Pháp luật

Việc cho thuê lại mặt bằng, nhà xưởng: Kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng đất sai mục đích

Hiện nay, hoạt động cho thuê lại nhà xưởng rất sôi động. Những thông tin về việc cho thuê lại nhà xưởng trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp dày đặc trên các trang rao vặt trên mạng internet. Song, việc quản lý đối với hoạt động cho thuê lại mặt bằng, nhà xưởng của doanh nghiệp thiếu chặt chẽ, làm phát sinh những sự cố môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Quản lý lỏng lẻo

Tình trạng cơ sở sản xuất thuê lại mặt bằng, sản xuất gây ô nhiễm môi trường đang diễn ra khá nhiều. Tháng 11-2019, người dân tổ dân phố 16, phường Bắc Sơn và tổ dân phố Lê Duẩn 2, phường Quán Trữ (quận Kiến An) phản ánh cơ sở tái chế nhựa thuê lại đất của Công ty CP Điện cơ Hải Phòng, thuộc địa bàn phường Quán Trữ, gây ảnh hưởng môi trường chung quanh. Mỗi khi cơ sở hoạt động, tiếng máy chạy ầm ầm, xả khói đục, mùi hóa chất nồng nặc vào khu dân cư. Người dân kiến nghị đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở này dừng sản xuất. Trước đó, tháng 7-2018, cơ sở sản xuất do người Trung Quốc đầu tư, thuê lại mặt bằng của Công ty đóng tàu Nam Triệu, ở xóm 8, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, sản xuất hạt nhựa, nước thải không qua xử lý chảy thẳng ra sông Bạch Đằng, gây ô nhiễm nguồn nước. Người dân phản ánh đến đường dây nóng của Tổng cục Môi trường.

Mặt bằng kho số 6 phố Hoàng Diệu (quận Ngô Quyền) được chia nhỏ cho nhiều doanh nghiệp thuê lại.

Nguyên nhân của tình trạng này là do việc quản lý cho thuê lại nhà xưởng của không ít doanh nghiệp lỏng lẻo. Nhiều doanh nghiệp không có chức năng cho thuê nhưng vẫn ký hợp đồng cho thuê lại nhà xưởng. Bên thuê lại tổ chức sản xuất nhưng không đăng ký hoạt động và không thực hiện các thủ tục, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định. Phần lớn dự án thuê lại nhà xưởng thường có quy mô đầu tư nhỏ, ngắn hạn, hoạt động mang tính tạm bợ, không ổn định; công nghệ lạc hậu và không được thẩm định, kiểm tra.

Trong khi công tác kiểm tra, kiểm soát của chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ. Có trường hợp khi xảy ra sự cố môi trường, người dân phản đối, có kiến nghị mới được phát hiện, giải quyết. Chẳng hạn, trường hợp Công ty CP kinh doanh và chế biến hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng được UBND thành phố cho thuê đất với mục đích để xây dựng khu thương mại dịch vụ vật tư xuất khẩu. Năm 2019, do sản xuất không hiệu quả, công ty ký hợp đồng cho các bà Phạm Thị Mây và Đỗ Thị Hải thuê lại làm nơi tập kết hàng hóa. Nhưng thực tế, 2 hộ dân này sử dụng mặt bằng thuê để sản xuất hạt nhựa trái phép gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tháng 8-2019, các hộ dân tại tổ dân phố Phấn Dũng 1, 2, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, có đơn kiến nghị, phản đối. Qua kiểm tra, quận Dương Kinh có đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường có quyết định dừng sản xuất đối với cơ sở này.

Cần có hướng dẫn, quản lý

Hiện nay, nhu cầu cho thuê lại mặt bằng sản xuất, nhà xưởng dư thừa khá lớn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cần mặt bằng để sản xuất kinh doanh. Vấn đề đặt ra làm thế nào vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng hiệu quả mặt bằng, vừa kiểm soát, quản lý việc cho thuê lại nhà xưởng dư thừa, tránh được những sự cố môi trường.

Theo Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai (Sở Tài nguyên-Môi trường) Nguyễn Quang Thành: Việc cho thuê nhà xưởng là kinh doanh bất động sản thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, vì vậy doanh nghiệp cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định 153/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản. Sau khi được thẩm tra đáp ứng đủ điều kiện về kinh doanh bất động sản theo quy định, doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đăng ký bổ sung ngành nghề cho thuê nhà xưởng theo quy định của pháp luật đầu tư. Thời hạn cho thuê nhà xưởng dư thừa do cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư quyết định. Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức thuê lại mặt bằng sản xuất cũng phải thực hiện thủ tục môi trường theo quy định. Tổ chức, doanh nghiệp thuê lại phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản đăng ký cam kết thực hiện phương pháp bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất của mình.

Theo đó, cơ quan chức năng, trực tiếp là Ban quản lý khu, cụm công nghiệp, Sở Tài nguyên-Môi trường có hướng dẫn về thủ tục, điều kiện để được cấp phép thuê lại mặt bằng, nhà xưởng. Các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra đối với những doanh nghiệp đã được giao đất, cho thuê đất; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời những cơ sở sản xuất thuê lại mặt bằng sản xuất, nhưng chưa bảo đảm các quy định, thủ tục theo quy định. Đối với nhà xưởng trong khu, cụm công nghiệp, Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp có trách nhiệm quản lý, giám sát đối với doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm khắc với những doanh nghiệp cho thuê lại mặt bằng không phép, có thể yêu cầu thu hồi lại đất, có như vậy mới bảo đảm doanh nghiệp sử dụng đất đai hiệu quả, tuân thủ các biện pháp bảo đảm môi trường.

Bài: Nguyên Mai – Ảnh: Duy Thính/Báo Hải Phòng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Quận Ngô Quyền: Thêm 48 hộ dân đủ điều kiện được bốc thăm nhận nhà mới

Sáng 27/11, UBND quận Ngô Quyền phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý…

27/11/2024

Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (TECHFEST) 2024

Chiều 27/11, diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

27/11/2024

Đường Hồ Chí Minh trên biển là Di tích quốc gia đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc…

27/11/2024

Bộ Nội vụ nói gì về “phương án hợp nhất tỉnh, thành phố” lan tràn trên mạng xã hội?

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về phương án…

27/11/2024

Phối hợp giúp đỡ người lang thang

Gần 300 lượt người lang thang trên đường phố được thu gom vào các cơ…

26/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More