Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:14

Việc triển khai các dự án theo cơ chế JCM là một trong những cơ hội giúp doanh nghiệp (DN) cải thiện, đổi mới công nghệ sản xuất, giảm phát thải khí các-bon gây hiệu ứng nhà kính. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của thành phố. Tuy nhiên, DN còn khá “lạ lẫm” với cơ chế này.

 Sản xuất thép là một trong những lĩnh vực được khuyến khích tham gia cơ chế JCM.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

 

Ông Yuji Mizuno, Giám đốc Bộ phận khí hậu và năng lượng của Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) giới thiệu: Tháng 7-2013, Việt Nam ký kết với Nhật Bản bản ghi nhớ hợp tác về “Tăng trưởng carbon thấp và xây dựng cơ chế JCM”. Tham gia thực hiện dự án theo cơ chế JCM, DN được hỗ trợ tài chính đổi mới công nghệ sản xuất, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Cụ thể, DN khi tham gia cơ chế JCM được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ 50% thậm chí đến 100% chi phí đầu tư ban đầu của dự án thông qua Bộ Môi trường hoặc Bộ Kinh tế Thương mại – Công thương (Nhật Bản). Chi phí này bao gồm cả phần xây dựng cơ bản, thiết bị, công lắp đặt. Nguồn ngân sách năm 2018 mà Bộ Môi trường Nhật Bản đầu tư cho dự án JCM kiểu mẫu khoảng 71 triệu USD. Ngoài ra, DN được hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) trong việc lắp đặt, chuyển đổi công nghệ. Mặc dù hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho DN, nhưng việc đưa cơ chế này vào thực tế hiệu quả chưa cao.

 

Bà Nguyễn Thu Hiền, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế – Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH) (Bộ Tài nguyên-Môi trường) nhận định: Do cơ chế JCM còn khá mới mẻ, DN chưa có nhiều thông tin. Trong khi đó, các quy định hướng dẫn DN thực hiện cơ chế JCM chưa nhiều. Quy định về cơ chế trao đổi các tín chỉ giảm phát thải khí CO2 giữa DN ViệtNamvà đối tác Nhật Bản chưa rõ ràng. Tham gia cơ chế JCM, DN phải đáp ứng các yêu cầu của đối tác Nhật Bản. Đó là đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm ngặt; bắt buộc thực hiện đo đạc, báo cáo thẩm tra và áp dụng phương pháp luận phê duyệt cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Do thiếu các thông tin nên dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng thực hiện dự án theo cơ chế JCM nhưng sau 5 năm Việt Nam ký kết với Nhật Bản về việc triển khai cơ chế JCM, trên địa bàn Hải Phòng chưa có DN đăng ký thực hiện.

 

Đáng chú ý, Hải Phòng là thành phố tập trung nhiều lĩnh vực sản xuất phát sinh khí thải lớn, việc áp dụng cơ chế JCM có ý nghĩa đối với cả DN và môi trường thành phố, nhất là đối với các ngành: sản xuất thép, xi măng, xử lý rác thải và các ngành công nghiệp nặng khác.

 

Cần hướng dẫn thực hiện cụ thể

 

Tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh là chủ trương của Chính phủ. Theo Quyết định 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trở thành trách nhiệm của DN. Thực tế này đặt ra yêu cầu DN cần có biện pháp để cơ chế JCM được triển khai rộng rãi hơn.

 

Tại hội thảo giới thiệu cơ chế JCM và cơ hội cho DN thực hiện các dự án phát thải thấp, Phó cục trưởng Cục BĐKH Phạm Văn Tấn nhấn mạnh: Đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ là những tiêu chí hàng đầu giúp DN thích nghi và phát triển trong thời kỳ kinh tế hội nhập quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, tự do hóa thương mại và đầu tư giữa các nước phát triển mạnh mẽ. Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần có những hoạt động khuyến khích, giúp DN hiểu hơn về cơ chế JCM.

 

Hiện nay, để được tham gia cơ chế JCM, DN phải được DN đối tác Nhật Bản nhận hỗ trợ, chuyển giao công nghệ. DN phía Nhật Bản đứng ra đăng ký với Chính phủ Nhật Bản để tìm ra nguồn hỗ trợ cho dự án. Ngoài ra, các DN Việt Nam có thể liên hệ trực tiếp qua cơ quan thường trực giúp việc Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án là Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên-Môi trường. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng ban hành Thông tư 17/2015/TT-BTNM quy định việc xây dựng và thực hiện dự án theo cơ chế JCM. Thông tư quy định các hoạt động liên quan đến xây dựng, đăng ký và thực hiện các dự án. Tuy nhiên, để DN tham gia cơ chế JCM, tích cực, hiệu quả thành phố nên xem xét thực hiện dự án thí điểm theo cơ chế JCM, để mỗi DN nhận thức, hình dung rõ hơn công tác triển khai, kết quả thực hiện, từ đó chủ động, tích cực tham gia. Đồng thời, các hoạt động hướng dẫn, giới thiệu đối tác Nhật Bản cho các DN Hải Phòng cần tăng cường hơn nữa. Với sự triển khai rộng rãi, DN có thêm động lực, điều kiện để tìm kiếm cơ hội đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất theo cơ chế JCM.

 

Nguyên Mai – Báo Hải Phòng 06/04/2018 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Việc triển khai cơ chế tín chỉ chung (JCM) ở Hải Phòng: Hiệu quả chưa cao
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác