Print Thứ bảy, 10/09/2022 17:25 Gốc

Những năm qua, Hải Phòng triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư công. Trong đó, có một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, có dự án phải điều chỉnh tới 2 lần. Điều này làm nhiều người băn khoăn, thắc mắc. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đây là sự điều chỉnh cần thiết bởi thực tế thực hiện dự án luôn phát sinh những vấn đề mới cần phải giải quyết để bảo đảm tính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Linh hoạt theo thực tế

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới phải điều chỉnh tổng mức đầu tư một số dự án là do tăng chi phí đền bù GPMB (tăng do điều chỉnh bảng giá đất qua từng thời kỳ; một số địa bàn có giá đất cụ thể khu vực tăng đột biến, nguồn gốc đất có sự thay đổi như từ đất nông nghiệp thành đất ở…). Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 có 9 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng tổng mức đầu tư từ 4.442,7 tỷ đồng thành 7.842 tỷ đồng (tăng 3.339,4 tỷ đồng, tương đương 176,5%). Trong đó, chi phí GPMB tăng 1.669,7 tỷ đồng, chiếm 50% giá trị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Có 5 dự án tăng do điều chỉnh quy mô và GPMB; 2 dự án tăng GPMB; 2 dự án điều chỉnh chủ trương không tăng tổng mức đầu tư.

Giai đoạn 2021-2022 điều chỉnh chủ trương đầu tư 13 dự án. Tổng mức đầu tư từ 14. 634,5 tỷ đồng tăng lên 17.323 tỷ đồng, tăng 2.688,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB tăng 2.082,8 tỷ đồng, chiếm 77,47% giá trị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Có 3 dự án phê duyệt năm 2021 phải điều chỉnh chủ trương đầu tư gồm Trung tâm Chính trị-Hành chính Bắc sông Cấm; Trung tâm Hội nghị-Biểu diễn Bắc sông Cấm; dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi, còn lại là các dự án phê duyệt giai đoạn 2016-2020.

Việc điều chỉnh, tăng tổng mức đầu tư đường Hồ Sen-cầu Rào 2 đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị Hải Phòng.

 

Có một số dự án tăng tổng mức đầu tư lớn phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen-cầu Rào 2, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã ba đường Chợ Con đã được HĐND thành phố thông qua NQ điều chỉnh số 06/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 tăng 651,3 tỷ đồng, từ 1.405,4 tỷ đồng thành 2.056,8tỷ đồng. Nguyên nhân là điều chỉnh quy mô đầu tư, kéo dài tuyến đường thêm 110m nối từ ngã ba chợ Con đến đường Tô Hiệu và điều chỉnh tăng chi phí GPMB. Đây là sự điều chỉnh cần thiết vì kéo dài tuyến đường tới đường Tô Hiệu sẽ đáp ứng yêu cầu thực tế, bảo đảm giao thông thông suốt, thuận tiện hơn và đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị Lê Chân và thành phố.

Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp tuyến đường Máng Nước từ chân cầu Bính nối với đường 359 tại thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên cũng được HĐND thành phố điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư thêm 550,8 tỷ đồng (từ 486 tỷ đồng lên 1.036,8 tỷ đồng). Lý do cũng là vì điều chỉnh đơn giá đền bù GPMB, vật kiến trúc. Trong đó, tăng do điều chỉnh đơn giá trung bình 8,4 lần, có vị trí tăng cao nhất là 15 lần (như tại thị trấn Núi Đèo tăng từ 1.600.000 đồng thành 24.000.000 đồng)…

Nguyên nhân trong quá trình triển khai dự án, UBND huyện Thủy Nguyên đã thực hiện một số dự án đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng đấu giá trung bình 30.000.000đ/m², dẫn đến người dân trong phạm vi thực hiện dự án chưa GPMB không nhận tiền đền bù theo quyết định đã phê duyệt. Ngoài ra, việc kiểm đếm xác định chi phí đền bù vật kiến trúc của địa phương chưa chính xác làm tăng khối lượng đền bù lớn hơn nhiều so với bước tính sơ bộ khi lập chủ trương đầu tư và dự án đầu tư.

Dự án đầu tư, cải tạo đường trị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên được điều chỉnh tăng 136,9 tỷ đồng (từ 305,7 tỷ đồng thành 442,69 tỷ đồng) do điều chỉnh chi phí đền bù vật kiến trúc (chiếm 93% giá trị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư). Dự án đầu tư cải tạo đường tỉnh 359 đoạn từ cầu Bính đến xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên được điều chỉnh tăng 503,3 tỷ đồng (từ 1.316,3 tỷ đồng thành 1.819,68 tỷ đồng) do tăng chi phí bồi thường đất ở và tăng chi phí đền bù vật kiến trúc. Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ ngã ba Đoàn Lập-cầu Hàn-Quốc lộ 37 cũng được điều chỉnh tăng 28,159 tỷ đồng (từ 319,74 tỷ đồng thành 347,899 tỷ đồng) do tăng chi phí GPMB.

Ngoài ra, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, do phương án kiến trúc được duyệt thay đổi so với quy mô sơ bộ đã được phê duyệt dẫn đến phải điều chỉnh 2 dự án. Đó là dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị-Biểu diễn thành phố đã được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương điều chỉnh tăng 551,5 tỷ đồng (từ 1.785,3 tỷ đồng thành 2.336,89 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Chính trị-Hành chính thành phố được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tăng 260,466 tỷ đồng (từ 2.252,7 tỷ đồng thành 2.513,2tỷ đồng).

Hạn chế tới mức thấp nhất việc phải điều chỉnh các dự án đầu tư

Theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, trong bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đối với dự án nhóm A); Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (dự án nhóm B, C) chỉ yêu cầu lập sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư xây dựng hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, tính chất dự án đã thực hiện và có tính thêm yếu tố trượt giá. Sau đó, trong quá trình thẩm định, thực hiện mới xác định được chính thức tổng mức đầu tư; chưa kể khi thi công dự án có những vấn đề mới phát sinh cần tiếp tục được điều chỉnh.

Dự án đầu tư cải tạo đường tỉnh 359 đoạn từ cầu Bính đến xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 503,3 tỷ đồng.

 

Mặc dù vậy, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, vẫn cần hạn chế tới mức thấp nhất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án. Với trách nhiệm cơ quan tổng hợp cân đối nguồn vốn đầu tư công của thành phố và là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm định chủ trương đầu tư.

Cụ thể, trong công tác GPMB, đề xuất UBND cấp huyện phải có trách nhiệm rà soát, kiểm tra cung cấp số liệu về diện tích các loại đất, loại đất dự kiến thu hồi; lập và cung cấp số liệu cho cơ quan chuẩn bị đầu tư và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về số liệu cung cấp và về việc xác định nguồn gốc đất, xác định đơn giá đền bù, địa điểm bố trí tái định cư cho các hộ dân. Cùng với đó, đề xuất UBND thành phố giao chính quyền địa phương ở cấp huyện quản lý nguồn gốc đất và vật kiến trúc, cây cối, hoa màu để không biến động, phát sinh tính từ khi dự án được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư. Sở TNMT có trách nhiệm có ý kiến đối với phương án đền bù GPMB bao gồm cơ sở xác định nguồn gốc đất và đơn giá đền bù GPMB.

Đối với việc xác định quy mô đầu tư, chi phí xây dựng của dự án, yêu cầu chủ động bố trí chi phí lập quy hoạch chi tiết 1/500 để có cơ sở xác định được quy mô đầu tư và chi phí xây dựng của dự án; lựa chọn tư vấn có năng lực, bảo đảm xác định quy mô đầu tư, chi phí GPMB, chi phí xây dựng và đề xuất các biện pháp thi công sát thực nhất. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm tham gia ý kiến cụ thể đối với sự phù hợp về quy hoạch chuyên ngành, quy mô đầu tư đề xuất và các chi phí đầu tư của dự án.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu ban hành các quy định đề giám sát, kiểm tra các chủ đầu tư. Cụ thể, đã tham mưu để UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 14/6/2022 về việc nâng cao tính minh bạch và tiết kiệm trong công tác đấu thầu trên địa bàn thành phố; tham mưu ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công các dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố. Thông qua đó, chỉ đạo, nhắc nhở các chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác quản lý dự án, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng đội vốn đầu tư./.

Hồng Thanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Vì sao nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác