Print Thứ Hai, 25/03/2019 15:06

Dạo chơi qua dải trung tâm thành phố, nhìn hai thùng rác trên đường Trần Phú  đều đầy phè chai lọ, túi ni lông, đồ ăn dở, anh Dũng chép miệng bảo với anh Thắng, người bạn cùng đi:

– Hai thùng rác đặt ngay cạnh nhau, trên mỗi thùng đều ghi rõ “rác hữu cơ”, “rác vô cơ”…Nhưng phần đông người dân không quan tâm đến việc phân loại nên bỏ lẫn lộn hai loại rác này, vừa khó khăn cho công tác thu gom, xử lý, vừa gây ô nhiễm môi trường!

Anh Thắng tiếp lời:

-Không chỉ ở nơi công cộng, ngay ở gia đình, việc phân loại rác thải sinh hoạt cũng chưa trở thành thói quen của nhiều người dân. Vấn đề nằm ở ý thức của mỗi người. Mục đích và tác dụng của việc làm này ai cũng biết,  là góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường. Phân loại  còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí thu gom và xử lý rác thải. Hiện, một số địa phương trên địa bàn thành phố đang triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tuy nhiên hiệu quả chưa cao và cũng mới chỉ dừng ở thí điểm mà chưa được nhân rộng. Cũng vì không phân loại được ngay tại nguồn, nên việc xử lý phần lớn rác thải sinh hoạt chỉ dừng ở chôn lấp.

Anh Dũng thoáng nhíu mày:

– Tôi được biết tại nhiều chung cư cao cấp ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh…, mặc dù ban quản lý tích cực kêu gọi phân loại rác, trang bị đầy đủ mấy loại thùng rác, nhưng người dân vẫn chưa chú ý thực hiện.

– Tôi nghĩ, vấn đề mấu chốt để việc phân loại rác thải tại nguồn có tính khả thi là nâng cao ý thức người dân – anh Thắng khẳng định – Họ cần được hướng dẫn kỹ lưỡng thông tin để thay đổi nhận thức qua các kênh tuyên truyền, vận động trực tiếp ở khu dân cư, tổ dân phố, thay đổi hành vi, thói quen. Mặt khác, cũng cần quy định việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là hành vi luật và bắt buộc và có chế tài kèm theo.

Anh Dũng đồng tình:

– Bên cạnh đó, Hải Phòng nên tham khảo và nhân rộng mô hình được triển khai đạt hiệu quả cao ở nhiều tỉnh, thành phố bạn. Điển hình như mô hình đổi túi ni lông lấy rau sạch, “thu gom rác thải bán gây quỹ” hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo ở Đà Nẵng hay vận động lực lượng thu gom rác thải tham gia giám sát việc này tại các gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh… Phân loại rác thải là việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa có ý nghĩa xã hội, góp phần thiết thực gìn giữ môi trường sống. Không bao giờ là muộn để bắt đầu một việc đúng đắn, mang lại lợi ích trước mắt cũng như lâu dài với chính môi trường sống của chúng ta?.

Dương Thanh – Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác