“Tín dụng đen” như những chiếc vòi bạch tuộc đã và đang len lỏi từ thành thị đến nông thôn và gây ra những hậu quả khôn lường. Trước những diễn biến phức tạp của “tín dụng đen”, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm.
Cùng với đó đã tiến hành tổng hợp các biện pháp nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” diễn biến phức tạp do phương thức, thủ đoạn của đối tượng phạm tội và cả người bị hại.
Đánh cược số phận với canh bạc đỏ đen
Một trong những nguyên nhân đầu tiên, cơ bản đó chính là nhu cầu vay vốn làm ăn, kinh doanh trên thị trường hiện nay rất “nóng”. Thế nhưng, không phải người dân và doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được với các nguồn vốn của ngân hàng, do các quy định chặt chẽ về thủ tục và tài sản thế chấp.
Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn “tín dụng” đen ở ngoài xã hội lại quá dễ dàng. Người có nhu cầu vay vốn chỉ cấn có các giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và một số loại giấy tờ tùy thân có giá trị khác như thẻ sinh viên, thẻ ATM, bằng cấp là có thể vay được tiền trong thời gian rất ngắn (thông thường chỉ khoảng từ 20-30 phút).
Người tham gia vay tiền biết rõ mức lãi suất cao, khả năng hoàn trả không dễ dàng… Song do túng bấn, lại thấy thủ tục quá dễ dàng nên đã ký vào các hợp đồng vay tiền. Qua một số vụ án được phát hiện cho thấy, ngoài một số ít trường hợp là công chức Nhà nước, vì nhiều lý do phải vay tiền ngoài xã hội thì đối tượng còn lại phần lớn là những thanh niên còn trẻ, lười lao động, có lối sống buông thả.
Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” cũng là nguyên nhân khiến cho hoạt động này có những diễn biến phức tạp. Do cần vốn làm ăn mà không có tài sản thế chấp nên nhiều nạn nhân đã “đánh cược” số phận với những canh bạc đỏ đen để vay tiền. Lợi dụng điều này, các đối tượng đã hình thành các ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” núp bóng dưới các hình thức như cầm đồ, hỗ trợ tài chính, cho thuê xe ôtô, xe máy…
Các đối tượng công khai rải tờ rơi dán quảng cáo, đăng thông tin trên các trang mạng cho vay tiền, hỗ trợ tài chính với thông tin rõ ràng, bắt mắt, lời lẽ mời gọi hấp dẫn. Bất cứ ai có nhu cầu vay tiền chỉ cần gọi vào các số điện thoại của bọn chúng, sẽ lập tức vay được tiền. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, đối tượng cầm đầu thường không xuất đầu lộ diện. Chúng sử dụng đàn em là những đối tượng từng có tiền án, tiền sự, những kẻ lưu manh, côn đồ vào các việc đòi nợ. Khi các con nợ chây ỳ không chi trả, chúng sẵn sàng truy sát, thực hiện các vụ bắt giữ ngươi trái phép luật, cưỡng đoạt tài sản hoặc các hình thức khủng bố tinh thần như chửi bới, đe dọa, đỏ chất bẩn.
Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” còn có nhiều mánh khóe tinh vi để đối phó với sự phát hiện của cơ quan điều tra. Hành vi cho vay lãi nặng thường được nguy trang bằng các giao dịch và thỏa thuận cho vay mang yếu tố dân sự. Hoặc hợp thức hóa bằng các hợp đồng giả để lách luật… Một số trường hợp, các đối tượng yêu cầu người bị hại viết giấy bán tài sản, sau đó thuê lại tài sản của chính mình để sử dụng làm bằng chứng, tố cáo các con nợ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu họ chây ỳ, không trả tiền theo đúng thời hạn với cơ quan Công an. Về phía các nạn nhân thì với tâm lý muốn vay nhanh, đã tìm đến các mối quan hệ này. Nhưng họ đã tự mua dây buộc vào mình.
Nhiều đường dây, ổ nhóm “tín dụng đen” đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá.
Những chiêu thức tinh vi
Để đáp ứng yêu cầu của thực tế, hoạt động của các đối tượng “tín dụng đen” cũng thiên biến, vạn hóa, dưới những hình thức khác nhau. Hình thức thứ nhất là cho vay lãi nặng. Trong trường hợp này, các đối tượng điều hành sẽ đứng ra thành lập các cơ sở kinh doanh dịch vụ như cầm đồ, công ty tài chính, công ty mua bán nợ. Sau đó, thông qua zalo, mạng xã hội facebook, đối tượng quảng cáo về các hình thức vay vốn của bọn chúng.
Khi con nợ đưa các giấy tờ đến thế chấp, đối tượng không ghi mức lãi suất. Hoặc ghi mức lãi suất theo quy định của pháp luật. Một số khác thì dùng hai hệ thống sổ sách, dùng ký hiệu để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an. Trên thực tế, các đối tượng đã tính lãi ngay từ thời điểm các con nợ ký thỏa thuận vay tiền.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Nếu người vay vay 10 triệu đồng, con nợ sẽ chỉ nhận được 8 triệu đồng. Trong vòng 30 ngày, người vay phải nộp đủ tiền vay. Trong trường hợp người vay không trả được tiền, các đối tượng sẽ tiếp tục cộng cả tiền lãi và tiền gốc và tính lãi theo số tiền mới này. Để níu người bị hại đối tượng còn yêu cầu người vay tiền phải viết giấy bán tài sản nếu không trả nợ đúng hẹn. Ngoài ra, một số trường hợp cần tiền kinh doanh, đáo hạn ngân hàng, thua tiền đánh bạc sẵn sàng “vay nóng” hoặc mượn tiền trả góp theo ngày.
Thông thường lãi suất huy động thường từ 3-5 %/tháng, với số tiền lãi vay từ 2.000 đến 3.000 đồng/triệu đồng/ ngày. Nếu tính ra khoảng 72% đến 108 % / năm. Nếu người vay không trả đủ lãi, đối tượng sẽ tiếp tục cộng vào tiền lãi vào gốc. Cứ như vậy, số tiền nợ không trả đủ lãi, các đối tượng cho vay tiền sẽ cho nhân viên đến cơ quan Công an trình báo nhưng mặt khác lại thuê các đối tượng ở các công ty kinh doanh đến đòi nợ. Các đối tượng đòi nợ phần lớn là những kẻ có tiền án tiền sự.
Trường hợp khác, các đối tượng sẽ huy động tiền gửi với lãi suất cao rồi chiếm đoạt. Trong trường hợp này để lấy lòng tin của người bị hại, các đối tượng sẽ tạo cho bản thân một vỏ bọc hoặc tìm cách đánh bóng thương hiệu bằng nhiều chiêu thức khác nhau như thành lập doanh nghiệp, xây dựng trụ sở, tung tin mở rộng sản xuất cần vốn đầu tư vào các lĩnh vực có lợi nhuận cao hoặc khuếch trương uy tín cá nhân thể hiện rằng mình có cuộc sống sung túc, giàu có và việc làm ăn rất phát đạt. Một số đối tượng còn dùng các hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội để che đậy cho các hành vi vi phạm pháp luật của mình. Đây là thủ đoạn phổ biến, xảy ra ở các địa phương.
Nạn nhân của các vụ án này thường là những tiểu thương, kinh doanh buôn bán nhỏ, là những người thân thích trong một gia đình… Bằng hình thức huy động vốn, góp vốn làm ăn, các đối tượng huy động vốn với lãi suất cao. Trong trường hợp này, đối tượng đánh vào tâm lý hám lợi, sự thiếu hiểu biết của một số người dân dể dụ dỗ cho những người có vốn cho vay với lãi suất cao. Sau đó, đối tượng sử dụng tiền của “người đến sau” trả lãi cho “người đến trước” và giữ uy tín trong vài tháng đầu. Và trong khoảng thời gian này, đối tượng cố gắng thu hút tiền cho họ…
Vì lòng tham, một số người đã dốc hết tiền trong nhà, thậm chí huy động tiền ở bên ngoài với lãi suất cao để đưa cho các đối tượng vay lãi với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch. Nhiều người vì hám lời trở thành trung gian vay tiền cho các con nợ để ăn tiền chênh lệch lãi suất. Đến khi các nợ đầu trên cùng tuyên bố vỡ thì cả dây bên dưới cũng vỡ nợ theo. Trong giao dịch dân sự, khi tuyến bố vỡ nợ, khó ai có thể làm gì được. Trường hợp khác, đối tượng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bỏ trốn. Đối tượng có thể tuyên bố phá sản, vỡ nợ hoặc tìm cách tẩu tán toàn bộ tài sản…
Một hình thức khá mới nữa là vay trực tuyến. Với hình thức này, các đối tượng cho vay tiền khá dễ dàng, nhiều trường hợp bọn chúng không cần gặp mặt, không cần thế chấp tài sản vẫn được cấp tiền. Thế nhưng trên thực tế, mức lãi suất ngầm lại khiến con nợ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, rất khó thoát ra được.
Một số đối tượng còn thành lập các công ty tài chính để hoạt động “tín dụng đen”. Đầu năm 2019, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá ổ nhóm hoạt động tín dụng đen núp bóng dưới hoạt động của công ty với số tiền giao dịch lên tới hàng trăm tỷ đồng. Các đối tượng trong ổ nhóm hoạt động dưới vỏ bọc của Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ vận tải Tín Nghĩa Hải Phòng (gọi tắt là Công ty Tín Nghĩa) do Nguyễn Giang Huy (SN 1986, trú tại Lê Chân, TP Hải Hải Phòng cầm đầu.
Trong vụ án này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ 18 đối tượng, khám xét 8 điểm kinh doanh thuộc Công ty Tín Nghĩa đã thu giữ trên 500 bộ hồ sơ cùng nhiều tài liệu có liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và ra quyết định khởi tố 18 bị can về tội danh trên.
Cùng với phương thức, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội, những quy định của hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bấp cận cũng là một nguyên nhân để “tín dụng đen” có những diễn biến phức tạp. Pháp luật hiện hành chưa quy định việc xử phạt hành chính đối với hành vi “cho vay lãi nặng tín chấp, cho vay lãi nặng không cầm cố tài sản” mà chỉ có quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành cho “cho vay tiền có cầm cố tài sản với lãi suất cao”.
Trong khi đó vay tín chấp và vay không cầm cố tài sản là hình thức phổ biến mà các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” hiện đang sử dụng và phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Bên cạnh đó, hình phạt quy định còn qúa nhẹ so với khoản lợi nhuận mà các đối tượng cho vay nặng lãi thu được nên không đủ sức răn đe… Từ đó, đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt để phòng ngừa “tín dụng đen”.