Hầu hết doanh nghiệp (DN) công ích sau cổ phần hoá (CPH) quản lý quỹ đất khá lớn. Tuy nhiên, nhiều DN sử dụng đất kém hiệu quả, còn nhiều hạn chế, cần sớm khắc phục.
Đất công ích bị chiếm, sử dụng không đúng mục đích
Sau CPH, Công ty CP công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng được giao quản lý 33 địa điểm với diện tích hơn 308,7 nghìn m2. Phần lớn diện tích đơn vị quản lý công trình công ích gồm: hồ điều hoà, mương thoát nước, vườn hoa, công viên… Nhưng việc quản lý quỹ đất này gặp nhiều khó khăn; tình trạng đất bị lấn chiếm diễn ra phổ biến. Điển hình như các hồ điều hoà Tây Sơn và Ngọc Sơn (quận Kiến An) có diện tích 14.000 m2 và hơn 24.000 m2 đều thuộc quản lý của công ty, bị nhiều hộ dân san lấp, lấn chiếm làm nhà, đổ rác, trồng rau…
Sau khi cầu Hàn được xây dựng, Nhà quản lý của Đội quản lý cầu phao Hàn (thuộc Công ty CP đường bộ Hải Phòng) không còn nhu cầu sử dụng, đang được tháo dỡ.
Tương tự, Công ty CP đường bộ Hải Phòng được giao quản lý 19 thửa đất. Một số thửa đất hiện được DN sử dụng vào mục đích khác với đăng ký kinh doanh. Một số khu đất công ty không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang lãng phí như thửa đất bến phà Bính, xã Tân Dương (huyện Thuỷ Nguyên), bến phà Khuể ở xã Chiến Thắng (huyện An Lão), cầu phao Hàn, xã Hoà Bình (huyện Vĩnh Bảo)…. Một số khu đất bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Chẳng hạn khu đất rộng 620 m2, tại phường Bắc Sơn, quận Kiến An, làm bến phà Kiến An trước đây nay chuyển thành cửa hàng xăng dầu số 1, bãi để xe và cả kinh doanh dịch vụ giải khát.
Công ty CP đảm bảo giao thông đường thuỷ sử dụng 7 khu đất với diện tích hơn 13.900 m2. Mới đây, DN đề nghị trả lại thành phố khu đất tại thị trấn Minh Đức (huyện Thuỷ Nguyên) được sử dụng làm trụ sở trạm quản lý sông Thải với diện tích 450 m2. Nguyên nhân, DN không còn nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, rất ít DN sau CPH nghiêm túc đề nghị trả lại thành phố phần diện tích không còn nhu cầu sử dụng như Công ty CP đảm bao giao thông đường thủy, nhất là những địa điểm nằm ở vị trí “vàng”, hay khu vực có hệ thống giao thông thuận lợi thường bị sử dụng không đúng mục đích đăng ký kinh doanh.
Năm 2017, Sở Tài nguyên- Môi trường (TNMT) có đợt rà soát việc sử dụng đất của 113 DN sau CPH. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều DN công ích đang sử dụng thửa đất chưa đăng ký. Phần lớn diện tích đất công ích giao các doanh nghiệp quản lý chưa được cấp GCNQSDĐ, trong đó, có diện tích đất giao các doanh nghiệp nói trên. Hồ sơ địa chính về các thửa đất đều chưa đầy đủ. Nhiều quận, huyện chưa có bản đồ địa chính nên việc quản lý đất gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN sau CPH sử dụng đất không đúng mục đích được giao. Do vậy, việc xác lập rõ ranh giới, diện tích quản lý sử dụng của DN, nhất là khi xảy ra tranh chấp, lấn chiếm đất đai gặp khó khăn.
Nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp, địa phương
Có tình trạng đất công ích bị lấn chiếm, bị chuyển đổi sai mục đích sử dụng so với đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có nguyên nhân chủ quan là DN quản lý đất hiệu quả chưa cao, buông lỏng quản lý hoặc cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, còn nguyên nhân khách quan khác là DN không đủ lực lượng để bảo vệ, không có thẩm quyền để xử lý và chính quyền thờ ơ, chưa vào cuộc quyết liệt xử lý các vi phạm pháp luật đất đai hoặc vi phạm trật tự xây dựng.
Để khắc phục tình trạng này, Sở TNMT chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tập trung nhân lực, phối hợp chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho DN sau CPH. Đồng thời, đối với DN đang quản lý diện tích đất không hiệu quả hoặc không phù hợp ngành nghề kinh doanh, không đúng quy hoạch sử dụng đất, Sở TNMT kiến nghị thành phố thu hồi những lô đất đó để giao đơn vị có năng lực thực hiện đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, đồng thời, xử lý nghiêm các DN vi phạm.
Cùng với đó, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm yêu cầu của Chính phủ về công tác CPH DN 100% vốn nhà nước. Hiện có 5 DN chuẩn bị các điều kiện để CP hoá. Theo đó, các DN thực hiện CPH phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Chính phủ, phù hợp với quy hoạch tại địa phương. Các lô đất sử dụng sai mục đích, đất không sử dụng sẽ bị thu hồi và bàn giao cho thành phố trước khi hoàn tất CPH. Công ty CPH được chuyển đổi từ DN nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công ích phải quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, thành phố cần có quy chế gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác quản lý các diện tích đất công ích cùng với đơn vị chuyên quản.
Nguyên Mai – Báo Hải Phòng 11/04/2018
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More