Văn hóa

Vì sao tác phẩm từng đoạt giải vẫn không được công nhận làm biểu tượng Hải Phòng?

Từng 5 lần tổ chức thi sáng tác biểu tượng thành phố và tìm ra tác phẩm đoạt giải song đến giờ, Hải Phòng vẫn chưa tìm ra biểu tượng cho thành phố mình.

Mới đây, khi mạng xã hội xôn xao vụ mẫu thiết kế cuộc thi sáng tác biểu tượng Hải Phòng khá giống logo một câu lạc bộ bơi, giới yêu nghệ thuật và người dân thành phố Hải Phòng cũng nhắc lại những lần thi trước “sáng tác biểu tượng Hải Phòng“. Đáng chú ý, trong câu chuyện mà nhiều nghệ sĩ nhắc tới, có những tác phẩm được chọn, giành giải Nhất đến giờ vẫn không được công nhận là biểu tượng. Điều đó cho thấy, để tác phẩm sáng tác được công nhận làm biểu tượng thành phố Hải Phòng không phải dễ.

5 sáng tác dự thi biểu tượng Hải Phòng lọt vào vòng chung khảo năm 2023.

Một họa sĩ có tiếng trong giới nghệ thuật ở Hải Phòng chia sẻ: Hải Phòng từng phát động 5 lần thi sáng tác biểu tượng thành phố nhưng vẫn không tìm ra biểu tượng.

Lần thứ nhất là tháng 8/1992 và 4 lần tiếp theo lần lượt vào các tháng 7/1999, tháng 6/2000, tháng 5/2007, tháng 8/2015 và lần thứ 6 là tháng 3/2022.

Qua 5 lần thi, dù có tìm ra tác phẩm đoạt giải Nhất nhưng không được công nhận làm biểu tượng vì nhiều lý do. Trong đó đáng chú ý nhất là cuộc phát động sáng tác biểu tượng lần thứ 5 (tháng 8/2015), khi phát hiện tác giả của tác phẩm đoạt giải Nhất là thành viên trong hội đồng nghệ thuật chấm giải, BTC đã không trao thưởng dù giải thưởng lúc đó được treo giải là 50 triệu đồng. Đến giờ, giải thưởng đó vẫn chưa được trao vì liên quan quy chế thi.

Cũng theo vị họa sĩ này, lý do những tác phẩm trên chưa được công nhận là biểu tượng, có thể mới đạt tới tầm của biểu trưng, chưa phải biểu tượng. Lý giải cho khái niệm biểu trưng và biểu tượng, vị này ví dụ “Chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình; còn biểu trưng cho hòa bình lại là khẩu súng gẫy đôi“.

Chia sẻ về cuộc phát động thi sáng tác biểu tượng Hải Phòng lần thứ 6 (2023), đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết: Rút kinh nghiệm từ những lần phát động trước, tại cuộc thi lần thứ 6, BTC đã họp bàn, xây dựng kế hoạch, chương trình rất kỹ lưỡng từ hệ thống phát động (ở 3 tỉnh thành phố lớn: Hải Phòng, Hà Nội, Tp.HCM) cho đến tìm mời thành viên tham gia hội đồng nghệ thuật (9 nghệ sĩ trong giới mỹ thuật toàn quốc); phương thức sơ loại, tiêu chí lựa chọn v.v… Thậm chí, BTC cuộc thi còn xây dựng bộ phim ngắn nói về mảnh đất, con người Hải Phòng xuyên suốt chiều dài lịch sử phát trên hệ thống để những người dự thi sáng tác xem và hiểu thêm về mảnh đất, con người Hải Phòng.

Mẫu dự thi HPD 422 gây ồn ào vừa qua vì nghi đạo nhái thiết kế.
3/5 tác phẩm dự thi mẫu biểu tượng được tác giả thể hiện ứng dụng trên sản phẩm gốm, sứ.

Tại cuộc thi 2023, đã thu hút được 992 tác phẩm, nhiều hơn tất cả 5 cuộc thi trước đó. Trong đó có 1 tác phẩm của tác giả người nước ngoài. Qua các vòng chấm loại, hội đồng nghệ thuật đã chọn ra 5 tác phẩm đi tiếp vòng trong. Để khách quan trong việc chọn lựa tác phẩm phù hợp nhất với tiêu chí cuộc thi, BTC đã xin ý kiến nhân dân qua hình thức lấy phiếu (khoảng 1.000-2.000 phiếu). Trên cơ sở ý kiến từ nhân dân, đánh giá của hội đồng nghệ thuật, BTC sẽ tìm ra một tác phẩm.

Mặc dù vậy, BTC vẫn còn xin ý kiến đánh giá, bình chọn từ Hội tướng lĩnh thành phố, các thành viên cốt cán qua các thời kỳ trong CLB Bạch Đằng… về những tác phẩm lọt vào vòng trong. Từ đó, sẽ đưa ra quyết định lựa chọn phù hợp, xứng đáng nhất.

Cũng theo vị lãnh đạo Sở VH-TT Hải Phòng: Trong mỗi cuộc thi sáng tác biểu tượng của thành phố sẽ có tác phẩm được nhận giải cao nhất nhưng không có nghĩa, tác phẩm đoạt giải đó sẽ được công nhận là biểu tượng. Và theo thể lệ cuộc thi lần này, tác phẩm được công nhận là biểu tượng Hải Phòng sẽ là tác phẩm đoạt giải Nhất, đồng nghĩa tác giả của tác phẩm đó sẽ được nhận tiền thưởng 500 triệu đồng. Trường hợp không lựa chọn được tác phẩm đoạt giải Nhất, BTC cuộc thi sẽ không trao giải hoặc đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian dự thi.

Đại diện lãnh đạo Sở VH và TT cho biết thêm: Những nghệ sĩ tham gia cuộc thi là những người thực sự yêu mến Hải Phòng vì chỉ khi lọt vào top 10, những tác giả này mới được thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng; trong khi chỉ cần một bức tranh, nghệ sĩ có thể bán tới hàng nghìn đô-la. Đến giờ, qua 30 năm, Hải Phòng vẫn phải trăn trở đi tìm biểu tượng cho mình.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở VHTT Hải Phòng, đến khi chọn được 1 tác phẩm, BTC vẫn phải lấy ý kiến nhân dân, sau đó đưa ra HĐND thành phố và đưa ra nghị quyết nếu thấy tác phẩm đó thực sự xứng đáng làm biểu tượng cho thành phố Hải Phòng. Do vậy, để có được tác phẩm mang tính biểu tượng thành phố thật sự gian nan.

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Tranh cãi xung quanh mẫu sáng tác biểu tượng Hải Phòng 2023

Minh Lý

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More