện Công nghệ chống làm giả tổ chức chương trình “Thương hiệu, sản phẩm, Dịch vụ hàng đầu Việt Nam”. Mặc dù sản xuất thuốc ung thư giả, nhưng Công ty TNHH Vinaca vẫn đạt danh hiệu Top 10 Thương hiệu, Sản phẩm, Dịch vụ hàng đầu Việt Nam – 2017.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, trong một lần trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện đơn vị tổ chức trao giải thưởng nêu trên cho rằng đây là chương trình đánh giá và truyền thông thương hiệu, không phải đánh giá về chất lượng sản phẩm và nhấn mạnh thời điểm tham gia chương trình tôn vinh, Vinaca là một doanh nghiệp rất ổn về mọi mặt. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt vấn đề về việc các doanh nghiệp tham gia chương trình đóng phí để “mua” các danh hiệu này mà không có bất kỳ sự thẩm định nào.
Quay trở lại với việc thành lập Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam, trong các bản tin đăng tải trên báo chí đều nêu việc thành lập Ban dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, tuy nhiên đại diện các bộ đều phủ nhận việc này. Phía Viện Công nghệ chống làm giả cũng lên tiếng cho biết việc thành lập Ban là sự chủ động của đơn vị.
“Nữ hoàng Văn hóa tâm linh Việt Nam” Hiền Ngân được bầu làm Phó trưởng Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam
Trên các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá rầm rộ về việc thành lập Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam nêu rõ Ban sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các cơ quan báo chí, mặt trận, đoàn thể, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để nghiên cứu, xây dựng và phát động Chương trình toàn xã hội tích cực chống hàng giả, hàng nhái, đẩy mạnh mọi mặt công tác tuyên truyền các kênh thông tin nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Mai Khanh cho biết sẽ vào TP HCM để kiểm tra lại việc thành lập Ban cũng như nhân sự sau khi có những phản ánh của báo chí. Bà Khanh khẳng định Ban chưa đi vào hoạt động mà đang trong quá trình hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan với cơ quan quản lý nhà nước tại TP HCM.
Trả lời về việc “Nữ hoàng Văn hóa tâm linh Việt Nam” Phạm Nữ Hiền Ngân được bầu giữ chức Phó Trưởng Ban là do bà Hiền Ngân chủ động xin tham dự hay phía Viện mời, bà Khanh nói ngắn gọn “họ tham gia nên chúng tôi chấp nhận thôi”.
Trước đó, đầu năm 2018, mCông an quận Kiến An (TP Hải Phòng) phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Vinaca tại quận Kiến An, phát hiện các công nhân đang đưa hợp chất với thành phần chính là than tro được lấy từ tre nứa, gỗ đốt và tán mịn trước đó để cho vào bên trong các viên nang.
Những viên nang này sau đó được đóng gói, dán nhãn quảng cáo với việc hỗ trợ điều trị ung thư để bán với giá hàng triệu đồng trên hộp sản phẩm.
Trong phiên xét xử hồi trung tuần tháng 4-2019 tại TAND TP Hải Phòng, Cựu tổng giám đốc Vinaca Nguyễn Xuân Thu bị kết án 22 năm tù về hành vi nêu trên.
Minh Chiến