Bộ Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) vừa có quyết định thanh tra toàn diện việc cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trên phạm vi cả nước; yêu cầu Sở TNMT các tỉnh, thành phố tự rà soát công tác này. Thực hiện chỉ đạo của Bộ TNMT, Sở TNMT thành phố rà soát, đánh giá bước đầu về hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên địa bàn.
Công ty CP thép Việt Nhật là một trong những đơn vị nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất khối lượng lớn của thành phố.
Ảnh: Duy Thính
Hạn chế tình trạng nhập khẩu ủy thác
Theo Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (BVMT) Trần Minh Tuấn, trước năm 2015, hoạt động nhập khẩu phế liệu trên địa bàn thành phố khá sôi động với hơn 50 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu. Trong đó, số DN không trực tiếp được sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất mà chỉ được ủy quyền nhập khẩu chiếm tới 50% số DN được cấp giấy phép. Tuy nhiên, từ năm 2015 sau khi Thông tư 41/2015/TT-BTNMT có hiệu lực, hoạt động nhập khẩu phế liệu trên địa bàn thành phố thay đổi. Tính đến tháng 6-2018, trên địa bàn thành phố còn 27 DN được cấp phép nhập khẩu phế liệu. Đáng chú ý, 100% số DN được cấp giấy phép nhập khẩu đều là những DN trực tiếp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; không còn DN được ủy thác nhập khẩu phế liệu (đó là những DN đứng ra nhập khẩu phế liệu về Việt Nam và bán lại cho các cơ sở sản xuất, chế biến phế liệu trong nước). Việc không còn DN nhập khẩu ủy thác hạn chế rất nhiều tình trạng nhập khẩu phế liệu để mua bán, chuyển giao cho các đơn vị không có năng lực tái chế, xử lý. Trước đây, nhiều DN nhập khẩu phế liệu ủy thác bán lại cho các làng nghề, cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, làng nghề không bảo đảm yêu cầu về việc sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Sở TNMT cũng đưa DN nhập khẩu phế liệu vào danh mục kiểm tra định kỳ hằng năm. Những DN chưa bảo đảm các điều kiện bảo vệ môi trường đối với hoạt động sử dụng phế liệu sản xuất được chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Năm 2016, Sở TNMT kiểm tra hoạt động của 17 cơ sở có hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó, chỉ 8 DN hoạt động, 9 DN tạm ngừng hoạt động. Kết quả kiểm tra 8 DN cho thấy: hầu hết cơ sở có hồ sơ về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không duy trì công tác BVMT theo quy định. Sở TNMT yêu cầu các cơ sở này khắc phục sai phạm. Đồng thời, Sở TNMT không cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu đối với những DN không đáp ứng yêu cầu theo quy định. Đến năm 2017, chỉ có Công ty TNHH chế tạo máy Citizen ViệtNamđược cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện để nhập khẩu phế liệu.
Với việc kiểm tra chặt chẽ, ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của DN có chuyển biến. Vừa qua, Sở TNMT kiểm tra các cơ sở được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu, kết quả cho thấy các cơ sở chấp hành pháp luật BVMT, có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, có phân loại, thu gom, lưu giữ và hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại đúng quy định, có quan trắc môi trường định kỳ, báo cáo chấp hành pháp luật BVMT định kỳ, kết quả quan trắc môi trường đạt quy chuẩn cho phép.
Còn nhiều hạn chế
Mặc dù có kết quả bước đầu, song công tác kiểm soát DN nhập khẩu phế liệu còn nhiều hạn chế. Chi cục trưởng Chi cục BVMT Trần Minh Tuấn cho biết: hiện nay, Sở TNMT không kiểm soát được những DN do Bộ TNMT cấp phép nhập khẩu phế liệu. Theo Thông tư 41/2015/TT-BTNMT,tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm định kỳ báo cáo việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu trong năm gửi về cơ quan cấp giấy xác nhận. Sở TNMT chỉ kiểm soát được việc thực hiện các quy định BVMT của DN, còn việc sử dụng phế liệu không thể kiểm soát chặt chẽ. Sở TNMT không nắm được DN nhập số lượng bao nhiêu, chủng loại ra sao. Nguy cơ DN sử dụng không hết số lượng phế liệu được nhập khẩu và bán lại cho cơ sở không đủ năng lực tái chế, xử lý phế liệu là không nhỏ.
Đáng chú ý, hiện nay, phần lớn số DN có giấy phép nhập khẩu phế liệu trên địa bàn thành phố do Bộ TNMT cấp phép. Cụ thể trong 27 DN được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu, có 22 DN do Bộ TNMT cấp phép, 5 DN do Sở TNMT cấp phép. Nguyên nhân, theo Thông tư 41, Sở TNMT cấp, cấp lại, đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Hạn ngạch cấp phép cũng hạn chế, Sở TNMT được cấp phép 5000 tấn/năm đối với thép phế liệu và 200 tấn/năm đối với nhựa phế liệu. Trong khi đó, hạn ngạch cấp phép nhập khẩu phế liệu của Bộ TNMT có thể gấp nhiều lần so với Sở TNMT cấp phép. Do đó, phần lớn DN đều xin cấp phép ở Bộ TNMT để được hạn ngạch nhập khẩu phế liệu nhiều hơn. Từ năm 2016 đến tháng 6-2018, chỉ 5 DN xin cấp phép nhập khẩu phế liệu ở Sở TNMT (năm 2016 là 2 DN, năm 2017 cũng có 2 DN và 6 tháng năm 2018 mới có 1 DN). Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố có 5 cơ sở được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu. Trong đó có 4 cơ sở do Bộ Tài nguyên-Môi trường (TNMT) cấp phép gồm Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Liên Minh, HTX Bao bì Hoàng Minh; Công ty CP luyện thép cao cấp Việt Nhật, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Thủy Anh. Sở TNMT cấp phép cho 1 DN là Công ty TNHH Huge Gain Holdings Việt Nam.
Vì vậy, qua đợt thanh tra toàn diện này, Bộ TNMT sớm xem xét, điều chỉnh việc thực hiện các quy định pháp luật về nhập khẩu phế liệu để kiểm soát chặt chẽ hoạt động này của các địa phương.
Nguyên Mai – Báo Hải Phòng 20/8/2018