Print Thứ sáu, 12/06/2020 12:53 Gốc

Các sản phẩm của Hải Phòng chưa tiếp cận nhiều được hệ thống siêu thị một phần do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phần khác do chính người nông dân hoặc doanh nghiệp chưa tự tin giới thiệu sản phẩm.

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không đủ điều kiện làm quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm là nguyên nhân chính khiến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất tại Hải Phòng gặp khó.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Chưa bứt khỏi sự manh mún

Bà Đỗ Thị Duyên, Giám đốc Công ty thực phẩm xanh Kỳ Duyên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết từ một đơn vị thu mua nông sản tại địa phương, đến năm 2017, bà Duyên thuê đất của một số hộ dân tại xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo để trồng rau với quy mô 15ha.

Nhờ quy trình sản xuất và kinh doanh bài bản, các sản phẩm rau củ của Công ty Thực phẩm xanh Kỳ Duyên đã có chỗ đứng trên thị trường, nhất là thời điểm năm 2018, thành phố Hải Phòng có chương trình hỗ trợ cấp tem truy suất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ nông sản. Khi rau củ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, giá trị có thể tăng từ 1-1,5 lần.

Theo bà Đỗ Thị Duyên, dù chứng minh được nguồn gốc nông sản của công ty trồng và cung ứng, song hàng hóa vẫn chủ yếu cung cấp cho các chợ đầu mối do nghịch lý cung cầu. Để vào được siêu thị, đơn vị cung ứng phải có quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo số lượng rau củ ổn định trong mọi thời điểm.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tại Công ty Thực phẩm xanh Kỳ Duyên vẫn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Đúng thời vụ, lượng nông sản tại công ty nhiều thì các siêu thị cũng chỉ tiêu thụ được một phần. Hàng còn lại, công ty phải chủ động tìm nơi tiêu thụ.

Trái vụ hoặc thời điểm luân canh, công ty không đủ hàng hóa cung ứng. Dù muốn thay đổi quy trình sản xuất để năng suất, sản lượng ổn định nhưng tiềm lực chỉ mức độ nên công ty của bà Duyên vẫn chủ yếu cung ứng nông sản theo hướng từ ruộng đến chợ.

Đây cũng là thực trạng chung của những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nông sản nhỏ lẻ. Hiện, Hải Phòng có khoảng 757 trang trại, trong đó mới chỉ có 270 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Những đơn vị kinh doanh tiềm lực đầu tư ít, tiếp cận thị trường thụ động nên dù rau củ quả sản xuất theo quy trình VietGAP, giá bán cũng chỉ tương đồng với sản phẩm nông sản cùng loại.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quang Phục, huyện Tiên Lãng cho biết khoảng 20 hộ dân trong hợp tác xã đều trồng nấm. Giá nấm từ hợp tác xã bán ra chỉ từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg nhưng khi bán vào siêu thị, giá có thể giao động từ 50.000-60.000 đồng/kg.

Dù biết nông sản được gắn nhãn truy xuất nguồn gốc có giá trị cao hơn nhưng do chi phí đầu tư cao, đầu ra lệ thuộc vào đơn vị thu mua nên đa số các hộ vẫn chỉ sản xuất nấm theo hướng khả năng đến đâu, đầu tư đến đó.

Tiếp cận khách hàng mới

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hải Phòng cho biết siêu thị Co.opmart Hải Phòng kinh doanh trên 20.000 mặt hàng, nhưng chỉ có 2% hàng hóa là sản phẩm của Hải Phòng với một số sản phẩm đặc trưng như nước mắm Cát Hải, Cá mòi kho Làng Chài.

Các sản phẩm của Hải Phòng chưa tiếp cận nhiều được hệ thống siêu thị một phần do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phần khác do chính người nông dân hoặc doanh nghiệp đại diện thu mua chưa tự tin giới thiệu sản phẩm.

Theo ông Lê Ngọc Nam, bà con nông dân cần tăng cường sự liên kết, gặp gỡ với các đơn vị thu mua để tìm ra những nút thắt trong quy trình sản xuất và tháo gỡ, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị sản phẩm, đưa hàng hóa an toàn đến tay người tiêu dùng.

Trong quá trình này, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương giữ vai trò rất quan trọng. Siêu thị Co.op Mark Hải Phòng đã phối hợp với các tỉnh như Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên để đưa các nông sản đặc trưng, đáp ứng các tiêu chí của siêu thị để bán cho người tiêu dùng Hải Phòng.

Còn đại diện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hệ thống Sovi, đơn vị sở hữu thương hiệu Cá mòi kho Làng Chài – đặc sản Hải Phòng cho biết để có chỗ đứng trong các siêu thị lớn trong nước, công ty sẽ đáp các quy chuẩn của siêu thị, sản phẩm đặc sản của Hải Phòng. Sau đó, mới chính thức chinh phục các quầy bán đồ ăn sẵn trong hệ thống các siêu thị lớn như Co.opmart, VinMart.

Trong thời gian qua, Hải Phòng đã dành nhiều nguồn lực cho thu hút, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo đời sống, thu nhập cho nông dân.

Đến nay, thành phố thu hút được 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 489,65ha, vốn đầu tư 3.124 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khác cũng đang khảo sát, xin chủ trương đầu tư.

Về các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn, Hải Phòng có 15ha lúa hữu cơ, trên 100ha sản phẩm trồng trọt đạt tiêu chuẩn VietGAP, 70 sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, 64 sản phẩm có chứng nhận bảo hộ thương hiệu, 12 sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Với nguồn lực từ thành phố như vậy, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ mong muốn tiếp cận sự liên kết với các doanh nghiệp, các đơn vị bài bản, hiệu quả hơn./.

Minh Thu (TTXVN/Vietnam+)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Vì sao việc tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác